Không để F0 khó tiếp cận túi thuốc C

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, hiện TP có khoảng 47.000 F0 đang điều trị, cách ly tại nhà.

Để đảm bảo việc chăm sóc, theo dõi và quản lý F0 điều trị tại nhà, TP đã tăng cường các trạm y tế (TYT) lưu động, khởi động các khu cách ly tập trung quận, huyện. 

Cán bộ UBND phường Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM) trao túi thuốc
cho F0 điều trị tại nhà. Ảnh: NL

Gần đây, Pháp Luật TP.HCMcó nhận được thông tin của một số người dân phản ánh khi phát hiện mình là F0 sau khi được test nhanh nhưng chưa được tư vấn, chăm sóc và điều trị tại nhà. Ngoài ra, một số F0 còn thông tin không nhận được túi thuốc C (thuốc kháng virus).

F0 chưa được tư vấn kịp thời

Hai ngày nay, chị PTN (phường Hiệp Thành, quận 12) đang rất lo lắng vì cả gia đình chị qua test nhanh phát hiện dương tính với COVID-19. Chị đã gọi điện thoại đến TYT phường nhưng chưa được hỗ trợ tư vấn cách ly, điều trị tại nhà.

Chị N cho biết chị làm công nhân tại một công ty ở quận 12. Khoảng đầu tháng 11, công ty chị phát hiện một số ca dương tính với COVID-19. Đến ngày 15-11, chị cảm thấy người mệt mỏi, tự test nhanh thì kết quả cho hai vạch. Hôm sau, chồng và con chị cũng có kết quả dương tính.

Khi cả nhà đều bị dương tính và đặc biệt có trẻ nhỏ, chị đã gọi điện thoại đến TYT phường để thông báo và nhờ hỗ trợ. Tuy nhiên, nhân viên TYT chỉ hướng dẫn chị lên trạm lấy giấy cách ly chứ không hướng dẫn gì thêm.

“Hiện nay cả gia đình tôi đều có triệu chứng giống nhau, người mỏi mệt, sốt, đau nhức cả người. Tôi cũng không biết phải mua thuốc gì để uống, tôi cần được hỗ trợ hướng dẫn để gia đình vượt qua giai đoạn khó khăn này” - chị N mong mỏi.

Một trường hợp khác, anh TNH (phường 17, quận Gò Vấp) cho biết cách đây khoảng một tuần, sau khi test nhanh, anh phát hiện mình bị dương tính với COVID-19. Anh H tự đến y tế phường khai báo và được cấp hai túi thuốc A và B. Khi đó, anh xem trên báo chí thì mới biết có cả túi thuốc C là thuốc kháng virus.

“Tôi không quá lo lắng khi chẳng may bị nhiễm bệnh và có bệnh thì phải điều trị kịp thời sẽ hết. Tôi cũng không có kiến thức nhiều về bệnh này nên rất cần được tư vấn và cấp thuốc đầy đủ. Tôi cũng muốn được dùng loại thuốc kháng virus nhưng không có ai hỏi hay tư vấn để mình được lựa chọn. Giờ tôi đã hết triệu chứng nhưng cũng mong muốn những F0 khác sẽ được tư vấn và phát thuốc đầy đủ để nhanh hết bệnh” - anh H chia sẻ.

Chưa ghi nhận tác dụng phụ bất thường

BS Vũ Thắng, BV Da liễu TP.HCM tăng cường cho TYT lưu động phường An Phú Đông (quận 12), cho biết tùy theo tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được phát túi thuốc A, B hoặc C. Túi thuốc C được dùng cho bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và vừa, chống chỉ định với các bệnh lý làm yếu đi chức năng gan và thận như suy gan, suy thận, nam, nữ có kế hoạch có thai trong vòng ba tháng.

Theo ghi nhận, các bệnh nhân sử dụng túi thuốc C có chuyển biến tốt, chưa có ghi nhận tác dụng phụ bất thường.

Thời gian đầu, một số bệnh nhân muốn sử dụng túi thuốc C nhưng sợ tác dụng phụ chưa được nghiên cứu rõ ràng và phải ký cam kết nên còn ngại. Thời gian gần đây, khi nhận biết tác dụng của thuốc, người dân đã mạnh dạn hơn.

BS Thắng cho biết túi thuốc C là túi thuốc thử nghiệm, sử dụng trong vòng năm ngày, quá trình sử dụng của bệnh nhân phải được theo dõi nghiêm ngặt. Bác sĩ phải gọi điện thoại để nắm tình trạng của bệnh nhân mỗi ngày.

Bệnh nhân phải chụp ảnh vỏ thuốc dùng hằng ngày, gửi cho bác sĩ theo dõi, nếu không dùng hết thuốc phải thu hồi. Do đó, BS Thắng lo ngại với nhân sự TYT lưu động còn hạn chế, trạm sẽ gặp khó khăn hơn trong việc theo dõi và quản lý bệnh nhân uống thuốc nên cần thêm nhân lực hỗ trợ.•

 

Sẽ chấn chỉnh tình trạng F0 khó tiếp cận túi thuốc C

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP vào chiều 15-11, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết Sở Y tế đã có văn bản nhắc nhở các địa phương về việc F0 khi cần được tư vấn, chăm sóc và điều trị thì không liên lạc được với cơ sở y tế; nhiều F0 không nhận được túi thuốc C.

Sở cũng thành lập đoàn kiểm tra để đánh giá thực tế, từ đó nhắc nhở, hướng dẫn các trường hợp vì nhiều lý do chưa nắm được quy định.

Theo ông Hưng, vào chiều 13-11, Sở Y tế đã làm việc với 22 giám đốc trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức để quán triệt lại trên tinh thần là tất cả F0 được cách ly tại nhà có chỉ định, mà vì lý do nào đó địa phương không phát thuốc thì phải xử lý.

Ông Hưng cho hay không phải tất cả F0 đều phải sử dụng túi thuốc C. Bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định, có sự đồng thuận của người bệnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm