Ngày 30-8, Sở TN&MT TP Hà Nội tới khu vực xảy ra vụ cháy tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông thuộc phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) để tiến hành quan trắc môi trường.
Phía Công ty Rạng Đông cũng đã thành lập ban xử lý ứng phó sự cố, phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC và công an địa phương xử lý hậu quả của hỏa hoạn.
Người dân ở đây phải thường xuyên đeo khẩu trang. Ảnh: AN HIẾN
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Trung, Trưởng khoa Bệnh nghề nghiệp, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế), cho biết Sở Y tế TP Hà Nội đang phối hợp với đơn vị để khảo sát bụi thủy ngân, nước, thực phẩm… quanh khu vực cháy. “Sau khi có kết quả mới đưa ra được các tư vấn” - ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho biết báo chí đang nói nhiều về bóng đèn cháy sẽ kèm theo hàm lượng thủy ngân. Tuy nhiên, để có kết quả chính xác cần đánh giá kho hàng bị cháy chứa hóa chất hay chỉ là kho thành phẩm. Nếu hóa chất phát tán với nồng độ đậm đặc sẽ rất đáng ngại, còn với lượng nhỏ cần phải đưa ra các tư vấn hợp lý cho người dân.
Lực lượng chức năng đang tiến hành quan trắc môi trường quanh khu vực cháy. Ảnh: AN HIỀN
Theo ghi nhận của PV PLO, đến sáng 30-8, khu vực xung quanh xảy ra vụ cháy của Công ty Rạng Đông vẫn ngổn ngang phế liệu, sắt thép, bóng đèn... Dù ở cách xa đến 1 km, người dân vẫn cảm nhận mùi khét.
Sau khuyến cáo của chính quyền địa phương về môi trường nơi đây, tất cả người dân lộ rõ sự hoang mang, ai nấy đều mang theo khẩu trang phòng tránh hít phải khói độc. Nhiều nhà dân di chuyển đến nhà người quen ở tạm, còn các cửa hàng thì đóng cửa.
Nhiều tài sản của người dân nằm cạnh khu vực nhà máy cũng bị lửa thiêu rụi. Ảnh: AN HIỀN
Anh Nguyễn Thanh Sơn, ở phố Hạ Đình, cho biết khi đám cháy xảy ra, các con được anh đưa tới nhà người thân.
“Nhà tôi ở đây vừa sinh sống vừa kinh doanh nên không di dời được nhưng nhờ có thông báo của chính quyền nên tôi cũng khuyến cáo vợ con đeo khẩu trang, không mua thực phẩm ngoài chợ mà vào siêu thị…” - anh Sơn nói.
Chung tâm trạng, chị Vương Vân Anh (Hạ Đình) cho biết hôm qua phường thông báo có lượng thủy ngân, khuyến cáo người dân không sử dụng thực phẩm trong bán kính 1 km từ vụ cháy khiến chị càng hoang mang.
“Trong đêm xảy ra vụ cháy, các con đi sơ tán còn hai vợ chồng ngủ ngoài vỉa hè. Đến hôm nay, lửa dập rồi nhưng vẫn còn khó thở, phải đeo khẩu trang, nước mắt nước mũi cứ chảy ròng ròng…” - chị Vân Anh nói và cho biết từ hôm qua đến nay gia đình phải tháo hết đường ống nước để vệ sinh.
Hít thủy ngân ảnh hưởng như thế nào? Theo sách y khoa, hít phải thủy ngân gây bệnh phổi nặng cấp tính. Triệu chứng đầu tiên là sốt do khói kim loại gồm: sốt, ớn lạnh, thở khó. Những triệu chứng khác gồm: viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Những triệu chứng này thường dịu đi trong vòng một tuần. Tuy nhiên, trong một số trường hợp có diễn tiến nặng hơn như phù phổi cấp, suy hô hấp và tử vong. Ngộ độc mãn do hít thủy ngân gây tam chứng kinh điển: viêm lợi và chảy nước miếng, run giật tay và rối loạn tâm thần kinh. Trẻ thường mất ngủ, hay quên, tâm lý không ổn định, kém ăn, vẻ buồn bã. Ăn thức ăn chứa thủy ngân hữu cơ như cá biển gây ngộ độc mãn tính, xuất hiện sau nhiều ngày đến nhiều tuần. Biểu hiện thần kinh là dị cảm, suy nhược thần kinh, giảm thính giác, rối loạn tâm thần, run cơ, rối loạn cử động và có thể tử vong… |