‘Không sợ đối thoại’

Đó là thông điệp mạnh mẽ của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng được đưa ra tại Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” sáng 18-5.

Tư tưởng đối thoại, tranh luận mà ông Thưởng nhắc trên đây, trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ, xây dựng đất nước trong bối cảnh ngàn cân treo sợi tóc, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thể hiện một cách sinh động, sâu sắc nhất tư tưởng ấy.

Đơn cử như tại cuộc đối thoại quan trọng nhất của Hồ Chí Minh với quốc dân đồng bào diễn ra sau ngày 6-3-1946, lúc Hiệp định sơ bộ Việt-Pháp được ký kết. Dư luận khi đó, theo các dữ liệu lịch sử ghi lại, thì chính phủ Việt Minh bị cho là thỏa hiệp với Pháp, Hồ Chí Minh “bỏ rơi Nam bộ”, “bán nước”. Nhân dân hoang mang, cán bộ tuyên truyền lo lắng, lúng túng.

Ngày 9-3-1946, Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Hòa để tiến” giải thích cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ chủ trương tạm thời hòa hoãn với Pháp và chỉ ra những nhiệm vụ cần kíp trước mắt.

Cũng ngay trong ngày đó, Hồ Chí Minh bất ngờ đến Đài Tiếng nói Việt Nam và đối thoại với đồng bào qua sóng truyền thanh. “Đồng bào hãy tin rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước!” - đó là lời tuyên bố khi Hồ Chí Minh kết thúc cuộc đối thoại. Sau đó, khi lên đường đi Paris với tư cách thượng khách của nước Pháp, Hồ Chí Minh cũng nói với quốc dân rằng: “… Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước” (*).

Nhiều biến cố trong lịch sử cho thấy đối thoại bao giờ cũng là phương thức tốt nhất để ý Đảng, lòng dân gặp nhau vì lợi ích chung của dân tộc. Hôm 17-5 mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lần thứ hai gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp. Những định hướng mới được thông báo, những kiến nghị được lắng nghe, những giải pháp được tiếp thu và những băn khoăn được giải đáp. Không chỉ gặp gỡ doanh nghiệp, Thủ tướng còn nhiều lần đối thoại với công nhân và chính những thực tế từ đối thoại đã làm nảy sinh nhiều chính sách vì con người, vì lợi ích chung của cả nền kinh tế.

Bởi vậy, đối thoại không chỉ là phương thức dùng để giải quyết khủng hoảng mà còn là phương thức duy trì ổn định xã hội, kiến tạo phát triển và đưa quốc gia tới thịnh vượng.

Vấn đề là phải làm sao để tinh thần đối thoại tranh luận ấy có sức sống trong mỗi cán bộ, đảng viên.

__________________

(*) Trích bài viết “Bác Hồ với Đài TNVN - Lần đầu đến Đài, Bác nói: Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”, VOV, ngày 1-9-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm