Nhu cầu cao, nhà ở lại có giá quá cao, người thu nhập thấp không với tới cộng với sự quản lý lỏng lẻo, thậm chí có cả tiếp tay cho các hành vi phân lô đất, xây dựng trái phép của một bộ phận cán bộ thoái hóa đã khiến vấn đề về trật tự xây dựng trên địa bàn TP, nhất là khu vực vùng ven trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM đang lập hồ sơ các công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh. Ảnh: VIỆT HOA
Hệ lụy của tình trạng trên là cả người vi phạm lẫn chính quyền TP đều thiệt hại nghiêm trọng. Người dân có công trình vi phạm bị cưỡng chế, tháo dỡ vừa thiếu chỗ ở vừa trắng tay.
Trong khi đó, về phía chính quyền là sự thiệt hại không chỉ về của cải, vật chất mà quan trọng hơn là về uy tín, niềm tin trong nhân dân bị suy giảm. Đó là chưa nói đến giải quyết những hệ lụy này còn là cả một câu chuyện dài và tốn kém, có thể thấy rõ nhất là hàng ngàn căn nhà đang tồn tại trái phép ở Bình Chánh… Vấn đề nghiêm trọng nữa là gây nên chuyện lờn luật, bất chấp pháp luật.
Thực trạng trên không phải mới xảy ra ngày một ngày hai tại TP.HCM. Chính quyền cũng không phải lần đầu tiên đau đầu, nhức óc đối diện với nạn xây lụi này. Từ khi nạn xây dựng không phép, sai phép rộ lên, chính quyền các cấp đã vào cuộc. Đã có hàng ngàn công trình bị cưỡng chế, cũng có một số cán bộ “nhúng chàm” bị kỷ luật, thậm chí bị truy cứu hình sự. Tuy nhiên, đến nay nạn vi phạm trật tự xây dựng vẫn không ngừng tăng lên, vấn đề này đã không ít lần làm nóng nghị trường HĐND TP.
Ngay từ sáu tháng đầu năm 2019, TP liên tục bàn các giải pháp để triệt nhà không phép, sai phép. Trong nhiều hội nghị Thành ủy, nhiều cuộc họp về tình hình kinh tế-xã hội của UBND TP, cả nghị trường HĐND TP, vấn đề này tiếp tục được phân tích, mổ xẻ và đưa ra giải pháp.
Ngày 25-7, Thành ủy tiếp tục ra Chỉ thị 23 để chỉ đạo UBND TP cùng các ngành, các cấp và đến tận từng đảng viên phải vào cuộc. Điều này cho thấy Đảng bộ và chính quyền TP không khoan nhượng với nạn xây dựng không phép, sai phép. Hy vọng rằng đây sẽ là “liều thuốc đặc trị” để chấm dứt “căn bệnh trầm kha” nhiều năm nay của TP.HCM.
Dư luận đang chờ đợi đến năm 2020, trật tự kỷ cương và luật pháp về đất đai, xây dựng, quy hoạch trên địa bàn TP sẽ được lập lại cao nhất. Và đến lúc đó, câu chuyện trái phép sẽ chỉ là chuyện của dĩ vãng…