Có thể nói rằng năm 2017 sẽ được ghi vào lịch sử ngành viễn thông Việt Nam như một năm của mạng di động 4G. Và cuộc đua 4G giữa các nhà mạng được cấp phép cũng bắt đầu vào giai đoạn thị trường, cung cấp dịch vụ rộng rãi.
Các ông lớn đua nhau giành thị phần 4G
Sau mấy năm thử nghiệm 4G (Viettel làm ở Bà Rịa-Vũng Tàu từ cuối năm 2015, VinaPhone thử nghiệm tại Kiên Giang và TP.HCM từ đầu năm 2016), vào trung tuần tháng 10-2016, lần lượt các nhà mạng VinaPhone, Viettel, MobiFone và Gtel đã được Bộ TT&TT chính thức cấp giấy phép mạng 4G trên băng tần 1.800 MHz. Tuy nhiên, cho tới giữa tháng 4-2017, chỉ mới có ba nhà mạng lớn nhất là MobiFone, Viettel và VinaPhone chính thức cung cấp dịch vụ 4G cho người dùng. Nhà mạng nhỏ nhất trên thị trường di động là Gtel với thương hiệu Gmobile (trước kia là Beeline) vẫn án binh bất động. Trên website của Gmobile vào ngày 15-4 vẫn không có dấu hiệu nào của 4G (thật ra trước nay họ không nói gì tới 3G hay 2G mà chỉ giới thiệu các loại hình dịch vụ mà thôi, điều này giúp người dùng khỏi rối rắm khi chuyện công nghệ gì là chuyện của nhà mạng).
Mặc dù cũng đã được cấp giấy phép thử nghiệm 4G nhưng FPT Telecom lại không phải là nhà mạng di động. Trong khi đó, nhà mạng Vietnamobile (cũng nhỏ thôi) cho biết họ chỉ đang tập trung khai thác mạng 3G với hàng loạt gói cước, dạng dịch vụ được không ngừng đưa ra mà họ giới thiệu là có tính sáng tạo cao.
Như vậy, hiện nay 4G là cuộc chơi của các “ông lớn” di động ở Việt Nam. Cả ba nhà mạng 4G hiện nay đều thuộc Nhà nước, trong đó MobiFone là một tổng công ty trực thuộc Bộ TT&TT sau khi tách ra khỏi Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông VNPT, VinaPhone là một tổng công ty thành viên của Tập đoàn VNPT do Nhà nước làm chủ sở hữu và Viettel là tập đoàn của quân đội. Nói như vậy để thấy các lợi thế và tiềm lực không ai khác sánh nổi của họ. Ba nhà mạng này nắm trong tay số thuê bao di động hơn 100 triệu, chiếm hơn 3/4 tổng số thuê bao di động cả nước. Và trong những tháng qua, họ đã tiến hành đổi SIM 4G miễn phí cho các thuê bao của mình và đây là loại SIM đa công nghệ có thể sử dụng cho các mạng 4G, 3G và 2G, tạo điều kiện cho các thuê bao luôn sẵn sàng lên đời 4G khi nào có điều kiện và muốn chơi.
Nhiều chuyên gia đánh giá cuộc chơi 4G có tính bứt phá, là một cơ hội vàng cho các nhà mạng đua tranh với nhau và thậm chí có thể lật ngược thế cờ, vượt qua đối thủ lâu nay. Bản thân các nhà mạng cũng coi 4G là một cuộc chơi mới vì tất cả họ đều phải xuất phát hầu như cùng một lúc ở vạch số 0. Hồi sau mới biết đâu là ngựa chiến.
Các kỹ sư Viettel đang lắp ráp hệ thống 4G tại Hà Giang. Ảnh: BH
Tốc độ hơn nhưng tiền cũng tốn hơn
Vấn đề quan trọng nhất mà người dùng di động quan tâm là giá cước 4G như thế nào. Các nhà mạng đều tuyên bố giá cước 4G sẽ không đắt hơn 3G. Thực tế là các giá cước do các nhà mạng đưa ra cho tới nay ra sao? Để có dung lượng dữ liệu 3 GB trong 30 ngày và khi xài hết dung lượng tốc độ cao sẽ vẫn tiếp tục được truy cập Internet nhưng bị hạ xuống tốc độ bình thường, tôi có thể mua DMAX200 của Viettel hay MAX200 của VinaPhone đều với giá 200.000 đồng. MobiFone chỉ cung cấp các gói cước 4G Data Plus mà khi xài hết dung lượng tốc độ cao theo từng gói là bị ngắt Internet, phải mua bổ sung các gói dữ liệu.
