30 DN nước ngoài đối thoại với Bộ trưởng Bộ Công thương

Chiều qua (27-4), tại Hà Nội, đại diện của gần 30 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài của châu Âu đã có cuộc nói chuyện khá thẳng thắn với Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng. Tại đây, bộ trưởng đã gỡ rối nhiều thắc mắc của các nhà đầu tư.

“Nóng” với vấn đề điện

Vấn đề được các nhà đầu tư Liên minh châu Âu (EU) quan tâm nhất là lĩnh vực điện, xăng dầu. Đại diện Tập đoàn Siemen hỏi về công suất các nhà máy điện tại Việt Nam hiện nay, tình hình kinh tế thế giới suy thoái liệu có ảnh hưởng gì đến các dự án xây dựng nhà máy điện đang triển khai hay không. Bộ trưởng cho biết: Tính đến cuối năm 2008, tổng công suất các nhà máy phát điện tại Việt Nam là 15 ngàn MW. Theo dự kiến, các nhà máy điện được hoàn thành trong năm 2009 sẽ đóng góp thêm 3.500 MW điện mới, nâng tổng công suất phát điện lên 18.500 MW vào cuối năm nay. “Tất cả các dự án này sẽ không bị kéo dài, chậm trễ do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên thế giới. Mà ngược lại, trong thời điểm này, chúng tôi càng quyết tâm thực hiện chỉ tiêu đã đề ra đúng thời hạn để khắc phục tình trạng mất cân đối cung-cầu trong ngành điện, thúc đẩy kinh tế phát triển hơn nữa” - ông Vũ Huy Hoàng khẳng định.

Đại diện một nhà đầu tư đến từ Pháp bình luận: Tình hình sử dụng điện tại Việt Nam thiếu an toàn vì người dân thường dùng hàng “nhái”, hàng không đúng tiêu chuẩn dẫn đến việc thất thoát điện năng, dễ gây hỏa hoạn. Từ đó, nhà đầu tư đặt câu hỏi: Chủ trương của Việt Nam với vấn đề này như thế nào?

Trả lời câu hỏi, bộ trưởng cho biết: “Chính phủ Việt Nam luôn quyết tâm trong cuộc chiến chống hàng nhái, luôn đôn đốc các lực lượng hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường truy quét và xử lý hàng giả. Bên cạnh đó, cùng với việc trình độ, nhận thức và mức sống của người dân đang ngày càng được tăng lên, chúng tôi tin rằng người tiêu dùng cũng sẽ nói không với hàng nhái, hàng kém chất lượng”.

“Vì sao Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường phân phối xăng dầu?”. Trước câu hỏi này, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích xăng dầu là một mặt hàng nhạy cảm, có thể ảnh hưởng đến mức biến động giá của hàng loạt mặt hàng, dịch vụ khác trên thị trường. Vì vậy, Việt Nam duy trì quyền bảo lưu phân phối xăng dầu cho các doanh nghiệp trong nước. Ông nói thêm: “Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, chúng tôi đã nêu lý do này và đã được các nước thành viên, kể cả các nước EU hoàn toàn nhất trí”.

Thúc đẩy giao dịch điện tử

Đại diện Tập đoàn Unilever phàn nàn với bộ trưởng về một vấn đề khá mới: Doanh nghiệp khi thực hiện các giao dịch phải tốn rất nhiều giấy mực, vừa lãng phí, lại chậm chạp hơn so với hình thức giao dịch điện tử.

Bộ trưởng ghi nhận ý kiến và chia sẻ: “Việc thúc đẩy sự phát triển giao dịch điện tử là một trong những công tác trọng tâm của Bộ Công thương trong năm nay. Vì vậy, mới đây chúng tôi đã thành lập Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin, cố gắng triển khai những quy định của Luật Giao dịch điện tử sớm đi vào trong thực tế”.

Sao lại hạn chế phí quảng cáo?

Chia sẻ một “kêu ca” khác cũng của doanh nghiệp này về vấn đề vì sao Việt Nam là một trong số ít các nước trên thế giới còn hạn chế chi phí quảng cáo của doanh nghiệp, bộ trưởng khẳng định: “Vấn đề này có liên quan đến nhiều bộ, ngành khác như Bộ Tài chính nên tôi chưa dám khẳng định quy định có bỏ hay không. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên Chính phủ, tôi hứa với các bạn là tôi sẽ cùng với các cơ quan liên quan sớm bàn bạc để làm rõ vấn đề này”.

Trả lời một số thắc mắc về một số quy định với thị trường bán lẻ, phân phối hàng cho nhà đầu tư nước ngoài còn chưa rõ ràng, bộ trưởng cho biết vì đây là một lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam nên cơ quan chức năng còn đang hoàn thiện các văn bản quy định.

MAI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm