Như đã nêu trên số báo trước, tôi được phân công thụ lý kiểm sát điều tra vụ án Lý Tống cướp máy bay năm 1992. Đọc hồ sơ vụ này, có lúc tôi phải phì cười về tính cách quái đản, cuồng vọng và hoang tưởng của con người Lý Tống. Từ cái cách y trang phục, đeo kiếng đen khi lên máy bay để giống với những tên không tặc trong xi-nê đến cái hình ảnh thảm hại khi y bò lóp ngóp dưới ao rau muống và bị anh bảo vệ khu phố tóm cổ…
Lý Tống tại phiên tòa ngày 24-2-1993. Ảnh: TƯ LIỆU
“Chim ưng đen” gãy cánh
Lại nói Lý Tống khi lên máy bay số hiệu 850 của hãng hàng không Việt Nam từ Thái Lan về TP.HCM vào ngày 4-9-1992, trong bụng hắn như có lửa đốt. Khi Lý Tống đang suy nghĩ miên man thì bỗng có tiếng động phía sau hàng ghế khiến hắn giật bắn mình và quay lại. Thì ra là cô tiếp viên xinh đẹp đến phát suất ăn cho hắn. Lý Tống đón đĩa thức ăn, mắt hắn sáng lên khi nhìn thấy con dao inox. Khi cô tiếp viên vừa quay người, hắn vội lấy con dao bỏ vào túi quần…
Đồng hồ kêu “tít” báo giờ khởi sự, hắn đứng dậy đi tới chỗ cô tiếp viên. Hắn mới đi được mấy bước thì bỗng có một tiếp viên nam đến. Mặt Lý Tống tái dại. Hắn tiếp tục ngồi chờ, khi tiếp viên nam xuống toa thường, hắn liền lủi vào toilet. Kiểm tra các thứ, hắn mở cửa bước ra định sẽ dùng dao khống chế nhưng lại gặp tiếp viên nam. Hắn lại về chỗ ngồi, tim đập thình thịch, người run lẩy bẩy.
Không chần chừ được nữa, hắn đánh bài liều bấm chuông gọi tiếp viên đến ba lần. Cô tiếp viên xinh đẹp lúc nãy bước đến. Hắn ngước nhìn và ra hiệu xin ly trà khác, cô tiếp viên nở nụ cười và lấy ly trà trên bàn ăn của hắn xoay người bước vào phòng tiếp viên. Hắn liền bước theo, thoáng cái đã tới sát nữ tiếp viên rồi nhanh tay lấy dây dù quấn vào cổ cô, một tay giữ chặt dây, tay kia chìa dao inox và nói (bằng tiếng Anh, đại ý): “Tôi cướp chiếc máy bay này, tôi có bom…”. Chiếc cốc trên tay tiếp viên Nguyễn Xuân Thủy Tiên rơi xuống. Hắn đẩy cô vào phòng tiếp viên bắt nằm xuống sàn và trói lại. Hành khách hoang mang, căng thẳng.
Trong phòng lúc này có một nam tiếp viên người nước ngoài tên là Chavder. Lý Tống hô to bằng tiếng Anh như lúc nãy rồi cũng bắt Chavder nằm xuống sàn, lấy dây trói lại. Cùng lúc đó, cô tiếp viên khác, tên Lê Hồng Thủy Tiên đi lên khoang bếp có việc liền bị hắn khống chế buộc mở cửa buồng lái để hắn khống chế phi công. Rồi hắn yêu cầu phi công hạ độ cao, bay lượn vòng Sài Gòn và mở cửa sổ máy bay để hắn rải truyền đơn. Anh phi công tên Vitkov bình tĩnh đối đáp với hắn để khéo léo xử lý tình huống và báo sự việc về mặt đất. Lúc này, hắn yêu cầu hai cô tiếp viên cầm truyền đơn xuống phát cho hành khách nhưng hai cô nhanh trí mang đi nhét vào tủ đựng đồ…
… Cuối cùng, viên phi công Vitkov nói với Lý Tống: “Bây giờ anh có thể nhảy dù qua cửa sổ này”. Nhìn thân hình quá to của hắn loay hoay, lúi húi chui qua cửa sổ, Vitkov cũng phải phì cười. Xong, Vitkov thông báo cho hành khách bình tĩnh và đáp máy bay xuống sân bay Tân Sơn Nhất an toàn.
Về phần Lý Tống, khi dù rơi, hắn có cảm giác phía dưới là nước chứ không phải là ruộng lúa. Đang tính toán cách đối phó thì một tiếng “ụp” vang lên, cả dù và hắn rơi tõm xuống ao rau muống ở quận 8. Vừa định tìm đường tẩu thoát thì hắn phát hiện có ánh đèn, sợ thốn đái nên hắn lội ngược xuống ao, rồi xuống sông. Cuối cùng hắn đã bị anh bảo vệ khu phố tóm cổ.
Ngày 5-9-1992, cơ quan điều tra khởi tố vụ án Lý Tống chiếm đoạt máy bay.
Ước được ăn một bữa thịt chó thỏa thuê
Hình ảnh thảm hại của Lý Tống khi giả gái để xịt hơi cay vào ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Ảnh: INTERNET
Từ Hà Nội, tôi bay vào hỏi phúc cung Lý Tống. Hôm qua ở Hà Nội không khí lạnh tràn về, gió mùa đông bắc rít lên từng cơn tê tái. Thế mà hôm nay, tại phòng làm việc với Lý Tống, không khí thật oi bức, ngột ngạt. Tôi kéo ghế ngồi, rút tập cáo trạng trong cặp tài liệu ra để trên bàn và nhìn Lý Tống. Đôi mắt hắn lờ đờ, đỏ ngầu, khuôn mặt hốc hác, nước da ngăm đen, đầu tóc bù xù.
Tôi nhẹ nhàng hỏi hắn: “Hôm nay sức khỏe của anh thế nào? Vẫn làm việc bình thường được chứ?”. Bộ dạng thiểu não, hắn trả lời: “Ở đây có làm gì đâu mà yếu hả cán bộ! Chỉ thèm thịt chó thôi!”. Hắn chép miệng, nước bọt trắng bệch đọng trên hai ria mép. Nhìn hắn lúc này thật đúng như người ta nói: Thèm rỏ nước dãi. Tôi đưa tay chỉ ra ngoài trời và nói: “Trời nắng chói chang, oi bức thế này mà tống thịt chó vào có mà toi à!”. Hắn hạ giọng: “Người ta ăn thịt chó vào thì kêu nóng, riêng tôi càng ăn thịt chó càng mát như tắm sông cán bộ à!”…
Sau khi nhận cáo trạng truy tố về tội chiếm đoạt máy bay, hắn bắt đầu lý luận: “Hành động của tôi thực ra không có gì nguy hiểm. Tôi chỉ dọa có bom nhưng thực tế không có bom. Như vậy, lời đe dọa đó không thể xảy ra nguy hiểm được. Hơn nữa, cơ trưởng đã lái máy bay đáp xuống phi trường an toàn cơ mà…”.
Tôi vặn: “Anh từng là phi công thì phải hiểu rằng việc anh dọa có bom sắp nổ trên máy bay đã tác động rất lớn đến tâm lý, tinh thần của người lái, rất dễ xảy ra hậu quả khôn lường. Khi anh dọa có bom và khống chế tổ lái thì hành vi chiếm đoạt máy bay đã hoàn thành… Đó là chưa nói việc anh buộc họ mở cửa sổ máy bay dân dụng là vô cùng nguy hiểm, lúc này áp suất rất lớn, máy bay rất dễ bị nổ…”.
