Doanh nghiệp xuất khẩu “khóc” với lãi suất

Qua ba tháng đầu năm 2011, tình hình nhập siêu đang có xu hướng tăng lên, giá cả nguyên vật liệu tăng cao đi kèm với lãi suất lên tới hơn 20% khiến doanh nghiệp xuất khẩu khốn đốn. Đó là những vấn đề nóng được đưa ra bàn thảo tại Hội nghị trực tuyến sơ kết tình hình xuất nhập khẩu quý I do Bộ Công Thương tổ chức ngày 5-4 tại đầu cầu Hà Nội và TP.HCM.

Nên ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu

Dù đã đạt được những thành tựu về xuất khẩu qua ba tháng đầu năm 2011 nhưng tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp vẫn than thở về giá cả và lãi suất ở mức cao, khiến doanh nghiệp khốn đốn.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), cho biết hiện tại các doanh nghiệp thủy sản đang gặp phải ba khó khăn chính. Đó là nguyên liệu tôm, cá tra và cá ngừ rất yếu, giảm mạnh so với năm ngoái. Giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao khiến đời sống công nhân gặp thiếu thốn, những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ vẫn chưa thể khắc phục được khó khăn này. Ngoài ra, với tình cảnh siết vốn, tiếp cận vốn cực khó như hiện nay, nhiều doanh nghiệp sẽ khó trụ vững, chi phí đầu vào tăng cao là những cản trở cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản.

Theo ông Dũng, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng quá cao và giá cả tăng cao, Chính phủ nên giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ từ sáu tháng đến một năm. “Điều kiện vay vốn ngân hàng với lãi suất 20%-21%, nếu doanh nghiệp nào đủ can đảm vay vốn được thì phải phong anh hùng” - ông Dũng nói.

Doanh nghiệp xuất khẩu “khóc” với lãi suất ảnh 1

Giá nguyên liệu đi kèm với lãi suất tăng cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Trong ảnh: Chế biến hạt điều xuất khẩu ở tỉnh Bình Phước. Ảnh: CTV

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Thái Học, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN, cho biết năm nay ngành sản xuất điều cần 25.000 tỉ đồng nhưng mới chỉ tiếp cận được 10% vốn vay ngân hàng. Sắp tới, trong quý II, ngành điều cần 12.000 tỉ đồng nhưng với lãi suất cao như hiện nay, doanh nghiệp chỉ còn biết ngậm ngùi. Với chi phí sản xuất điều là 8.100 USD/tấn, bán ra với giá 7.700 USD/tấn, doanh nghiệp bị lỗ mất 400 USD. Cộng thêm, giá nguyên liệu tăng 1,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái càng khiến xuất khẩu điều rơi vào tình cảnh khó khăn hơn.

Từ đó, ông Học đề xuất rằng lãi suất cho lĩnh vực xuất khẩu nên giảm xuống còn 10%-15%. Bởi nếu ngân hàng không giải ngân 12.000 tỉ đồng trong quý II cho ngành điều thì rất có thể tình trạng thương nhân của Ấn Độ sẽ thu mua hết tái diễn như năm 2010.

“Để gỡ khó cho doanh nghiệp, vai trò của hiệp hội là rất lớn”

Bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết các doanh nghiệp đảm bảo khả năng tài chính và làm ăn hiệu quả vẫn được ngân hàng cho vay. Ngược lại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ rất khó tiếp cận vốn vay ngân hàng. NHNN vẫn luôn chỉ đạo các ngân hàng ưu tiên lãi suất thấp nhất cho lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và xuất khẩu.

