Nằm lọt thỏm trong con hẻm nhỏ sau khu chợ Bến Thành sầm uất, ngôi nhà đơn sơ của ông Hồng Phú Ngữ, người chiến sĩ tiểu đoàn 307 năm xưa, không giống một căn nhà nằm ở trung tâm đô thị sôi động nhất cả nước. Căn phòng khách chỉ gần 20 m2 nhưng chiếc tủ thờ của dòng họ luôn thoảng hương thơm đã chiếm đến một nửa. Trên tường, ngoài tấm ảnh Bác Hồ được treo ở vị trí trang trọng nhất còn có hàng chục bằng khen, huân huy chương mà Nhà nước đã trao tặng cho vợ chồng ông trong suốt quá trình cống hiến cho cách mạng.
Ngồi bên chiếc bàn kính đã bạc màu vì năm tháng là anh lính Hồng Phú Ngữ - đội trưởng "Đội săn tàu" từ giữa thế kỷ trước - giờ đã thành một cụ ông ngoài 85 tuổi. Tuy tuổi cao đã khiến đôi tay ông run rẩy, nhưng ở ông lão có mái đầu bạc trắng ấy vẫn toát ra hào khí của một người lính anh hùng từng đi qua hai cuộc chiến giành độc lập. Ngồi cạnh bên, cụ bà Trần Thị Hãnh luôn dành cho chồng những ánh nhìn dịu dàng, nồng ấm.
Đội trưởng "Đội săn tàu" bên vợ. Ảnh: Vũ Mai.
Nhấp ngụm trà, giọng ông lão sang sảng hơn khi kể về cuộc đời người lính cụ Hồ của mình. Ông bảo, đời bộ đội không có gì là sung sướng ngoài niềm hạnh phúc được góp sức mình vào những năm tháng gian nan giành độc lập cho đất nước.
Hồng Phú Ngữ là anh lớn trong một gia đình nông dân nghèo tại Mộc Hóa - Tân An (nay là huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Ngay từ nhỏ, cậu bé Ngữ đã chứng kiến cảnh thực dân Pháp bóc lột, đàn áp dân mình nên luôn canh cánh nỗi hận mất nước. Lòng căm thù giặc càng sục sôi trong cậu khi tận mắt nhìn thấy người chú ruột bị quân Pháp bắn chết. Năm 1945, theo phong trào giác ngộ cách mạng của thanh niên trong làng, anh Ngữ xin "tía má" đi bộ đội khi vừa tròn 20 tuổi. Từ đó, anh là lính của Đại đội 1080 chi đội 14 trung đoàn 120.
Năm 1948, anh Ngữ chính thức là chiến sĩ của Tiểu đoàn 307 với vai trò tiểu đội trưởng phụ trách 10 chiến sĩ. Chỉ trong một thời gian ngắn sau khi tiểu đoàn được thành lập, Hồng Phú Ngữ đã tham gia đánh nhiều trận thắng giòn giã như trận Mộc Hóa, La Bang, An Xuyên Tân Lộc… khiến quân Pháp "chết như ngả rạ". Với những chiến công lẫy lừng này, Tiểu đoàn 307 là đơn vị quân đội nhân dân tiêu biểu của chiến trường Nam Bộ, được nhân dân yêu mến, ca ngợi gọi là “tiểu đoàn đánh đâu thắng đấy”.
Đến năm 1951, giặc Pháp thua đau tại chiến khu Việt Bắc nên tăng cường dồn quân ra Điện Biên Phủ, đồng thời tổ chức đánh phá vào các vùng chiến khu cách mạng tại miền Đông và miền Tây nước ta. Lợi dụng mùa nước nổi, quân Pháp kéo hàng đoàn tàu chiến cỡ lớn đi truy quét bộ đội và du kích. Cho rằng quân ta không có vũ khí hạng nặng đánh lại hạm đội thiện chiến này nên chúng nghênh ngang ra sức bắn phá. Ngay lúc này Bộ tư lệnh phân liên khu miền Tây chỉ đạo cho Tiểu đoàn 307 phải tiêu diệt đội tàu chiến của địch. Hồng Phú Ngữ được giao nhiệm vụ làm tiểu đội trưởng “Đội săn tàu”.
“Chúng tôi chưa lần nào làm chuyện này nên còn rất bỡ ngỡ. Nhưng với sự tin tưởng của cấp trên và lòng căm thù bọn xâm lược, anh em trong đội ai cũng quyết tâm tiêu diệt giặc dù có phải hy sinh tính mạng của mình”, ông Ngữ bồi hồi nhớ lại.
Thời kỳ đó, giáo sư Trần Đại Nghĩa được Bác Hồ đưa từ Pháp về đã thiết kế ra khẩu súng Bazoca 75 có khả năng bắn thủng tàu chiến. Anh lính Hồng Phú Ngữ và đội “cảm tử” được chính “cha đẻ” của loại vũ khí này hướng dẫn cách sử dụng. Sau đó, dù chưa một lần bắn thử, nhưng Ngữ đã dẫn đầu 14 chiến sĩ thiện chiến, giỏi bơi lội cùng khẩu Bazoca 75 và một ít súng thô sơ lên đường.
Vẫn giọng hào sảng, ánh mắt lấp lánh vui, người đội trưởng “Đội săn tàu” năm xưa cho biết mình sẽ không bao giờ quên cảm giác sung sướng lần đầu tiên bắn hạ được tàu chiến của Pháp.
Ông Ngữ được nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Ảnh: Vũ Mai.
Ông kể, đêm 13/10/1951, trời tối như bưng đến độ để bàn tay trước mặt còn không nhìn thấy. Sau khi lên phương án tác chiến, cả tiểu đội nai nịt gọn gàng với quần đùi và áo bà ba đen hào hứng vạch màn đêm đi thực thi nhiệm vụ. 10 giờ đêm, đoàn quân “rái cá miền Tây” (tất cả đều bơi lội giỏi như rái cá) dừng lại bên đoạn kênh Nguyễn Văn Tiếp, cách đồn giặc 300 m, nơi đoàn tàu chiến của Pháp thường đi càn ngang qua. Phân công nhiệm vụ cho từng chiến sĩ, mọi người bắt đầu đào cộng sự chuẩn bị cho trận tác chiến.
Thời gian chầm chậm trôi, “Đội săn tàu” ém quân chờ suốt đêm trong cái lạnh thấu xương, bụng sôi sùng sục vì đói và phải chịu sự tấn công ác liệt của muỗi, đỉa vào mùa nước nổi. Dù vậy nhưng trong đội không ai dám ngọ nguậy sợ giặc sẽ phát hiện. Cứ thế đến trưa hôm sau, các chiến sĩ căng mắt, nín thở khi nhận ra đoàn tàu Pháp lừ đừ tiến tới. Sau khi ra hiệu cho đồng đội, Ngữ nhắm mục tiêu vào chiếc tàu to lớn ở vị trí thứ hai chở nhiều lính đang chuẩn bị vào “điểm chết”.
Một, hai, ba… “Bùm!”. Sau tiếng nổ vang trời rung chuyển cả một vùng rộng lớn, một cột lửa cùng khói bốc lên nghi ngút trên chiếc chiến hạm to nhất của giặc. Trong phút chốc, chiếc tàu chiến bị nhấn chìm kéo theo xác 200 quân Pháp. Về phần các chiến sĩ, do chủ động trước mọi tình hình nên rút lui về căn cứ an toàn.
Thừa thắng xông lên, thời gian sau, tiểu đội săn tàu của Ngữ còn bắn chìm thêm 3 chiếc nữa, tiêu diệt nhiều quân giặc. Tiếng vang của Tiều đoàn 307 làm nức lòng dân, ra tận chiến khu Việt Bắc và được Bác Hồ viết thư khen ngợi. Về sau, anh Ngữ được chuyển giao về khu 9 tiếp tục tham gia bắn hạ 4 chiếc tàu nữa.
Đến năm 1954, trong một trận chiến, tiểu đoàn trưởng Phạm Hồng Sơn và Hồng Phú Ngữ bị thương nặng được chuyển về Cà Mau để tập kết ra Bắc điều trị. Trong thời gian ngắn ngủi trước khi lên đường, anh Ngữ đã phải lòng cô gái xứ dừa xinh đẹp Trần Thị Hãnh đang làm nhiệm vụ chăm sóc thương bệnh binh. Biết anh là người của Tiểu đoàn 307, cô gái từ cảm phục đã đem lòng yêu quý. Ngày Ngữ lên đường ra Bắc, họ lưu luyến chia tay và hẹn ước sẽ thành duyên sau 2 năm trở về.
“Lấy hết can đảm tôi mới dám nói với Hãnh nhưng không ngờ cô ấy quả quyết sẽ chờ tôi bao năm cũng được. Càng hạnh phúc hơn khi mối tình này đã được Bác Hồ xe duyên nên nghĩa vợ chồng. Được Bác quan tâm lo lắng là phần thưởng to lớn nhất của cuộc đời tôi”, ông Ngữ nghèn nghẹn.
Mắt hấp háy vui, ông cho biết, nằm trị thương ở Quân y viện, các chiến sĩ được Bác Hồ thân chinh đến thăm. Bên giường bệnh, Bác tận tình hỏi thăm gia cảnh và sức khỏe từng đồng chí. Do đã nghe tiếng “săn tàu” của Ngữ, Người đặc biệt quan tâm nên biết về chuyện tình đẹp của Ngữ và người yêu. Lúc này, Bác đã ân cần đề nghị: “Bác sẽ tác hợp cho hai cháu nhé?” rồi lấy giấy bút, viết: “Bác Hồ xác nhận cho Hồng Phú Ngữ và Trần Thị Hãnh thành hôn với nhau”. Sau đó, Bác ký tên, chuyển cho Tổng cục chính trị đóng dấu.
“Chúng tôi may mắn được Bác Hồ tác hợp nên rất trân trọng mối lương duyên này. Bao nhiêu năm thăng trầm cùng đất nước, đến giờ chúng tôi vẫn hạnh phúc bên nhau và luôn tri ân tấm lòng của Người”, bà Hãnh vừa ân cần sửa lại cổ áo cho chồng vừa nói.
Với những cống hiến cho đất nước, vợ chồng ông Hồng Phú Ngữ đã được nhà nước tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Ngày 31/8, nhân dịp kỷ niệm 65 năm Cách Mạng Tháng 8, Quốc khánh 2/9, ông Ngữ tiếp tục được vinh danh và nhận danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” do Chủ tịch nước trao tặng.
Theo Vũ Mai (VNE)