Sử dụng mạng 4G, người dùng sẽ tải dữ liệu nhanh hơn, có nghĩa là mau hết dung lượng dữ liệu của các gói cước hơn. Và nếu muốn tiếp tục được kết nối tốc độ cao, họ buộc phải mua thêm các gói dung lượng bổ sung. Và như thế các nhà mạng sẽ kinh doanh dữ liệu tốt hơn, thu lợi nhiều hơn.
Hiện nay, các nhà mạng đang đưa ra nhiều gói cước đa dạng cho người dùng lựa chọn. Giống như 3G, các gói cước này có ba hình thức cho người xài hết dung lượng dữ liệu theo gói hoặc bị tính cước theo thực tế dung lượng phát sinh, hoặc ngắt kết nối Internet (phải mua thêm dữ liệu), hoặc giảm tốc độ Internet xuống bình thường. VinaPhone tỏ ra thấu hiểu thị trường khi đưa ra những gói cước chỉ sử dụng dữ liệu cho các máy tính bảng, không có tính năng thoại, với dung lượng dữ liệu cao hơn ở cùng mức giá.
Không phải bất cứ ai có thiết bị hỗ trợ 4G cũng háo hức chuyển sang mạng 4G. Họ đã có quá nhiều kinh nghiệm về cái gọi là chất lượng sóng và tốc độ truyền dữ liệu của các nhà mạng khi ban đầu còn tốt, còn nhanh, càng về sau càng tệ hại. Họ và những người có thiết bị 3G cũng nôn nóng nhưng là mong cho ngày càng có thêm nhiều người “hy sinh” chuyển qua 4G để cho mạng 3G thông thoáng, nhẹ tải hơn và dĩ nhiên sẽ có tốc độ ngày càng thật hơn (nghĩa là nhanh hơn lâu nay).
Người tiêu dùng thông minh sẽ tùy nhu cầu của mình mà chọn lên 4G hay tiếp tục chìm nổi với 3G, hoặc nếu lên 4G thì chọn gói cước nào kinh tế nhất. Như đã nói, 4G nếu với tốc độ chuẩn chỉ phù hợp cho những ai có nhu cầu giải trí chất lượng cao trên Internet như xem phim 4K, chơi game 4K, các ứng dụng thực tế ảo VR, thực tế tăng cường AR… Tất nhiên, các loại hình này không hạp với những thiết bị tầm trung trở xuống.
Cũng đừng ai lo bò trắng răng khi sợ rằng hoàn tất phủ sóng 3G xong, nhà mạng sẽ cắt đứt dây chuông với 3G. An tâm ngủ khỏe đi, cho tới khi thế giới lên mạng 5G, người ta vẫn còn tiếp tục xài mạng 3G, giống như ngày nay mạng 2G vẫn đâu có chết.
Tốc độ 4G hay 3G+? Ở Việt Nam, với những ưu thế của mình, Viettel là nhà mạng có tốc độ phủ sóng 4G nhanh nhất. Họ cho biết mình sử dụng công nghệ 4G LTE-A, là chuẩn ứng cử viên 4G cao nhất hiện nay. Về lý thuyết có thể đạt tốc độ đỉnh tới 1 Gbit/giây (tải xuống) và 500 Mbit/giây (tải lên) nhưng ở đặc tả Release 8 hiện nay, tốc độ tải xuống tối đa của LTE-A là 300 Mbit/giây. Tốc độ 4G thử nghiệm do Viettel công bố đạt trung bình 40-80 Mbit/giây (tức cao hơn bảy lần tốc độ 3G của Viettel), thậm chí có nơi có lúc đạt tới 230 Mbit/giây. Còn VinaPhone cũng khoe rằng tốc độ thử nghiệm 4G của mình nhanh hơn rất nhiều so với cả tốc độ của cáp quang Internet dân dụng. Trên trang web của mình, sau khi triển khai 4G tại đảo Phú Quốc hồi tháng 11-2016, VinaPhone viết rằng: “Tuy vẫn chưa có nhiều dịch vụ 4G riêng biệt thực sự nổi bật nào nhưng người dùng vẫn có thể cảm nhận được điều khác biệt khi trải nghiệm những dịch vụ/ứng dụng cần tốc độ cao (game tương tác, thực tế ảo, xem video 4K…) mà mạng 3G hiện tại không thể đáp ứng được”. |