Khuyến mại vì ai?

Việc áp dụng các hình thức khuyến mại, giảm giá nhằm thu hút khách hàng đã trở thành một biện pháp kinh doanh phổ biến của nhiều cửa hàng, siêu thị.

Chạy đua khuyến mại

Nhằm thổi sức nóng vào thị trường đầu năm còn khá ảm đạm, các cửa hàng, siêu thị đang tiến hành chạy đua khuyến mại. Các trung tâm kinh doanh điện máy có “máu mặt” tại Hà Nội liên tục đưa ra các chương trình khuyến mại hấp dẫn như: “Nhận gió mát với giá cực nóng” (Việt Long), “Tài trợ giá tiết kiệm tối đa” (Bestcarings), “Tháng bán hàng không lợi nhuận” (Mediamart), chương trình “Tuần lễ Cảm ơn người tiêu dùng” của Pico Plaza, kéo dài từ 3/4 đến 9/4/2010.

Khuyến mại vì ai? ảnh 1

 (ảnh minh họa)

Giải thích cho việc đồng loạt khuyến mại, một số cửa hàng, trung tâm điện tử, điện máy cho biết: “Đây là thời điểm các sản phẩm điện tử, điện máy tiêu thụ trên thị trường chậm nhất trong năm. Vì vậy, cần đẩy mạnh khuyến mại, giảm giá để thu hút khách hàng. Khuyến mại thực ra chỉ là một “chiêu” để các doanh nghiệp tranh thủ kích cầu, làm PR cho mình”.

Đối với các sản phẩm điện lạnh, các siêu thị, cửa hàng thường có “chiêu” giảm giá hoặc tặng kèm sản phẩm. Mua tivi, điều hòa, tủ lạnh khách hàng có thể được tặng ngay một máy xay sinh tố, nồi cơm điện hoặc đầu máy. Đối với những sản phẩm nội trợ còn có kiểu khuyến mại mua một tặng một. Có lẽ phong phú nhất vẫn là các chiêu khuyến mại thuộc lĩnh vực may mặc, thời trang. Khẩu hiệu “hàng xuất khẩu tồn kho”, “hàng thanh lý tồn kho”... được người kinh doanh tận dụng triệt để. Ngay cả những hãng có tên tuổi như Ninomax, Blue Exchange, Triump... cũng liên tục đưa ra chiêu giảm giá 30-50%, thậm chí là 70-80%. Băng-rôn với những lời mời gọi hấp dẫn được căng tràn lan với kích thước lớn và câu khách: “Giá cực sốc, giá cực rẻ”, “khuyến mãi lớn, số lượng có hạn”...

Ngoài việc giảm giá trực tiếp sản phẩm từ 10-30%, tặng quà, bốc thăm trúng thưởng…, người tiêu dùng còn được hưởng những chính sách chăm sóc đặc biệt. Ngay sau khi các chương trình được thông báo, số lượng khách hàng đến với các siêu thị trong thời gian khuyến mại đông hơn nhiều lần ngày thường.

Sự thật sau “chiêu” khuyến mại

Sau khi đọc thông tin khuyến mại, mua tivi LCD 32 inch trở lên trong chương trình “Lì xì đầu năm” diễn ra trong 10 ngày liên tục, từ 19/2 (mồng 6 Tết Canh Dần) và kéo dài tới hết tháng 2/2010 tại Pico Plaza sẽ được khuyến mại 1 triệu đồng, anh Hưng ở Thái Thịnh - Hà Nội, hăm hở đi mua. Nhưng khi đến nơi, anh mới biết sản phẩm chỉ khuyến mại vào đầu buổi sáng và chỉ khuyến mại cho tivi LCD có giá trên 10 triệu đồng. Đã mất công đi rồi chẳng lẽ lại về không nên anh đành mua một chiếc. Anh Hưng bức xúc: “Như thế không thể gọi là khuyến mại, giảm giá, cách đăng tin khuyến mại mập mờ khiến người tiêu dùng dễ bị lừa và mất thời gian. Chương trình khuyến mại ở tờ rơi thì hấp dẫn nhưng khi đến nơi tôi có cảm giác như mình bị lừa, không mua được hàng khuyến mại lại còn mang bực vào người”.

Biết về chương trình khuyến mại của siêu thị Big C, chị Giang ở Thành Công - Hà Nội, cùng một vài người bạn kéo đến siêu thị mua sắm. Nhưng sau khi lượn một vòng, chị lắc đầu vì không chọn mua được sản phẩm nào ưng ý. “Quần áo ở đây tuy đa dạng nhưng mẫu mã không đẹp, phần lớn là những mặt hàng sản xuất đồng bộ, giá đắt hơn ngoài thị trường. Khi siêu thị khuyến mại giá “giảm tới 50%” thì đó là giá “sốc” đối với siêu thị thôi, chứ so với ngoài thị trường thì cũng chẳng giảm là bao”, chị Giang nhận xét.

Qua khảo sát của chúng tôi, giá thực hiện khuyến mại tại các siêu thị không chênh lệch nhiều so với thị trường. Ví dụ, nước mắm cao cấp Chinsu 650ml, giá bán lẻ là 48.000 đồng/lô 2 chai thì tại siêu thị Big C, giá “sốc” cũng chỉ thấp hơn 2.500 đồng. Thậm chí có mặt hàng tại Pico đã khuyến mại nhưng giá vẫn đắt hơn so với giá thị trường. Ví dụ: Nokia 2730, giá Pico là 1.768.000 đồng nhưng giá tại Hải Hiền Mobile trên đường Tây Sơn - Hà Nội chỉ có 1.750.000 đồng và tại giá gốc (86 Hàng Mã - Hà Nội) là 1.760.000 đồng. 

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, hầu hết các chương trình khuyến mại đều là do các siêu thị động viên nhà cung cấp chia sẻ lợi nhuận với người tiêu dùng. Đây là một việc làm xuất phát từ lợi ích của người tiêu dùng, nhưng hiện nay chương trình khuyến mại giảm giá đang bị lợi dụng, biến tướng gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Có rất nhiều chương trình khuyến mại không lành mạnh như tặng hàng sắp hết hạn sử dụng, giá trị khuyến mại không có thật hoặc tự tăng giá, sau đó mở chương trình khuyến mại để giảm giá.  

Theo ông Vương Ngọc Tuấn, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, ngày nào Hội cũng nhận được phản ánh thắc mắc của người tiêu dùng về các chương trình khuyến mại. Vì thế rất cần sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan quản lý đối với các chương trình khuyến mại ngay từ ban đầu để đảm bảo không gây phiền hà cho người tiêu dùng. Thậm chí phải phạt nặng những đơn vị quảng cáo sai sự thật và tạo kênh tiếp nhận thông tin phản ánh từ phía người tiêu dùng. Như vậy, người tiêu dùng mới được hưởng những giá trị thực và yên tâm hơn khi mua hàng khuyến mại.

Theo Ánh Phương (báo TNVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm