"Biển người" đón mừng ngày Quốc khánh (Ảnh tư liệu: TTXVN)
Gần bốn thập kỷ đã qua nhưng những hình ảnh, câu chuyện về ngày Quốc khánh đầu sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Sài Gòn vẫn vẹn nguyên trong ký ức những cựu chiến binh Đoàn 367 đặc công-biệt động (thuộc Bộ Tham mưu Miền (B2) - Quân giải phóng miền Nam).
Ngày Tết vắng bóng Cha
Ký ức hiện về như thước phim quay chậm mở ra trước mắt Đại tá Nguyễn Ngọc Thành. “Ngày hôm ấy, tiếng cười, niềm hân hoan hòa trong tiếng nấc nghẹn khi lần đầu tiên, người dân Sài Gòn được đón mừng ngày Quốc khánh khi đất nước hoàn toàn thống nhất,” ông kể.
Khi đó, Đoàn 367 đặc công-biệt động làm nhiệm vụ bảo vệ, chống lực lượng tàn dư của địch phá hoại tại một số vị trí xung yếu như cầu Thị Nghè, sông Sài Gòn… “Những đoàn người nối dài, cờ hoa rợp phố. Họ cùng nắm tay nhau, hát vang. Nụ cười rạng rỡ trên môi những người trẻ, nước mắt hạnh phúc lăn dài trên gương mặt người già,” bàn tay nắm chặt, người cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thành nhớ lại.
Trong ký ức của ông, từ khoảng một tuần trước ngày Quốc khánh năm ấy, khắp các công xưởng, nhà máy, trường học… đều rộn vang tiếng hát. Trái tim như đập cùng một nhịp, những người trí thức, các bác công nhân… cùng ca vang những bài hát về mùa Thu cách mạng, về vị Cha già của dân tộc như “19 tháng 8,” “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”…
“Mỗi người như được tiếp thêm một nguồn năng lượng mới. Không khí làm việc khẩn trương, hối hả hơn. Tất cả cùng náo nức đón đợi ngày Tết Độc lập. Niềm vui sướng, hân hoan hiện rõ trên từng khuôn mặt,” người chiến sỹ Đoàn 367 đặc công-biệt động năm xưa kể, giọng hồ hởi.
Nói rồi, người lính già ấy bỗng lặng đi chừng vài phút. Đôi tay ông run run, đôi mắt nhòe lệ. “Giá như ngày hôm ấy, nhân dân miền Nam được đón Bác vào mừng ngày Quốc khánh trong không khí toàn thắng đã về ta thì niềm vui của đồng bào, chiến sỹ được trọn vẹn hơn biết bao!” giọng ông chùng xuống, run run.
Ngày Tết vắng bóng Cha! Nhân dân miền Nam mong chờ được “đón Bác vào thăm, thấy Bác cười” nhưng Bác đã mãi đi xa trước ngày đất nước thống nhất, giang sơn thu về một mối.
“Trong những giờ phút thiêng liêng ấy, hòa cùng với niềm hân hoan, vui sướng là nỗi xót xa, tiếc nuối. Nhân dân mong mỏi được gặp Người trong ngày đất nước không còn tiếng súng nhưng ước vọng đó không thành. Họ đã khóc. Sài Gòn khóc-cười, cười-khóc đan xen trong ngày hôm ấy,” giữa mùa Thu Hà Nội, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Thành nhớ về không khí ngày Quốc khánh đầu tiên sau giải phóng hoàn toàn miền Nam ở Sài Gòn.
Thấm thía sự hy sinh
Trong những câu chuyện của cựu chiến binh Phạm Đức Thăng (Đoàn 367 đặc công-biệt động), ký ức về ngày 2/9/1975 ở Sài Gòn là khi nhân dân miền Nam thấm thía sâu sắc hơn sự hy sinh của hậu phương miền Bắc trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ác liệt.
Bác Thăng kể, đúng dịp Quốc khánh 2/9/1975, Đoàn ca múa nhân dân Trung ương từ ngoài Bắc vào biểu diễn phục vụ đồng bào miền Nam.
“Lần đầu tiên được xem nghệ sỹ miền Bắc biểu diễn, người dân Sài Gòn khi ấy vô cùng háo hức, tò mò. Họ hẹn nhau đi thật sớm để có chỗ ngồi ở những vị trí hàng đầu, gần sân khấu biểu diễn. Khi xem xong rồi, họ vỡ òa niềm vui, phấn khởi,” người cựu chiến binh Đoàn 367 đặc công-biệt động hồi tưởng.
Sài Gòn sống trong không khí náo nức của ngày hội. Đường sá tấp nập, tiếng cười rộn vang khắp các phố phường.
Theo lời kể của cựu chiến binh Phạm Đức Thăng, dịp ấy, nhân dân Sài Gòn còn được thưởng thức những tiết mục trình diễn của Nhà hát Giao hưởng-hợp xướng-nhạc vũ kịch Việt Nam. Hơn 100 nghệ sỹ đã trình tấu những bản giao hưởng nổi tiếng thế giới như “Giao hưởng số 5” (Beethoven), “Giao hưởng số 8” (Schubert) và những bản nhạc giao hưởng Việt Nam như “Tây Nguyên chiến thắng” (Nguyễn Văn Thương)…
Mạch truyện nối dài, bác Phạm Đức Thăng nhớ lại, đồng bào miền Nam say sưa với chương trình biểu diễn của Đoàn ca múa nhân dân Trung ương và không khỏi ngỡ ngàng trước sự hoành tráng của dàn nhạc giao hưởng.
“Sau mỗi tiết mục biểu diễn của các nghệ sỹ là những tràng pháo tay, tiếng hò reo tán thưởng vang dội, kèm theo sự thán phục: Suốt những năm thắng ‘cơm vắt, ngủ hầm,’ chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam nhưng nhân dân miền Bắc vẫn miệt mài, nỗ lực xây dựng và phát triển mặt trận văn hóa-nghệ thuật,” đôi mắt ánh lên niềm vui sướng, tự hào, bác Thăng hồi tưởng.
Làm nhiệm vụ chốt giữ ở khu vực cầu Thị Nghè trong buổi sáng 2/9 năm ấy, người chiến sỹ Phạm Đức Thăng không giấu được niềm xúc động, tự hào: “Càng vui sướng, hân hoan bao nhiêu, người ta lại càng cảm phục, thấm thía sự hy sinh, vượt khó của quân dân miền Bắc bấy nhiêu. ‘Hơn cả thiêng liêng!’ - đó là không khí của Tết Độc lập đầu tiên giữa Sài Gòn sau ngày đất nước thống nhất.”.
Theo An Ngọc (Vietnam+)