Người ta có cảm giác chính sách nhà nước nói chung, nhất là về đất đai đưa ra bao giờ cũng gây khó với dân nhưng “chừa rộng cửa” cho quyền thu lại như quyền thu hồi đất bất chừng, không lường được.
Tôi cho rằng nên có văn bản quy định rõ việc doanh nghiệp (DN) muốn sản xuất lớn, quy mô nông trại, đồn điền có hàng ngàn hecta, ngoài điều 129, 130 Luật Đất đai 2013 (là không hạn chế, chỉ cần lập dự án, có phương án, được thẩm quyền phê duyệt; nếu đất công thì ký trực tiếp với chính quyền thuê đất; nếu thuê hoặc mua lại của dân) thì do DN và nông dân tự thỏa thuận, chính quyền chỉ làm trung gian, hòa giải.
Nếu chính quyền thay DN thỏa thuận và ký với nông dân hoặc ngược lại là tạo sơ hở cho tham nhũng, làm mất lòng dân, xã hội không ổn định như cách làm nôn nóng vừa qua.
Cần nói rõ có dự án phải sản xuất, kinh doanh đúng mục đích của dự án, nếu chuyển mục đích dự án phải có điều kiện ràng buộc hoặc chế tài nghiêm khắc. Chống đầu cơ đất, “ghim đất” giữ giá, phát canh thu tô trá hình. Có quy định thuế lũy tiến với đất cho thuê vượt hạn điền (3 ha, 10 ha, 30 ha theo từng loại đất ở vùng ĐBSCL).
Quy mô đất đai, phương thức canh tác, thị trường... nhưng trên hết là cơ chế-thể chế quản lý kinh tế-xã hội phải đồng thời, đồng bộ. Nếu đất sản xuất rộng, thị trường hẹp ắt sinh phương thức phát canh thu tô, nếu mọi thứ đều ổn mà lòng người chưa yên thì sản xuất cũng không bền vững. Cần cảnh giác sự biến thái của thị trường đất do “nhóm lợi ích” chi phối.
Cùng đó, mỗi chủ thế phải được định vị và đặt đúng thế vận hành của nó. Nhà nước làm thị trường theo kiểu Nhà nước - kinh tế đối ngoại - trọng tài và chế tài luật pháp, đặc biệt là bảo vệ chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường, chống cạnh tranh không lành mạnh. Doanh nhân làm thị trường theo kiểu xuất nhập khẩu - bán buôn; tiểu thương biết bán lẻ đến từng hộ gia đình. Nông dân phải biết con gà, hạt gạo... sạch và ngon của mình sẽ bán cho ai đây... chớ không thể cứ kêu Nhà nước như đã quen - do Nhà nước tạo ra cho họ từ thời bao cấp.
Cuối cùng là niềm tin xã hội đang bị tổn thương nếu không nói bị mất quá nhiều với khẩu ngữ: “Nói vậy không phải vậy”, “thấy vậy không phải vậy” đang phổ biến. Ta không tin thực phẩm ta sạch thì ai tin? Và làm sao cho ta tin? Hãy làm kinh tế nói chung, kinh tế nông nghiệp nói riêng bắt đầu từ con người, từ niềm tin chớ không phải từ đất - hạn điền, tiền vốn hay khoa học công nghệ nào khác. Phải bình đẳng và chân thành với nông dân và doanh nhân!