Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ở miền Trung ngày càng nhiều. Ảnh: Lao động
Ông Khuê cho biết Việt Nam là nước có nhiều loại rắn độc cắn người có thể gây tử vong nếu không được cấp cứu đúng và kịp thời. Do đó, những trường hợp bệnh nhân nặng do rắn độc cắn phải được cấp cứu chuyên sâu.
Ông Khuê yêu cầu tập trung cấp cứu, hồi sức, điều trị cho người bệnh bị rắn độc cắn không để xảy ra tử vong. Trường hợp cần tư vấn về cấp cứu, điều trị cho người bệnh nặng do rắn độc cắn có thể liên hệ với Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai để được hướng dẫn chuyên sâu.
Theo các bác sĩ, trong việc điều trị rắn độc cắn, huyết thanh kháng độc nọc rắn góp phần rất quan trọng . Hiện nay, Viện Vacine và Sinh phẩm y tế số 9, Pasteur Nha Trang đã sản xuất được nhiều huyết thanh kháng độc nọc rắn, trong đó có huyết thanh rắn lục đuôi đỏ.
Như Pháp luật TP.HCM đã phản ánh tại khoa Y học nhiệt đới BV Đà Nẵng, hiện khoa này đang cấp cứu, điều trị cho 10 bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Trong đó có sáu ca là người dân TP Đà Nẵng, còn lại là bệnh nhân nặng từ Quảng Nam và Quảng Ngãi chuyển ra.
Tại BV Đa khoa tỉnh Bình Định cho biết từ đầu tháng 11 đến nay, khoa Nội tổng hợp của bệnh viện này đã tiếp nhận cấp cứu, điều trị 13 người bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Hai trường hợp mới nhất bị rắn lục đuôi đỏ cắn hiện đang điều trị đều ngụ TP Quy Nhơn.
Bác sĩ Bùi Mạnh Hùng, Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, 2 tháng trở lại đây, khoa đã cấp cứu cho nhiều bệnh nhân trên địa bàn Thừa Thiên- Huế bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Trong số 16 ca bị rắn cắn nhập viện trong tháng 10 và tháng 11, có 9 ca bị rắn lục đuôi đỏ cắn. Nhờ được chữa trị kịp thời nên hầu hết bệnh nhân trong số này đều đã qua cơn nguy kịch và được xuất viện.