Để chuyển hướng chiến lược đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ở miền Nam từ chính trị và binh vận chuyển sang vũ trang thích ứng với diễn biến mới của tình hình, ngày 23/1/1961, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam tại Mã Đà chiến khu D (Tân Lập, Tân Biên, Tây Ninh) để trực tiếp lãnh đạo cách mạng miền Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Linh (Mười Cúc) được bầu làm Bí thư Trung ương Cục.
Lực lượng Cảnh vệ thuộc Đoàn 180 (nay là Phòng Bảo vệ 180 - BTL Cảnh vệ) vinh dự được trực tiếp bảo vệ các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục, các cơ quan đầu não Trung ương Cục miền Nam. Thật xúc động khi nghe các chiến sỹ Cảnh vệ năm xưa kể lại những kỷ niệm sâu sắc trong chiến đấu, chúng ta càng tự hào về những chiến công của họ.
Những ngày hoạt động giữa lòng địch, để đảm bảo an toàn căn cứ và cán bộ cách mạng của Đảng, công tác đảm bảo bí mật là yếu tố cực kỳ quan trọng. Khi tiếp xúc với cán bộ từ nội đô ra hay các địa phương tới, bao giờ đồng chí Nguyễn Văn Linh cũng thực hiện đúng nguyên tắc giữ bí mật. Việc người nào chỉ biết việc người đó. Thậm chí, có lần tiếp xúc, mọi người đều phải có khăn che mặt, chỉ để hở hai con mắt, buổi tiếp xúc diễn ra vào ban đêm. Đồng chí Nguyễn Văn Linh ngồi riêng, có một vách ngăn, nói vừa đủ nghe. Làm xong việc là giải tán ngay.
Mặc dù người đến tiếp xúc đã được Tiểu ban Bảo vệ kiểm tra kỹ càng không để lọt người lạ vào được, nhưng để đảm bảo an toàn lâu dài, nhất nhất công tác giữ bí mật đều phải làm như vậy. Chính vì thế, mặc dù nhiều lần địch trinh sát bằng máy bay, tung nhiều toán thám báo lùng sục và tập kích vào căn cứ nhưng công tác bảo vệ của chúng ta rất chủ động và bí mật.
Đội bóng chuyền của Văn phòng Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam năm 1971.
Lần bảo vệ cơ quan Trung ương Cục và đồng chí Nguyễn Văn Linh di chuyển chỗ ở, đường hành quân rất khó khăn hiểm trở, các trạm giao liên ở cách xa nhau, có chỗ địch bắn phá ráo riết không có lương thực tiếp tế, Thủ trưởng và chiến sỹ Cảnh vệ phải ăn cơm nắm, hoặc cơm đã nghiền nát, dát mỏng đem nướng để ăn dần. Lần đó, đến địa điểm mới, phải vượt qua sông Mê Kông rất nguy hiểm. không thể chọn con đường nào khác, anh em Cảnh vệ quyết định dùng xuồng gắn máy kole 7 cho chạy thử, lượt đầu mất 15 phút.
Với thời gian đó xuồng đi chậm, nhưng lại rất nguy hiểm, vì thời gian dài dễ bị kẻ địch phát hiện. Để đưa Thủ trưởng sang sông nhanh nhất, anh em cảnh vệ có sáng kiến dùng hai máy kole 7 để tăng tốc độ lên hai lần. Đồng chí Nguyễn Hồng Long nhận trực tiếp lái xuồng. Kết quả chỉ sau 7 phút xuồng đã sang sông an toàn. Thắng lợi đó là một kỷ niệm sâu sắc thật đáng tự hào của lực lượng Cảnh vệ, thể hiện quyết tâm và trách nhiệm bảo vệ thủ trưởng tuyệt đối an toàn trong mọi tình huống.
Được làm nhiệm vụ bảo vệ đồng chí Võ Văn Kiệt (tức Sáu Dân - Ủy viên Trung ương Cục), các chiến sỹ Cảnh vệ chiều nào cũng được đồng chí Sáu Dân gọi đến chơi bóng chuyền hoặc đánh cầu lông. Nhưng tìm được nơi để đánh cầu lông hoặc bóng chuyền ở đây thật khó. Ngoài những bãi đất trống thì sợ máy bay trinh thám OV10 đánh hơi báo cho máy bay C130, B52 Mỹ đến ném bom rải thảm. Có hôm đồng chí Sáu Dân cùng các chiến sỹ Cảnh vệ chơi trận cầu đang lúc hay nhất thì bị máy bay trực thăng địch đột ngột xuất hiện. Chúng bắn như đổ đạn xuống khoảng trống vừa diễn ra trận bóng sôi nổi.
Sau lần đó, các chiến sỹ Cảnh vệ vào sâu trong rừng chò để tìm được khoảng đất dưới hai gốc trò rộng hơn cả sân bóng chuyền, mà lại bằng phẳng. Sân đã đánh được bóng chuyền thì cầu lông cũng chơi được. Biết đồng chí Sáu Dân rất ưa hoạt động thể thao và môn sở trường là bóng chuyền và cầu lông, các chiến sỹ Cảnh vệ quyết tâm làm bằng được sân bóng chuyền kiểu mẫu này để các buổi chiều thầy trò yên tâm chơi thể thao.
Hai cây chò cổ thụ ấy rất cao. Từ mặt đất đến nhánh mọc đầu tiên cao 12m. Chỉ tội cành mọc hơi thưa và không đều. Nhưng không lo, việc đó đã có đôi bàn tay của các "kiến trúc sư" có kinh nghiệm dùng dây thép vin cành, néo chúng lại theo. Cành của cây nọ vin néo vào cành của cây kia. Cành ở xa mà có cách vin, léo vào được lại càng chắc, càng vững, đủ sức chịu được sức gió của cánh quạt máy bay trực thăng.
Công trình khởi công vào một buổi chiều ngày thứ bảy. Việc đầu tiên là vin, néo cành làm sao tạo thành một "mái" rộng khoảng 15 đến 20m. Khi mái che được thực sự yên tâm, các "kiến trúc sư" phải tính đến chuyện làm hầm, đào hào. Từ sân bóng phải có hào chạy đến hầm trú ẩn cách xa sân bóng
Sau một tuần, sân bóng xây dựng xong. Đồng chí Sáu Dân biết tin này vui lắm. Ông đến tận nơi để xem và khen chiến sỹ Cảnh vệ sáng tạo. Từ ngày sân bóng chuyền có mái che khánh thành, mọi người gọi nó là "câu lạc bộ thể thao". Cứ mỗi buổi chiều, sau giờ làm việc, trừ hôm bận họp hoặc đi công tác xa, đồng chí Sáu Dân không bỏ buổi nào, cùng anh em đến đây chơi bóng chuyền.
Những ngày sống và chiến đấu ở R Xa Mát, cuộc sống của chiến sỹ Cảnh vệ ta thiếu thốn, khó khăn trăm bề, nhưng cuộc đời họ lạc quan là thế. Và để ghi nhớ kỷ niệm về cái sân bóng có một không hai ở căn cứ Trung ương Cục ngày ấy, các chiến sỹ Cảnh vệ đặt tên cho nó là "sân bóng chú Sáu Dân".
Theo Nguyễn Đức Quý - theo tư liệu lịch sử của BTL Cảnh vệ - Bộ Công an (CAND)