Tắc đường sang Trung Quốc, hàng Việt tìm đường ra mới

Do dịch Corona bùng phát, thương nhân Trung Quốc (TQ) ngưng nhập khiến hàng loạt mặt hàng nông sản của Việt Nam (VN) như dưa hấu, chuối, thanh long… rớt giá, không tiêu thụ được. Đơn cử như giá dưa hấu có nơi rớt xuống chỉ còn hơn 1.000 đồng/kg. Thanh long chỉ còn 4.000-5.000 đồng/kg.

Tìm khách hàng mới

Hạt điều là một trong những mặt hàng được xuất khẩu nhiều sang thị trường TQ, đặc biệt là các mặt hàng chế biến sâu có giá trị gia tăng cao như hạt điều rang muối, hạt điều tẩm mật ong… Thế nhưng từ khi dịch Corona bùng phát, nhiều công ty ngành điều VN gặp không ít khó khăn.

Trước tình hình trên, các doanh nghiệp đang xoay xở tìm các phương án kinh doanh mới. Ông Nguyễn Đức Thanh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Tân An (Long An), cho biết khoảng 17%-18% sản phẩm hạt điều của công ty xuất khẩu sang thị trường TQ. Từ khi dịch lây lan, với các hợp đồng mà khách hàng TQ đã đặt cọc, họ thông báo xin lùi thời hạn giao hàng.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, không biết thời điểm nào mới có thể giao hàng. Thậm chí cửa khẩu mở lại nhưng nhu cầu tiêu thụ giảm, khách hàng TQ có thể chưa lấy hàng ngay. Vì thế, doanh nghiệp buộc phải tìm giải pháp khác.

“Cái khó lúc này của ngành điều là TQ tiêu thụ chủ yếu hai mặt hàng là hạt điều cấp thấp và hạt điều chế biến sâu. Đây lại là những sản phẩm chỉ có thị trường này mua nhiều, trong khi các thị trường khác như châu Âu, Mỹ… thì lại chủ yếu mua hạt điều nhân. Do vậy, giải pháp của chúng tôi là xúc tiến thương mại, tìm thị trường mới cho các sản phẩm chế biến sâu như đẩy mạnh xuất hạt điều rang sang các thị trường ASEAN, châu Âu, Mỹ… Còn sản phẩm hạt điều cấp thấp thì tìm khách hàng mới hoặc dùng làm nguyên liệu chế biến cho những khách hàng nội địa có nhu cầu” - ông Thanh chia sẻ.

Dịch Corona cũng khiến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản như ngồi trên lửa. Cụ thể, nhiều nhà nhập khẩu TQ đã thông báo tạm dừng việc giao hàng cho đến hết ngày 9-2 hoặc cho đến khi có thông tin bình thường hóa các hoạt động trở lại từ chính phủ TQ.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước (Đà Nẵng), thị trường TQ đóng cửa để ngăn chặn dịch chưa ảnh hưởng nhiều vì công ty phân bổ đều các thị trường xuất khẩu chứ không phụ thuộc vào bất cứ thị trường nào.

“Sản phẩm xuất khẩu của chúng tôi không bỏ hết trứng vào một giỏ mà phân bổ đều các thị trường châu Á, châu Âu, Mỹ. Do đó, khi xảy ra biến động ở thị trường nào thì chúng tôi tập trung đẩy mạnh sang thị trường khác, như vậy sẽ không bị ảnh hưởng nhiều vì thị phần chiếm không lớn” - ông Lĩnh cho hay.

Rau quả VN cũng là mặt hàng ảnh hưởng nặng vì dịch Corona. Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, thông tin rau quả VN đã xuất khẩu qua được nhiều thị trường khó tính. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang TQ vẫn chiếm tỉ trọng lớn, chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch nên khi thị trường này gặp khó, chuyển hướng ngay cũng không đơn giản. Khó khăn nữa là rau quả trồng theo tiêu chuẩn của TQ thì khó đáp ứng các tiêu chuẩn xuất qua Mỹ, châu Âu.

Đứng trước tình thế trên, tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN cho hay các công ty đang đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. “Các doanh nghiệp, nhà vườn cũng cần có những giải pháp tạm thời như giảm bớt những mặt hàng trái vụ. Thí dụ, thanh long cần kiểm soát vùng trồng, giảm bớt diện tích để giảm áp lực, đồng thời cho cây và đất được nghỉ dưỡng, nhất là khi TQ cũng đã trồng được loại trái cây này” - ông Nguyên khuyến nghị.

Xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đang gặp khó khăn nên các công ty đang đẩy mạnh tiêu thụ trong nước. Ảnh: QH

Chủ động tìm nguyên liệu thay thế

Đối với ngành dệt may, da giày, dịch Corona không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu vì hầu như các công ty may mặc trong nước không xuất sang TQ. Tuy nhiên, ở chiều nhập khẩu lại ảnh hưởng lớn vì nhiều nhà máy tại TQ đóng cửa do dịch, khiến nguồn cung nguyên liệu lớn nhất cho ngành dệt may, da giày VN bị thiếu hụt.

Đại diện một công ty dệt may tại Bình Dương dẫn chứng từ cuối năm 2019, doanh nghiệp đã nhập đủ nguồn nguyên liệu từ TQ để sản xuất cho các đơn hàng trong quý I-2020. Song sau thời điểm này thì công ty cũng đang chưa biết tính sao.

“Nếu dịch bệnh không được kiểm soát, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn vì từ trước tới nay chủ yếu nhập nguyên liệu từ TQ. Các đơn vị trong ngành này đều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên phụ liệu từ TQ. Kịch bản xấu nhất mà chúng tôi chuẩn bị là nhập nguyên liệu từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia thay thế nguồn nguyên liệu thiếu hụt cho sản xuất” - đại diện công ty trên cho hay.

Ngành gỗ cũng là một trong những ngành nhập khẩu nhiều nguyên liệu. Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phát triển Sản xuất Thương mại Sài Gòn (SADACO), thông tin trước đây các doanh nghiệp VN sử dụng khoảng 60% nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, trong đó có TQ. Nhưng những năm gần đây, tỉ trọng này giảm xuống dưới 50% do nguồn gỗ nguyên liệu trong nước tăng lên.

“Ứng phó với tình hình dịch Corona làm ảnh hưởng đến việc giao thương với TQ, hiện các doanh nghiệp gỗ trong nước chủ động quay ra sử dụng và phải phát triển nguồn nguyên liệu tại nước ta. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng tìm nguồn gỗ nguyên liệu từ các nước khác trong khu vực, như Malaysia” - ông Mạnh thông tin.

Dịch Corona, hàng Việt xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh

Tổng cục Hải quan VN vừa thông báo về tình hình xuất nhập khẩu của VN trong tháng 1. Theo đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước trong tháng 1 sơ bộ đạt gần 37 tỉ USD, giảm hơn 18 % so với tháng 12-2019.

Trong đó, tổng trị giá xuất khẩu đạt khoảng 18 tỉ USD, giảm 19%; tổng trị giá nhập khẩu trong tháng đầu năm cũng đạt hơn 18,4 tỉ USD, giảm 17% so với tháng 12-2019.

Đáng chú ý, đối với thị trường TQ, tổng trị giá hàng hóa VN xuất khẩu sang nước này trong tháng 1 chỉ đạt gần 2,8 tỉ USD, giảm hơn 35% so với tháng 12-2019. Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu từ thị trường TQ vào VN cũng chỉ đạt 5,5 tỉ USD, giảm 20%.

Nguyên nhân chính dẫn đến giảm xuất nhập khẩu với TQ là do dịp tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ cũng không tăng. Ngoài ra, yếu tố dịch Corona bùng phát vào thời điểm cuối tháng 1, giao thương hai nước chậm lại nên ảnh hưởng đến giá trị xuất nhập khẩu.

MINH LONG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm