Hải quan cần doanh nghiệp đề xuất giảm thủ tục

Bớt ngay một số thủ tục

Đại diện cảng Phước Long cho biết hiện nay có nhiều trường hợp phải chuyển hàng từ tàu lớn xuống xà lan. Khi chuyển như vậy thì phải làm thủ tục niêm phong hàng ngay trên xà lan. Tuy nhiên, thực hiện nghiệp vụ niêm phong ngay trên sông nước là một khó khăn cho ngành hải quan.

Ngoài ra, cảng Phước Long cũng phản ánh hiện nay một lượng lớn hàng về Việt Nam qua cảng Cái Mép, sau đó doanh nghiệp phải chuyển hàng từ Cái Mép về TP.HCM mà 95% là vận chuyển về TP.HCM bằng xà lan. Để niêm phong thì phải đưa hàng từ tàu lớn lên cảng làm thủ tục niêm phong. Sau đó lại đưa hàng từ cảng xuống xà lan để chuyển về TP.HCM. Việc chuyển lên, chuyển xuống làm tốn thời gian và tăng gấp đôi chi phí của doanh nghiệp.

Hải quan cần doanh nghiệp đề xuất giảm thủ tục ảnh 1

Doanh nghiệp làm thủ tục hải quan tại Khu chế xuất Tân Thuận. Ảnh: HỮU LUẬN

Do đó, cảng Phước Long cũng kiến nghị có quy định phù hợp hơn để tạo thuận lợi cho cảng, hãng tàu và doanh nghiệp.

Ghi nhận ý kiến này, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, cho biết ngay chiều 10-12, ông đã đi khảo sát thực tế tại cảng Cái Mép và thấy rằng nên để doanh nghiệp bốc hàng thẳng từ tàu lớn sang xà lan chứ không cần đưa lên cảng để làm thủ tục rồi lại từ cảng đưa xuống xà lan. Tuy nhiên, để thuận lợi như vậy thì hải quan có trách nhiệm cho nhân viên xuống xà lan làm thủ tục niêm phong, bố trí phương tiện niêm phong tại xà lan và chịu toàn bộ chi phí cho việc niêm phong này.

Một số doanh nghiệp nằm trong các khu chế xuất cũng nêu khó khăn khi mua hàng từ bên ngoài vào trong khu chế xuất. Theo quy định, việc mua bán giữa bên trong với bên ngoài khu chế xuất được xem là hoạt động xuất nhập khẩu và phải làm thủ tục hải quan. Các doanh nghiệp cho rằng thủ tục hải quan này hiện khá rườm rà đến nỗi nhiều doanh nghiệp không biết cách thực hiện và doanh nghiệp kiến nghị nên đơn giản bớt.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết hiện Bộ đang có hướng giải quyết cho doanh nghiệp trong khu chế xuất mua điện, nước, văn phòng phẩm và các suất ăn nhỏ lẻ sẽ không phải làm thủ tục hải quan. Nếu doanh nghiệp cảm thấy mặt hàng nào khác cũng cần được miễn thủ tục hải quan này thì đề xuất thêm với Bộ Tài chính.

Sẽ rà soát lại biểu thuế

Ông Phạm Xuân Thu, Doanh nghiệp tư nhân Nông cơ Hòa Bình, cho biết hiện nay thuế nhập khẩu máy nguyên chiếc lại thấp hơn thuế nhập khẩu linh kiện. Do đó, doanh nghiệp nhập linh kiện về để cố gắng sản xuất máy thì giá bán máy lại không cạnh tranh nổi với giá bán máy nhập nguyên chiếc.

Cụ thể là thuế suất nhập khẩu máy phát điện hiện là 17% trong khi nếu nhập hai động cơ chính để lắp ráp máy thì thuế suất đến 20% và 26%. Do đó, ông kiến nghị Bộ Tài chính xem lại cách ban hành biểu thuế.

Ghi nhận vấn đề này, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết nguyên tắc chung là thuế suất nhập khẩu máy nguyên chiếc sẽ cao hơn thuế nhập khẩu từng linh kiện.

Ông rất đồng tình với kiến nghị này và Bộ sẽ rà soát lại biểu thuế. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị doanh nghiệp nên phản ánh thường xuyên với hiệp hội của mình về các vấn đề thuế tương tự nhằm tháo gỡ sớm. Ngoài ra, cũng có những trường hợp ngoại lệ không giống nguyên tắc chung nói trên, nếu doanh nghiệp phản ánh sớm thì có thể được giải thích kịp thời.

Cần doanh nghiệp cho ý kiến

Sáng ngày 11-12, Cục Hải quan TP.HCM cũng công bố 34 thủ tục hành chính mà Cục dự kiến sẽ đề xuất hủy bỏ, cắt giảm. Tuy nhiên, trong số đó có đến 14 thủ tục liên quan đến thông quan điện tử thuộc diện “hiện chưa triển khai được, khi nào đủ điều kiện triển khai mới đưa vào bộ thủ tục hành chính”.

Nếu vì chưa triển khai được mà cắt giảm để rồi sau này lại đưa trở vào áp dụng thì thực chất việc cắt giảm này không có ý nghĩa đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp!

Như vậy, tính ra con số thủ tục mà Cục Hải quan dự kiến đơn giản hóa chỉ khoảng 20 thủ tục. Trong khi đó, đề án đơn giản hóa thủ tục hành chính yêu cầu phải đơn giản hóa 30% thủ tục. Ngành hải quan thống kê có khoảng 240 thủ tục, như vậy cần đơn giản khoảng 70 thủ tục mới đạt yêu cầu.

Về việc này, ông Lê Kiên Trung, Cục trưởng Cục Hải quan, cho biết ngành hải quan rất cần doanh nghiệp tham gia góp ý về những thủ tục nào cần cắt giảm, có đơn giản, cần hướng dẫn bổ sung...

Theo hướng dẫn của Tổ Công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thì để đơn giản hóa thủ tục, có thể rút ngắn thời hạn giải quyết thủ tục, kéo dài thời hạn có hiệu lực của các văn bằng, chứng chỉ, giấy phép. Ngoài ra, cũng có thể áp dụng thực hiện thủ tục qua Internet hoặc qua bưu điện.

Do đó, ngoài việc góp ý cắt giảm, sửa đổi thủ tục hành chính, doanh nghiệp vẫn có thể góp ý rút ngắn thời hạn giải quyết hồ sơ hoặc giảm bớt số giấy tờ trong từng thủ tục.

Thủ tục khó khăn nhưng cần thiết

Một số thủ tục mà doanh nghiệp kiến nghị cắt giảm thì lại khó có thể cắt giảm. Đại diện Công ty Saigon Van cho biết công ty này chuyên làm thủ tục đóng gói, nhận hàng (là đồ dùng cá nhân) cho người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam.

Theo quy định hiện nay, người nước ngoài này phải có giấy phép lao động thì mới được nhận hàng. Trong khi đó, có thể mất cả tháng mới có được giấy phép này. Vì vậy mà người nước ngoài không nhận được những món đồ phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn giải thích quy định này cần thiết và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Bởi lẽ đồ dùng mà người nước ngoài muốn mang vào Việt Nam thường là đồ đã qua sử dụng mà nguyên tắc là hàng đã qua sử dụng thuộc dạng nhập khẩu có điều kiện, thậm chí có một số mặt hàng còn bị cấm nhập hẳn. Nếu có cho nhập cũng cần có giấy phép và thậm chí còn có định mức theo thông lệ quốc tế.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm