Không ngại thiếu nguồn tuyển sinh

“Năm nay nguồn tuyển ĐH-CĐ dồi dào”. Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga tại buổi họp báo công bố các mức điểm xét tuyển cơ bản đảm bảo chất lượng đầu vào ĐH, CĐ năm 2014 ngày 8-8.

650.000 thí sinh trên mức tối thiểu

Theo ông Ga, qua thống kê, các khối thi có phổ điểm gần như lý tưởng hơn mọi năm. Phổ điểm dịch sang phía bên phải, nghĩa là dịch chuyển về hướng có vùng điểm cao. Có khối thi dịch chuyển tăng 3 điểm so với năm ngoái như A, A1 và B. Khối C, D thì có thay đổi nhưng không nhiều. Theo đánh giá của ông Ga, lượng hồ sơ năm nay giảm khoảng 20% so với năm 2013. Tuy nhiên, số thí sinh thực tế đủ điều kiện đưa vào thống kê lại tương đương năm ngoái, khoảng hơn 1 triệu thí sinh, vì vậy kỳ vọng chất lượng thí sinh năm nay tốt hơn.

Ông Ga cho biết với mức điểm thấp nhất (14 điểm với khối B, các khối còn lại là 13 điểm - PV), số thí sinh đạt từ mức điểm này trở lên là trên 60%, tương đương khoảng 650.000 thí sinh. Trong khi đó, chỉ tiêu đầu vào ĐH là khoảng 350.000 em, dư ra gần gấp đôi. Với CĐ, có khoảng 80% thí sinh đạt mức 10 điểm trở lên. Như vậy, nguồn tuyển năm nay khá thoải mái cho các trường.

Ảnh: Huy Hà, đồ họa: Thùy Trang

“So với năm 2013, lượng thí sinh đạt mức điểm thấp nhất trở lên dôi dư lớn hơn. Hai khối trọng yếu nhất là khối A và A1 hệ số dôi dư là 1,7, trong khi đó năm 2013 hệ số này chỉ là 1,5. Đó là chưa tính các trường tuyển sinh riêng lấy khoảng 10% thí sinh. Nếu tính cả nhóm này, hệ số dôi dư sẽ lên 1,8%. Do đó, các trường không ngại thiếu nguồn tuyển trong năm nay” - ông Ga nhấn mạnh.

Trước băn khoăn số lượng thí sinh dư không nhiều do thí sinh có thể dự thi vào nhiều trường, hồ sơ ảo vẫn có, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD&ĐT, cho biết năm nay Bộ đã phân tích cụ thể phổ điểm. Số liệu tính toán là căn cứ trên thí sinh thi đầy đủ cả ba môn ở mỗi khối thi.

Giúp phân hạng trường ĐH

Trước việc dư luận băn khoăn về việc Bộ GD&ĐT đưa ra ba mức xét tuyển ĐH nhằm mục đích gì, Thứ trưởng Ga giải đáp: “Với phân khúc thành ba mức như vậy, các trường phải cân nhắc trong việc chọn mức xét tuyển đầu vào như thế nào cho phù hợp để hài hòa giữa chỉ tiêu và uy tín chất lượng, từ đó là căn cứ để xã hội đánh giá vị trí nhà trường thuộc nhóm nào” - ông Ga nói. Theo ông Ga, với mức 1 (cao nhất) thì có khoảng 20%-30% thí sinh đạt được mức này, vì vậy thuận lợi cho các trường tốp trên xác định điểm chuẩn đầu vào, từ đó nâng cao chất lượng của trường. Tuy nhiên, các trường tốp giữa cần cân nhắc thận trọng giữa một bên là tiêu chí chất lượng, một bên là chỉ tiêu tuyển sinh. Các trường nên dành ra một lượng nhỏ để tuyển nguyện vọng 2 và chia sẻ với các trường tốp dưới.

Ông Ga cũng cho biết Bộ đang xây dựng tiêu chí xếp hạng ĐH nên việc chọn một mức xét tuyển nào cũng sẽ là một tiêu chí để xếp hạng trường. Vì vậy, việc đưa ra các mức điểm cơ bản sẽ tập cho các trường dần có tính toán cụ thể, không chỉ lo tuyển đủ chỉ tiêu mà quên đi uy tín, chất lượng.

Phân tầng chưa rõ ràng

Nhận định về các mức điểm xét tuyển cơ bản, PGS-TS Lê Hữu Lập, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (Hà Nội), cho rằng Bộ đưa ra mức tối thiểu về căn bản không khác gì với điểm sàn mọi năm. Ba mức có điểm số gần nhau quá. “Rõ ràng phân tầng để khẳng định thương hiệu đầu vào của trường là rất tốt, song nên chăng mỗi mức cách nhau 3-4 điểm, mức 1 lấy 20 điểm, mức 2 lấy 16, mức 3 lấy 13, có như vậy mới phân tầng các trường rõ ràng hơn” - ông Lập nói.

Trong khi đó, GS-TS Lê Quan Nghiệm, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược TP.HCM, nhận xét: Đây là phương án rất tiện cho các trường tuyển sinh, không có gì đáng tranh luận. Các phương án tuyển sinh này rất uyển chuyển, không cứng nhắc một mức như các năm trước. So với cách xác định điểm sàn các năm trước không có sự khác biệt lớn, trong khi đề năm nay khó hơn các năm trước nên rất đảm bảo chất lượng. TS Nguyễn Kim Quang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), nhận định: Với ba mức điểm cơ bản xét tuyển, cơ hội cho thí sinh lựa chọn vào các trường ĐH, CĐ khá cao.

HUY HÀ - PHONG ĐIỀN

* Ngay sau khi Bộ GD&ĐT công bố các mức xét tuyển cơ bản vào ĐH, CĐ, nhiều trường đã công bố điểm chuẩn vào trường, các ngành của trường mình; đồng thời công bố số lượng xét tuyển bổ sung. Tất cả thông tin này được cập nhật lên tục trên Pháp Luật TP.HCM online (www.plo.vn), mời bạn đọc đón xem.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm