Kiều bào muốn hồi hương nhưng gặp vướng về thủ tục hành chính

(PLO)- Sau nhiều năm sinh sống và làm việc tại nước ngoài, nhiều kiều bào bày tỏ mong muốn được hồi hương nhưng lại gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký thủ tục thường trú tại Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Video: Kiều bào muốn hồi hương nhưng gặp vướng về thủ tục hành chính

Sáng 7-9, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM tổ chức hội nghị gặp gỡ kiều bào hồi hương, thân nhân kiều bào với chủ đề “Trở về quê hương, đóng góp xây dựng TP.HCM văn minh, hiện đại, nghĩa tình”.

Chương trình được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài và kiều bào hồi hương...

Ông Võ Thành Chất phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Ông Võ Thành Chất phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Nhiều kiều bào mong muốn được hồi hương

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Võ Thành Chất, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM, thông tin hiện nay có khoảng 40% người Việt Nam ở nước ngoài có xuất thân hoặc có liên hệ với TP.HCM (ước tính khoảng 2 triệu người).

Từ năm 2018 đến cuối tháng 8-2022, số lượng người xin đăng ký thường trú (tức xin được hồi hương) là hơn 400 trường hợp. Cơ quan chức năng đã làm thủ tục đăng ký thường trú cho hơn 350 trường hợp.

Theo ông Chất, qua công tác tiếp đón và giải quyết thắc mắc của kiều bào, thân nhân kiều bào, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM nhận thấy phần đông kiều bào quan tâm thủ tục hồi hương, thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài.

Thủ tục hồi hương có yêu cầu giấy xác nhận người có quốc tịch Việt Nam, vì vậy một số kiều bào cũng bày tỏ mối quan tâm về thủ tục xin cấp giấy xác nhận người gốc Việt.

“Một số kiều bào rời quê hương từ rất lâu, những năm 1950, 1960 nên hồ sơ, giấy tờ liên quan để chứng minh là người Việt đều thất lạc, giờ muốn xin thường trú tại Việt Nam nhưng không biết làm cách nào. Nhiều kiều bào khác thì muốn hỏi về quốc tịch, hỏi về quyền sở hữu tài sản, bất động sản…” - ông Chất cho biết.

Mỗi công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch

Trả lời thắc mắc của kiều bào, ông Nguyễn Triều Lưu, Trưởng phòng Hộ tịch - Quốc tịch Sở Tư pháp TP.HCM, thông tin quy định của pháp luật Việt Nam về quốc tịch là mỗi công dân Việt Nam chỉ có một quốc tịch.

Đối với trẻ em khi sinh ra nếu cha mẹ đều là Việt Nam thì mang quốc tịch Việt Nam. Nếu trẻ em là con của công dân Việt Nam được sinh ra ở nước ngoài thì vẫn có quốc tịch Việt Nam.

Trường hợp trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là người nước ngoài thì quốc tịch của trẻ được xác định khi vừa sinh ra, muốn mang quốc tịch nào thì cha mẹ phải tự thoả thuận.

Ông Nguyễn Triều Lưu trả lời thắc mắc của kiều bào. Ảnh: VÕ THƠ

Ông Nguyễn Triều Lưu trả lời thắc mắc của kiều bào. Ảnh: VÕ THƠ

Theo ông Lưu, người nước ngoài hoặc công dân nước ngoài muốn xin nhập quốc tịch Việt Nam phải có thẻ thường trú ở Việt Nam năm năm do cơ quan công an cấp, phải biết tiếng Việt đủ để hoà nhập, sinh hoạt, có điều kiện kinh tế và chấp hành pháp luật Việt Nam.

Bên cạnh đó, có trường hợp được miễn khi người xin nhập tịch có vợ, chồng người Việt Nam, được cấp thẻ thường trú.

“Pháp luật Việt Nam không khuyến khích giữ lại quốc tịch nước ngoài khi nhập quốc tịch Việt Nam. Công dân Việt Nam đã thôi quốc tịch Việt Nam và muốn trở lại quê hương thì thủ tục, điều kiện gần giống như người nước ngoài xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng dễ thực hiện hơn. Điều kiện thường trú không bắt buộc nhưng phải có thẻ tạm trú ba năm và có người thân còn sống tại Việt Nam” - ông Trường Lưu nói.

Theo Điều 9 Thông tư 55/2021 của Bộ Công an, việc đăng ký thường trú có yếu tố nước ngoài đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài (VNĐCONN) có hai trường hợp.

Trường hợp 1: Người VNĐCONN nhập cảnh bằng hộ chiếu Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam mà người đó đã sử dụng để nhập cảnh Việt Nam lần gần nhất. Trường hợp này nộp hồ sơ trực tiếp tại công an xã, phường nơi người VNĐCONN xin thường trú.

Trường hợp 2: Người VNĐCONN sử dụng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu do nước ngoài cấp nhập cảnh vào Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngoài ra cần có văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Nếu có khó khăn, vướng mắc trong việc chuẩn bị hồ sơ, kiều bào có thể liên hệ trực tiếp bộ phận tiếp công dân giải quyết các thủ tục liên quan đến người nước ngoài và người VNĐCONN tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Thượng tá Võ Chiến Thắng, Phó Trưởng phòng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm