Đề thi “2 trong 1” sẽ như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Thu Cúc , Hiệu trưởng Trường THPT Gia Định lo lắng cho biết, nếu năm trước thực hiện hai kỳ riêng biệt: tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, CĐ trong đó học sinh dự kỳ thi tốt nghiệp chỉ yêu cầu nắm vững kiến thức chương trình lớp 12. Nhưng ở kỳ thi ĐH, tại một số môn (như Hóa học) yêu cầu học sinh ngoài việc phải nắm vững chương trình lớp 12 còn có cả chương trình lớp 10 và lớp 11.
“Vậy với kỳ thi THPT quốc gia năm nay, đề thi sẽ được phân hóa như thế nào? Điều này rất cần đối với những em chỉ thi tốt nghiệp phổ thông. Với một đề thi "2 trong 1" đòi hỏi có sự phân hóa từ cơ bản đến nâng cao, như vậy cấu trúc đề thi năm nay có bao nhiêu phần trăm nằm ở phần cơ bản, bao nhiêu phần trăm nằm ở phần nâng cao? Chúng tôi phải dạy cho học sinh như thế nào để có thể tạo cơ hội tốt nhất cho các em bước tiếp vào giảng đường ĐH hoặc CĐ. Bộ cần có thông báo sớm để chúng tôi có kế hoạch ôn tập cho học sinh”, bà Cúc cho biết.
Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức và THPT Trần Phú (TPHCM) cũng có những băn khoăn tương tự khi không biết cơ cấu tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như thế nào? Thi ra sao? Học sinh ôn tập như thế nào?
Bà Cúc lo lắng: “Nếu như các năm trước, giáo viên có thể chủ động được thì năm nay với mức độ phân hóa cao của đề thi, chúng tôi lo nhiều cho các học sinh trung bình, yếu, không biết các em có đủ khả năng để thẩm định những câu nào dành cho mình và những câu nào ở mức độ nâng cao, và như vậy chắc chắn hiệu quả cho mục đích tốt nghiệp phổ thông sẽ thấp.
Thêm vào đó, một số trường ĐH còn tổ chức thêm các đợt kiểm tra ngoài kết quả thi THPT quốc gia, như ĐH Luật TPHCM, đòi hỏi học sinh phải có những kiến thức thực tế, kỹ năng sống. Việc này cũng khiến cho công tác dạy học và ôn tập của giáo viên phải thay đổi theo, chúng tôi phải tăng cường dạy thêm cho các em những kiến thức thực tế để các em không bị động trước những kỳ kiểm tra như vậy”.
Sẽ ôn tập đến hết tháng 6
Bà Cúc cho biết, mặc dù vẫn chưa có thông tin chính thức về kỳ thi THPT quốc gia nhưng Trường THPT Gia Định dự kiến sau Tết Nguyên đán sẽ tổ chức các đợt kiểm tra thử cho học sinh. Theo đó, đề bài sẽ được phân hóa thành 2 phần: Phần cho học sinh thi tốt nghiệp và phần nâng cao cho học sinh thi ĐH, CĐ.
Theo bà Cúc, đề thi của Bộ cũng nên đi theo hướng này, có thể không phân chia rõ rệt nhưng với các môn trắc nghiệm, học sinh có ít thời gian để thẩm định đề, phần đầu của đề thi nên là những câu hỏi cho học sinh tốt nghiệp THPT, phần cuối đề là những câu hỏi nâng cao để phân loại. Nếu tất cả các câu hỏi khó dễ bị xáo trộn trong toàn bộ đề thi thì sẽ rất thiệt thòi cho những học sinh không có nhu cầu thi ĐH, CĐ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM cho biết, Sở đã có hướng dẫn ôn tập cho các trường THPT trên tinh thần tốt nghiệp trước, hướng dẫn học sinh lựa chọn môn thi, đồng thời các trường định hướng cho học sinh học theo hướng tích cực, nâng cao kiến thức, kỹ năng vận dụng thực tế của học sinh.
Đến nay Bộ vẫn chưa có văn bản chính thức về kỳ thi này, khi nào có thông tin từ Bộ, Sở sẽ có hướng dẫn cụ thể cho các trường. Tuy nhiên, các trường sẽ cho học sinh ôn tập hết 4 tuần của tháng 6/2015, mức thu cho thời gian ôn tập này trên tinh thần thu đủ bù chi trên cơ sở thỏa thuận của nhà trường và phụ huynh học sinh.