Bà Hạnh khẳng định không có chuyện vì kiềm chế lạm phát mà ngân hàng gây khó khăn cho doanh nghiệp. “Nhưng có trường hợp doanh nghiệp kêu ngân hàng quay lưng nhưng khi chúng tôi yêu cầu doanh nghiệp nói về phương án kinh doanh thì họ không trả lời được” - bà Hạnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó Giám đốc khối khách hàng doanh nghiệp, Ngân hàng Công Thương VN, cho rằng thời gian qua ngân hàng này dành khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp nông thôn rất lớn như cung cấp hạng mục tín dụng cho lĩnh vục lương thực và chế biến lên đến 6.000 tỉ đồng với lãi suất ưu đãi, giảm lãi suất 2% đối với mức sàn đang áp dụng. Việc vay vốn dễ hay khó tùy thuộc vào tình hình tài chính và kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề tiếp cận vốn vay, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên chia sẻ dù hiện nay NHNN đang chủ trì phối hợp các ngành để đưa ra trần lãi suất hợp lý, lãi suất huy động đang ở mức 14%, tuy nhiên thực tế lãi suất cho vay cao hơn mức này. Để gỡ khó cho doanh nghiệp, ông Biên kiến nghị vai trò của hiệp hội là rất lớn, các hiệp hội tác động mạnh đến các hội viên để đưa ra những kiến nghị cho các cơ quan nhà nước, như thế quyền lợi của hội viên sẽ được đảm bảo hơn.

Ông Biên đưa ra ví dụ, Hiệp hội Lương thực VN cùng Bộ Công Thương đã lập danh sách các hội viên xuất khẩu gạo gửi qua NHNN, từ đó NHNN gửi đến các NHTM để cùng nhau giúp doanh nghiệp vay vốn đảm bảo xuất khẩu. Như vậy, với danh sách này, NHTM yên tâm hơn nhiều đối với các doanh nghiệp không nằm trong danh sách đó. Thực tế các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đã được vay với mức lãi suất 13% từ Ngân hàng Vietcombank. Đây là minh chứng cho sự phối hợp nhịp nhàng giữa hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước với các ngân hàng.

Về đề xuất của các ngành hàng liên quan đến các loại thuế, Vụ Chính sách thuế cho biết việc ưu đãi giảm thuế thu nhập doanh nghiệp rất dễ phạm vào quy định cấm trong cam kết gia nhập WTO. Các điều chỉnh về thuế xuất nhập khẩu cũng thuộc dạng “đèn vàng”, nếu sử dụng có thể sẽ bị áp thuế đối kháng, thuế chống bán phá giá nên cần cân nhắc mối quan hệ lợi ích nhiều ngành, nhiều bên mới áp dụng được.

Hiệp hội cần bảo lãnh cho doanh nghiệp vay ngân hàng

Đối với các mặt hàng nông sản theo mùa vụ, hiệp hội có thể đứng ra bảo lãnh để ngân hàng yên tâm cho doanh nghiệp vay. Ngân hàng cũng cần điều tiết cho vay để gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Ông TRẦN VĂN ĐỊNH,
Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp - Văn phòng Chính phủ

Lãi suất đẩy giá sản phẩm, khó xuất khẩu

Lãi suất hiện trên dưới 20%/năm là quá cao khiến doanh nghiệp phải đẩy giá sản phẩm lên. Nhiều đối tác không chấp nhận giá này và đã chuyển đơn hàng sang Malaysia. Đương nhiên, ở Malaysia hay Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng của lạm phát toàn cầu nhưng họ không chịu lãi suất ngân hàng cao như ta nên giá sản phẩm cạnh tranh hơn.

Chính phủ cần ban hành gói hỗ trợ lãi suất như trước đây từng làm, giúp lãi suất còn khoảng 12%-14%/năm. Tình hình giá cả và lãi suất hiện nay chưa thể hiện tác động ngay nhưng đến quý II và quý III sẽ thấy rất rõ hậu quả là doanh nghiệp “đuối”. Do đó mà Nhà nước cần gấp rút có chính sách hỗ trợ, không thì không kịp.

Ông TRẦN QUỐC MẠNH,
Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM

Dệt may chịu nhiều phụ phí vô lý

Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may quý I ước đạt gần 2,8 tỉ USD, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu sang Hàn Quốc tăng mạnh, xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ cũng tăng đến 120% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dệt may đang chịu nhiều khó khăn, ngoài việc giá nguyên phụ liệu tăng cao thì doanh nghiệp dệt may còn phải chịu thêm một số phụ phí vô lý. Gần đây, các hãng tàu nước ngoài nói là lượng container nhập khẩu về Việt Nam nhiều mà lượng container xuất đi thì ít nên họ phải xuất container rỗng đi. Vì vậy mà họ thu phụ phí cân đối container. Cứ 30 USD/container 20 feet và 60 USD/container 40 feet.

Ông TĂNG VĂN HẤN,
Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam

TRÀ PHƯƠNG - QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm