Tôi theo dõi phiên tòa thấy tòa nhận định: Hành vi của bị cáo có dấu hiệu của tội cướp tài sản bởi bị cáo đã dùng dao khống chế nạn nhân. Khi bị nạn nhân phản ứng thì hung thủ đánh khiến nạn nhân sợ không dám kêu la. Việc nạn nhân tự ý đưa xe máy cho bị cáo không phải là tự nguyện nên bị cáo có dấu hiệu phạm tội cướp tài sản chứ không phải cưỡng đoạt. Tuy nhiên, vì nạn nhân chỉ kháng cáo đòi bồi thường giá trị chiếc xe máy nên tòa chỉ có thể chấp nhận phần kháng cáo này chứ không thể đổi tội danh của bị cáo từ cưỡng đoạt sang tội cướp (một tội danh nặng hơn) được. Tôi rất thắc mắc vì sao thấy rõ là tội cướp mà tòa không thể xử tội này?
Đào Ngọc Thu (Long Thành, Đồng Nai)
Luật sư NGUYỄN THANH VIỆT, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi theo tội danh mà VKS truy tố và tòa án đã quyết định đưa ra xét xử. Tòa án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà VKS đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà VKS đã truy tố. Đồng thời, cũng theo luật, tòa án cấp phúc thẩm chỉ xét xử lại bản án, quyết định của tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo hoặc kháng nghị. Do đó, trong khi xét xử phúc thẩm, HĐXX có thể thấy tòa án cấp sơ thẩm xử bị cáo về tội cưỡng đoạt tài sản là sai tội danh, lẽ ra tòa hủy án sơ thẩm để điều tra lại nhưng do không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng (điều khoản mà tòa đang xử về tội cưỡng đoạt tài sản có mức hình phạt nhẹ hơn điều khoản về tội cướp tài sản mà tòa án cấp phúc thẩm nhận thấy) nên tòa phải y án chứ không thể chuyển đổi tội danh sang tội cướp tài sản. Thông thường trong tình huống này, một mặt tòa án cấp phúc thẩm sẽ y án sơ thẩm nhưng mặt khác tòa sẽ kiến nghị giám đốc thẩm xem xét lại vụ án…
N.ĐỊNH ghi