Không khoán giá xi măng cho nhà phân phối

Nội dung cuộc họp khẳng định nhà sản xuất phải là nơi kiểm soát giá cả trên thị trường. Các nhà sản xuất, nhà phân phối cần phải ngồi lại với nhau để không làm cho tình hình xi măng bất ổn như hiện nay....

Nhà sản xuất vẫn kêu lỗ

Đại diện Công ty liên doanh Xi măng Holcim cho biết nguyên nhân dẫn tới sốt xi măng là do không cân bằng giữa cung-cầu trên thị trường. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, chi phí nguyên liệu, nhất là giá clinker nhập từ nước ngoài liên tục tăng cao đã khiến giá thành sản xuất xi măng tăng theo. Theo vị này, chính sự mất cân đối giữa cung và cầu quá lớn đã khiến cho giới đầu cơ lợi dụng đẩy giá xi măng bán lẻ trên thị trường tăng cao.

Xi măng Hoàng Thạch khi tiêu thụ ở phía nam

Ông Ngô Minh Lãng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi măng Hà Tiên 1 - đơn vị cung cấp số lượng lớn xi măng cho thị trường Đông Nam bộ và TP.HCM, cho biết tình hình tiêu thụ xi măng của nhà máy trong năm tháng đầu năm 2008 tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Lãng, với giá bán hiện tại là 1,070 triệu đồng/tấn, nếu nhập clinker từ Thái Lan thì Hà Tiên 1 chịu lỗ khoảng 220 ngàn đồng/tấn; nếu nhập clinker của Trung Quốc hay từ phía bắc thì chịu lỗ từ 100 đến 150 ngàn đồng/tấn.

Các đại biểu dự họp bất ngờ khi ông Lê Văn Chung, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam, cho biết thị trường tại miền Nam tuy thiếu nhưng một số nhãn hiệu xi măng của phía bắc đưa vào tiêu thụ rất chậm. Theo ông Chung, hiện tại xi măng Hoàng Thạch còn tồn 6.000 tấn trong kho tại miền Nam.

Tại cuộc họp, hầu hết lãnh đạo các nhà máy xi măng đều kiến nghị nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ hoặc cho tăng giá bán tại nhà máy để không bị lỗ. Từ đó, nhà máy sẽ đẩy mạnh sản xuất để đưa hàng ra bình ổn thị trường.

Tránh lây lan sang các mặt hàng khác

Ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam, nhấn mạnh các nhà máy cần phải có sự khảo sát chính xác nhu cầu tiêu thụ của thị trường Đông Nam bộ, đặc biệt là tại TP.HCM để có biện pháp thích hợp. Ông Thiện cho biết so với thế giới, ngành xi măng trong nước đang được hưởng nhiều ưu đãi về giá than, điện. Nếu sau này không còn được hưởng những ưu đãi, không biết giá xi măng sẽ còn như thế nào. Từ đó, ông Thiện đề xuất Chính phủ cần phải xác định đây là ngành trọng yếu để có những giải pháp đặc biệt. Theo ông Thiện, TP.HCM nên có một cơ chế giá đặc thù để thu hút xi măng từ nơi khác về nhằm bình ổn thị trường.

Phát biểu tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, bức xúc: Giá xi măng tại thành phố quá cao so với giá xuất xưởng tại nhà máy khi đưa ra con số do đoàn kiểm tra TP thống kê trong thời gian gần đây. Theo đó, ngày 7-5, xi măng Hà Tiên 1 có giá cao nhất khoảng 75.000 đồng/bao, Sao Mai là 70.000 đồng/bao... Nhưng đến ngày 22-5 thì nhãn hiệu Hà Tiên 1, Sao Mai đã lên tới trên 90.000 đồng/bao và chỉ giảm 2.000 đồng/bao vào ngày 27-5.

Bà Hồng cũng không đồng ý với ý kiến các nhãn hiệu xi măng phía bắc đưa vào thị trường phía nam có giá thấp và tiêu thụ chậm như một số doanh nghiệp nhận định. Theo bà Hồng, xi măng đưa từ phía bắc vào cũng có giá rất cao, trung bình từ 77.000 đến 80.000 đồng/bao. “Một thực tế là giá xi măng bán lẻ chênh với giá xuất xưởng tới 30.000 đồng/bao. Bộ Xây dựng cần phải làm rõ khoản tiền chênh lệch này đi đâu? Không thể để cho người tiêu dùng chịu thiệt và thị trường rối loạn như thế này được” - bà Hồng nói.

Phải răn đe nghiêm giới đầu cơ

Trong các biện pháp nhằm giảm giá trên thị trường, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng kiến nghị Chính phủ nên sớm điều chỉnh các điều khoản trong Pháp lệnh Giá đã ban hành trước đó. Theo bà Hồng, một số quy định trong Pháp lệnh Giá đã ban hành chưa thực sự nghiêm khắc và có tính chất răn đe giới đầu cơ. “Việc hạ nhiệt giá xi măng cần phải làm sớm để tránh lây lan sang các mặt hàng vật liệu xây dựng khác đang chầu chực, nhân cơ hội tăng giá” - bà Hồng khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết ông chưa thực sự thấy thỏa đáng sau khi nghe các doanh nghiệp trình bày nguyên nhân khiến giá xi măng tại phía nam tăng cao. Bộ trưởng nói: “Chiếu theo luật, trong vòng 30 ngày, một mặt hàng mà tăng giá hơn 15% thì được xem là bất ổn. Trong khi đó, xi măng tăng giá trong một thời gian dài, lại hơn 50% so với giá gốc thì các nhà máy sản xuất cần phải xem lại”.

Điều phối clinker vào Nam

Ông Quân cũng không đồng tình việc nhà máy là nơi sản xuất nhưng không chủ động điều chỉnh giá cả trên thị trường mà phải khoán cho các nhà phân phối, đại lý. Tuy vậy, ông Quân thừa nhận, việc phân bổ các nhà máy xi măng đang có sự không hợp lý khi miền Nam có nhu cầu nhiều nhưng lại ít nhà máy xi măng nếu so với miền Bắc.

Ngoài ra, Bộ trưởng yêu cầu Tổng Công ty Xi măng Việt Nam tiếp tục điều phối xi măng, clinker từ Bắc vào Nam cùng với việc nhanh chóng đưa các dự án nhà máy xi măng sớm đi vào hoạt động.

TRUNG HIẾU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm