Ngày 29/1/1998, tức mùng 2 Tết Mậu Dần, vào khoảng 17h, cô bé Xuyến (14 tuổi, Yên Bái) đến ga Lăng Thíp đi tàu về ga Trái Hút tới nhà người họ hàng chơi. Trong khi đợi tàu, Xuyến ra giếng nước phía sau nhà ga để rửa tay. Tại đây, 2 cán bộ trực ga là anh Nguyễn Duy Huy và Ngô Văn Tuấn nhờ bé rửa hộ bát đĩa sau bữa ăn. Khi Xuyến rửa bát, anh Tuấn ngồi lại trò chuyện còn Huy tiếp tục bán vé tàu.
Trong lúc hai chú cháu chuyện trò thì bất ngờ có 2 thanh niên tiến tới. Một gã có bộ mặt bặm trợn hất hàm hỏi: “Con này, mày ở đâu đến đây?”. Xuyến trả lời: “Nhà cháu ở bên kia sông”. Ngay lập tức một trong hai gã liền đe nẹt: “Mày dám nói dối tao à?”. Vừa nói, hắn vừa lao tới áp sát rồi giật sợi dây chuyền vàng trên cổ bé đút vào túi áo mình. Trước hành động thô bạo của 2 gã thanh niên và sự hoảng sợ của bé Xuyến, anh Tuấn đứng ra can ngăn thì bị gã thanh niên giật sợi dây chuyền cầm một chiếc bát lên dọa ném vào mặt. Trong lúc cãi cọ, giằng co giữa anh Tuấn và gã thanh niên này, Xuyến nhanh chóng lẻn ra ngoài chạy về phía trước nhà ga để thoát khỏi sự đeo báo của 2 kẻ lạ mặt. Một lát sau anh Tuấn đi ra cửa ga thì thấy bé đứng đó liền bảo: “Vào phòng bán vẻ bảo anh Huy đưa vé cho mà đi”…
Những tưởng mọi chuyện xong xuôi, 2 kẻ lạ mặt đã bỏ đi thì trong lúc đang chờ tàu chạy, chúng lại xuất hiện cùng với một kẻ khác. 3 tên bao vây bé Xuyến. Một tên rút dao gí vào mặt Xuyến nói: “Con kia, ai cho mày đến đây làm gái?”. Xuyến sợ hãi kêu cứu và van xin nhưng chúng vẫn xấn xổ lao vào đe dọa cô bé. Cùng lúc đó, trước sự giúp đỡ của anh Tuấn, Huy thì anh Đinh Văn Minh, nhà ở khu vực gần ga tàu, đi ngang qua biết sự tình cũng đã giúp đỡ cô bé.
Sự việc diễn tiến căng thẳng khi anh Minh dắt cô bé đi về hướng khác thì bị 3 tên bao vây, một tên nhặt một vỏ chai bia đập vào tường xi-măng vỡ vụn nham nhở sắc nhọn lao đến uy hiếp và lớn tiếng quát sẽ rạch mặt Xuyến nếu cô không chịu đi với chúng. Thấy tình hình nguy cấp, anh Minh đưa Xuyến về nhà mình. Nhưng 3 gã thanh niên vẫn đi theo về tận nhà anh Minh, quyết không buông tha cô bé tội nghiệp.
Đang là ngày Tết, với tâm lý không muốn “mua” sự rắc rối nên anh Minh đã mời chúng cùng ăn cơm, uống rượu để tìm cách để cô bé có cơ hội thoát thân. Nhưng trái với suy nghĩ của anh Minh, trong lúc ăn cơm chúng cầm dao dọa chém một người họ hàng trong gia đình. Không thực hiện được hành vi trước sự can ngăn của mọi người, một tên tức tối bỏ về trước. Biết khó lòng có thể thoát khỏi sự đeo bám của nhóm thanh niên, lại một mình chơ vơ nơi ga tàu Xuyến xin ngủ lại nhà anh Minh nhưng gia đình anh Minh không đồng ý.
Thấy vậy, một trong hai thanh niên đã đề xuất: “Anh chị để em đưa cô bé này về nhà ngủ với mẹ em”. Thấy tên này tỏ ra rất nhã nhặn lại nói nghe có vẻ hợp lý, vợ chồng anh Minh đồng ý và khuyên Xuyến làm theo cách này để sáng ngày hôm sau sẽ ra ga bắt tàu. Ngay sau đó, gã này lập tức đưa cô bé rời khỏi nhà anh Minh. Tên còn lại cũng giả vờ ngồi nán lại chơi một lát rồi mới chào chủ nhà để ra về...
Đêm kinh hoàng
Sau khi ra khỏi nhà anh Minh, Xuyến bị gã thanh niên dẫn thẳng ra một khu đất từng là bãi mìn ở thôn Đoàn Kết, xã Lang Thíp. Đến mỏ đá gần khu bãi mìn, thanh niên này giở trò đồi bại nhưng bị cô bé chống cự quyết liệt. Sợ bại lộ, gã tiếp tục dẫn Xuyến đi tiếp một đoạn đường. Đến một bãi cỏ cạnh bờ mương nước, hắn lại bắt Xuyến quan hệ nhưng tiếp tục bị chống cự quyết liệt thì lúc đó tên cuối cùng rời nhà anh Minh - cũng là kẻ đã giật sợi dây chuyền vàng Xuyến - xuất hiện cùng một người nữa.