Nghe đến đây, nét mặt Lý Tống nhợt nhạt và ủ rũ hẳn, nhưng hắn vẫn cố phân bua: “Không hiểu máy bay dân dụng thế nào chứ với máy bay quân sự thì việc mở cửa sổ nhảy dù là chuyện bình thường. Vả lại hôm đó máy bay đâu có nổ…”. Tôi nói ngay: “Lúc nào anh cũng vỗ ngực tự xưng mình là người lái máy bay tài giỏi nhưng những kiến thức tối thiểu về kỹ thuật an toàn hàng không thì trong đầu anh xem ra trống rỗng. Máy bay quân sự và máy bay dân dụng có cấu trúc hoàn toàn khác nhau. Việc máy bay hôm đó an toàn là do sự điều khiển tài giỏi của cơ trưởng. Anh cứ đòi hỏi phải có hậu quả nổ máy bay thì mới kết tội, lúc đó anh đã chết toi mất xác còn đâu...”. Lý Tống suy sụp hoàn toàn.
Kiếm sống trên đất Mỹ bằng “nghề” ăn vạ
Buổi chiều, Lý Tống bỗng đưa bàn tay phải nắm vào khuỷu tay trái, vẻ mặt đau đớn. Tôi hỏi: “Anh bị đau chỗ nào, tôi có lọ dầu đây này!”. Nhận lọ dầu gió, Lý Tống nói, giọng lạc hẳn: “Báo cáo cán bộ, khuỷu tay trái của tôi như bị kim châm”. Hắn vừa nói vừa xắn tay áo lên để lộ vết sẹo to bằng miệng cái ly uống nước, vết thương đã ra da non nhưng còn sưng đỏ. “Anh bị thương lúc nào vậy?” - tôi hỏi. Lý Tống nhìn tôi và cười như mếu: “Báo cáo cán bộ, lúc ở bên Mỹ tôi sống bằng nghề... “đụng xe” nên mới bị thương vào khuỷu tay”.
Rồi Lý Tống nói như mếu: “Khi sống bên Mỹ, tôi không có công ăn việc làm. Theo pháp luật Mỹ thì mọi công dân đều phải mua bảo hiểm thân thể. Tôi xài tiền cũng rất nhiều, tiền ăn, tiền thuê nhà này nọ. Nên thi thoảng tôi phải ra đường quốc lộ lao vào xe cơ giới sao cho chỉ đủ bị thương để được trả tiền bảo hiểm... Đây chính là vết thương do đụng xe như thế”.
Đến phần tiểu sử bản thân, Lý Tống khai trận đánh ngày 13-2-1973 hắn được giao lái máy bay A37 và chỉ huy hai chiếc khác đi thả bom ở Đắc Tô - Tân Cảnh (Kon Tum). Rồi máy bay hắn bị trúng đạn bốc cháy, may mà hắn kịp nhảy dù thoát thân. Nghe đến đây, tôi đưa mắt nhìn hắn: “Anh có biết hôm đó ai là người bắn máy bay của anh bị thương không?”. Hắn gãi đầu bảo làm sao biết được. Anh Nguyễn Đức Lương, kiểm sát viên cao cấp, người cùng phúc cung với tôi hôm ấy bảo: “Bây giờ nếu anh muốn biết người đó thì tôi sẽ cho gặp”. Hắn thốt lên: “Ôi, còn gì hạnh phúc hơn thế nữa, ai vậy cán bộ?”. Anh Lương chỉ tay về phía tôi: “Anh Biểu đấy. Chính anh Biểu là người chỉ huy đơn vị bắn máy bay các anh ngày đó đấy”. Lý Tống trố mắt nhìn tôi rồi đứng dậy, cúi người về phía trước…
▲▲▲
Ngày 24-2-1993, Tòa Hình sự TAND Tối cao đã xét xử sơ thẩm, đồng thời chung thẩm tuyên phạt Lý Tống 20 năm tù. Năm 1998, hắn được đặc xá và bị trục xuất khỏi Việt Nam. Sau này hắn còn làm nhiều chuyện điên khùng, cuồng vọng khác mà báo chí từng phản ánh.
TS DƯƠNG THANH BIỂU
Kỳ tới: Bên trong vụ án Lã Thị Kim Oanh