Văn bản này sẽ thay thế quy chế thuộc Nghị định 11/2006/NĐ-CP. Tuy nhiên, theo hầu hết các đại biểu đại diện cho cơ quan quản lý văn hóa 11 tỉnh, thành tiêu biểu nhất trên cả nước khi được ban soạn thảo lấy ý kiến lần cuối cùng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ thì các quy định mới về cấp phép karaoke, vũ trường vẫn còn khá nhiều điểm cần xem xét lại.
Karaoke, cấm kiểu này, biến tướng kiểu khác
Theo dự thảo, bên cạnh việc đáp ứng nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, diện tích sử dụng, phù hợp với quy hoạch về karaoke đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt… thì các cơ sở kinh doanh karaoke phải cách xa các trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa, cơ quan hành chính nhà nước từ 200m trở lên. Địa điểm kinh doanh karaoke phải có sự đồng ý bằng văn bản của các hộ liền kề.
Trước đó, quy định này gây phản ứng tại một số địa phương, đặc biệt là tại TP HCM. Theo ông Trần Minh Phương, cán bộ Phòng Văn hóa, Sở VHTT&DL TP HCM, với một trung tâm kinh tế, văn hóa lớn như TP HCM, điều kiện này đã gây khó khăn cho rất nhiều cơ sở kinh doanh. Để đáp ứng tình hình trước mắt, thành phố cũng đã từng có văn bản cho phép các cơ sở nằm cách các đơn vị như trong quy định dưới 200m tiếp tục hoạt động song đến nay việc này đã được chấn chỉnh lại.
Trên địa bàn thành phố có 544 cơ sở kinh doanh karaoke có phép, trong đó có 124 cơ sở không đáp ứng điều kiện nói trên đã được di dời hoặc ngưng hoạt động. Hiện tại vẫn còn một số cơ sở đầu tư vốn quá lớn vẫn đang tiếp tục hoạt động...
Nhưng khó khăn là vì TP HCM đã xuất hiện khá nhiều cơ sở biến tướng karaoke hoạt động một cách hợp pháp khi nhà nước quyết định ngưng cấp phép: bên các phòng hát trang bị giống như phục vụ karaoke, chủ cơ sở trang bị thêm một đầu thu âm, ghi đĩa. Tất nhiên, biên lai, hóa đơn đều ghi là dịch vụ thu âm nên cơ quan quản lý… bó tay. Đó là chưa kể hàng loạt các cơ sở kinh doanh không phép khác. Có đến 95% cơ sở bị kiểm tra thời gian qua đều không có phép…
Quán bar, vũ trường nào được hoạt động sau 12h đêm?
Theo quy định cũ, các cơ sở dịch vụ giải trí chỉ được phép hoạt động đến 12h đêm, nhưng thực tế, qua khảo sát của Bộ VHTT&DL cũng cho thấy, có đến 77% khách du lịch có nhu cầu giải trí sau 12h đêm, trong đó quầy bar chiếm 30,6%, khiêu vũ chiếm 29,4%, karaoke chiếm 21,2%...
Vì vậy, tại dự thảo lần này, quy định mở rộng cho phép các quán bar thuộc khách sạn 3 sao và vũ trường trong khách sạn 4 sao mới được hoạt động sau 12h đêm nhưng cũng không được quá 2 giờ sáng. Nhưng rất nhiều nhà quản lý các tỉnh cho rằng quy định này chưa phù hợp.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VHTT&DL, Lê Anh Tuyến cho rằng thời gian qua đã có rất nhiều hoạt động tiêu cực trong lĩnh vực kinh doanh karaoke, bar, vũ trường gây mất an ninh trật tự. Quy định pháp luật đảm bảo cho phát triển kinh tế nhưng cũng cần phải đảm bảo cho ổn định xã hội. Việc cấp phép cho các cơ sở hoạt động trong lĩnh vực nói trên được thực hiện trở lại nhưng cần hạn chế và đây cũng vẫn là lĩnh vực không được khuyến khích kinh doanh.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, ông Huỳnh Vĩnh Ái cũng cho biết sẽ chỉ đạo ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến và sẽ có một số điều chỉnh trước khi chính thức trình Thủ tướng như kinh doanh quán bar, vũ trường trên các tàu 2-3 sao, tàu nước ngoài như thế nào. Các đặc khu và đặc khu kinh tế, ban soạn thảo sẽ đề nghị Chính phủ có những quy định riêng…
Theo Ngọc Nguyễn (CAND)