Trong đêm vắng tối, 3 tên thay nhau cưỡng hiếp cô bé đến bất tỉnh. Khi cô bé vừa tỉnh lại thấy xuất hiện những ánh đèn pin lấp lóe thì gã thanh niên ngồi cạnh đã bịt mồm Xuyến và gằn giọng: “Im mồm không chúng nó phát hiện ra, bọn nó đang tìm mày để hãm hiếp đấy. Mày có người quen tại khu vực này không?”. Sợ tiếp tục bị hãm hại, Xuyến ngoan ngoãn nghe theo lời, hắn đưa Xuyến quay trở lại đường mương theo đường tắt để đưa đến nhà người cô của Xuyến ở đây. Trên đường đi, hắn tiếp tục hãm hiếp Xuyến thêm 2 lần nữa mới chịu dẫn cô bé đến nhà người cô của mình, rồi chạy thục mạng biến mất vào bóng đêm…
Khi vụ án này xảy ra, thượng tá Bùi Trung Thực (Phó trưởng Công an TP Yên Bái, tỉnh Yên Bái) là trinh sát của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội. Thượng tá Thực nhớ lại: “Trong 3 gã thanh niên đã làm nhục bé gái tại khu vực ga Lăng Thíp, cô bé do hoảng loạn nên chỉ nhớ được một tên xưng danh là Đức - kẻ đưa Xuyến về nhà người thân và cũng là kẻ đã hãm hại nhiều lần nhất. Hai kẻ còn lại, một gã cô bé vẫn nhớ mặt, gã cuối chỉ nhớ mơ hồ rằng đó là một bóng người mặc áo trắng….
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng lại xảy ra đúng lúc đón chào năm mới nên cảnh sát hình sự tỉnh quyết tâm phải phá bằng được. Sau khi cùng với Công an huyện Văn Yên thu thập các chứng cứ và lời khai của nạn nhân, thông tin ban đầu chỉ là một cái tên nhưng qua miêu tả về nam thanh niên trạc khoảng 30 tuổi, đầu trọc, có đôi mắt trũng sâu xếch ngược là cơ sở để các trinh sát sàng lọc các đối tượng khả nghi. Vũ Văn Đức, người xã Lang Thíp nổi lên như là nghi phạm số một của vụ án, đại úy Thực cùng các trinh sát đã lặng lẽ tiếp cận ngôi nhà của Đức. Tuy nhiên, khi các trinh sát ập vào không có ai.
Nghi phạm số một biến mất khỏi nơi cư trú càng khiến những phán đoán và nhận định của Ban chuyên án có cơ sở. Thượng tá Thực cho hay các anh một mặt nhiều lần mật phục tại các địa chỉ mà Đức có thể tìm đến, mặt khác thuyết phục người nhà, vợ con Đức để kêu gọi anh ta đầu thú và hợp tác với cơ quan công an nhưng đều vô ích. Phải đến một ngày cuối tháng 8/2002, tức là gần 5 năm sau, công an mới nắm được thông tin Đức đang lẩn trốn tại một khu chế xuất tại quận Thủ Đức, TP HCM. Công an tìm đến nhưng Đức đã thay đổi chỗ ở.
"Ngày 12/9/2002, Đức mới sa lưới pháp luật sau suốt một thời gian dài lẩn trốn”, thượng tá Thực kể. Tại cơ quan điều tra, khi đối mặt với nạn nhân và các nhân chứng tại ga Lăng Thíp, nghi phạm Đức đã khai nhận hành vi phạm tội. Tuy nhiên, vụ án lại bị đóng lại khi Đức nhất quyết không khai ra danh tính 2 đồng phạm trong vụ án năm xưa.
Tại trại giam Tân Lập, Phú Thọ, năm 2010, tức là phải mất đến 8 năm sau kể từ khi bị bắt và ngồi tù với mức án chung thân, Đức mới ân hận, mong muốn nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Hắn khai ra đồng phạm Luyện Văn Thuận (sinh năm 1977, trú cùng xã).
Công an lần theo và phát hiện, sau khi vụ hiếp dâm bị bại lộ, Thuận đã bỏ trốn sang phường Phan Thiết, thị xã Tuyên Quang (Tuyên Quang). Tại miền đất mới, Thuận làm nghề lái xe ôtô dưới một cái tên mới được đăng ký trong Giấy phép lái xe là Luyện Duy Thuận. Ngày 26/1/2010, sau gần 12 năm lẩn trốn, Thuận bị bắt.
Từ lời khai của Đức và Thuận, cơ quan điều tra tiếp tục lần tìm chân tướng của tên cuối cùng của vụ án. Theo đó, “bóng người áo trắng” mà cô bé Xuyến chỉ mang máng nhớ được chính là Trần Văn Thành (tức Trần Công Thành, sinh năm 1976, cũng là người dân xã Lăng Thíp)...
Khác với 2 đồng bọn bỏ trốn chui lủi khắp nơi, trong suốt 12 năm kể từ ngày thực hiện hành vi thú tính tại khu vực ga Lăng Thíp, Thành vẫn sống tại địa phương và suốt từng đó năm không để lộ ra một biểu hiện bất thường nào.
Đến ngày 14/5/2010, hơn một thập niên sống nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật nghĩ rằng tội ác của mình đã bị quên lãng nhưng cuối cùng Thành - kẻ cuối cùng trong vụ án gây chấn động Yên Bái đã phải nhận tội.
(Theo An ninh thủ đô)