Ngày 1-6, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết ngay sau khi Pháp Luật TP.HCM ngày 30-5 đăng bài “Phá rừng, trộm cát công khai ở hồ Đa Mi”, ông Phạm Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản khẩn gửi Sở TN&MT và Sở NN&PTNT tỉnh.
Khai thác cát trái phép ở lòng hồ Hàm Thuận
Văn bản này giao Sở TN&MT phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành, Sở Công Thương, UBND huyện Hàm Thuận Bắc tiến hành kiểm tra. Phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM được mời cùng tham gia với đoàn.
Theo đó, sẽ kiểm tra, làm rõ các thông tin phản ảnh liên quan đến khai thác cát; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm của tổ chức, cá nhân liên quan. Kết quả báo cáo UBND tỉnh trước ngày 6-6.
UBND tỉnh cũng giao cho Sở NN&PTNT phối hợp với UBND huyện Hàm Thuận Bắc kiểm tra, xác minh thông tin liên quan đến hơn 5 ha rừng bị triệt hạ, củng cố hồ sơ, xem xét khởi tố vụ án hình sự, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 6-6.
Phá rừng tại dự án trồng cây ăn trái
Trong hai ngày 30 và 31-5, Pháp Luật TP.HCM đã có loạt bài “Phá rừng, trộm cát công khai ở lòng hồ Đa Mi” và “Hơn 5 ha rừng ở đồi Kumagai bị phá trắng”. Hai bài viết phản ảnh tình trạng Công ty TNHH Tuấn Cát Lợi (Lâm Đồng) đã tổ chức khai thác cát trái phép trên lòng hồ Hàm Thuận (xã Đa Mi) gần hai năm nhưng không bị xử lý. Việc khai thác trái phép đã làm sạt lở thân đập, ảnh hưởng lớn đến công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi, một trong năm nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam.
Ngoài ra công ty này cũng lập dự án xin cấp 60 đất trên các ngọn đồi ở ven hồ Hàm Thuận để trồng cây ăn trái. Tuy nhiên, khi dự án chưa được cấp đã xảy ra vụ phá hơn 5 ha rừng ở đây.
Chủ dự án, giám đốc Công ty Tuấn Cát Lợi là ông Đỗ Tuấn Anh cho rằng rừng là do dân địa phương phá để nhận tiền đền bù và ông ta đã quay phim lại. Trong khi đó, người dân địa phương tố cáo chính Công ty Tuấn Cát Lợi thuê dân địa phương phá rừng nhằm được giao đất sạch và đổ hết cho người dân.