Lý do nhiều bệnh nhân COVID-19 ở TP.HCM chậm nhận túi thuốc điều trị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 6-9, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn.

Vì sao ca tử vong có xu hướng giảm nhưng vẫn cao?

Thông tin về tình hình dịch, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM Phạm Đức Hải, cho biết tính đến 18 giờ ngày 5-9, TP đã có tổng cộng 251.933 ca nhiễm COVID-19 được Bộ Y tế công bố, hiện đang điều trị cho 42.665 bệnh nhân.

Riêng trong ngày 5-9 có 2.915 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số ca xuất viện cộng dồn từ đầu tháng 1-2021 đến nay là 128.396. Cũng trong ngày 5-9 có 233 bệnh nhân COVID-19 tử vong, nâng tổng số ca tử vong cộng dồn từ đầu tháng 1-2021 đến nay là 10.685 người.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM tại họp báo. Ảnh: TÁ LÂM

Lý giải về số ca tử vong tại TP.HCM tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn cao, BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết hiện nay số ca nặng đang điều trị là 9.543 ca, trong đó trường hợp thở máy xâm lấn dài ngày là 1.053 ca, 22 ca đang sử dụng ECMO.

Theo ông Châu, hệ thống điều trị tại TP.HCM đang cố gắng điều trị các ca rất nặng bằng tất cả các biện pháp tối ưu hóa cao cấp nhất hiện nay. Tuy nhiên, đây là những bệnh nhân tổn thương phổi rất nặng do COVID-19, do đó tỉ lệ tử vong luôn luôn rất cao, thay đổi từ 30 đến 50%.

Mặc dù vậy, ông Châu cũng khẳng định ca tử vong sẽ giảm dần trong những ngày tới. “Hy vọng rằng các y bác sĩ sẽ cố gắng cứu được khoảng từ 50 đến 60% những ca nặng đang thở máy, vì còn tùy thuộc vào mức độ tổn thương phổi, trong quá trình điều trị bệnh nhân có mắc thêm bệnh và tổn thương khác hay không” - ông Châu nói.

Nhiều F0 chậm nhận các túi thuốc

Liên quan đến việc báo chí phản ánh tình trạng nhiều bệnh nhân COVID-19 tại TP.HCM chậm nhận các túi thuốc A, B, C mà ngành y tế cấp, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu, cho biết do đợt xét nghiệm diện rộng hiện nay, số ca F0 tăng lên. Vì vậy mà danh sách các trường hợp F0 cập nhật không kịp, dẫn đến tình trạng nhiều F0 chưa được nhận gói thuốc A, B, C.

Để giải quyết tình trạng này, ông Châu cho biết Sở Y tế đã tăng 40 đội y bác sĩ từ các bệnh viện, mỗi đội có 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng cho các cơ sở y tế cấp xã, phường. Quân đội cũng tăng cường cho TP 28 đội y tế lưu động.

Cùng với đó, chính quyền TP.HCM cũng ra văn bản nhắc nhở các địa phương tăng tốc độ cấp thuốc để đảm bảo F0 có thuốc.

Riêng với túi thuốc C (thuốc kháng virus), việc cung cấp gói thuốc này cần có sự tham vấn của nhân viên y tế và sự đồng ý của bệnh nhân/người nhà nên tiến độ chậm hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm