Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54/2017, sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2023. Lãnh đạo các quận, phường và cử tri trên địa bàn đã bày tỏ niềm vui khi TP được Quốc hội trao quyền nhiều hơn, chủ động hơn trong các chính sách phát triển, đặc biệt là về vấn đề nhân sự.
Gỡ áp lực về biên chế cho xã, phường đông dân
Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND quận 10 Nguyễn Thị Thu Hường kỳ vọng nghị quyết mới sẽ giúp tháo gỡ được những điểm nghẽn đang kìm hãm sự phát triển, giúp khơi thông các nguồn lực, tạo đà vươn lên cho TP.
Bà cũng đặt niềm tin nghị quyết mới sẽ hình thành khuôn khổ pháp luật, tạo không gian cho sự đột phá để TP đi trước, hành động trước và về đích trước.
“Chúng tôi mong khi thực hiện nghị quyết mới, TP sẽ tăng cường phân cấp, phân quyền cho quận nhiều hơn nhằm tạo sự chủ động, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Từ đó, kiện toàn sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn” - bà Hường nói.
Để bắt tay ngay vào thực hiện nghị quyết mới, chủ tịch UBND quận 10 cho biết địa phương đã rà soát, làm rõ chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên có kiểm tra để đánh giá về công tác, năng lực của cán bộ.
“Quận 10 đã đề ra các giải pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung và khơi dậy tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Khi nghị quyết thông qua là chúng tôi bắt tay vào làm ngay” - bà Hường khẳng định.
|
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) trao đổi với đại biểu Quốc hội Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP.HCM) trong một buổi tiếp xúc cử tri hồi tháng 5 vừa qua. Ảnh: LÊ THOA |
Tại TP.HCM, xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) là một trong những địa bàn có số dân thuộc nhóm đứng đầu với hơn 146.000 người. Với 34 biên chế, mỗi ngày xã tiếp nhận khoảng 400 hồ sơ nên cán bộ, công chức xã luôn trong tình trạng quá tải.
Vì vậy, khi nghị quyết mới về cơ chế đột phá cho TP.HCM được thông qua, bà Trần Thị Thái Nguyên, Chủ tịch xã Vĩnh Lộc B, nói rất vui mừng và mong sẽ giải quyết phần nào áp lực cho xã về công tác cán bộ.
Bà Nguyên cho hay cán bộ, công chức ở xã Vĩnh Lộc B hiện phải đảm nhận ít nhất 3-4 đầu việc. “Biên chế ít nhưng khối lượng công việc lớn nên cán bộ xã rất áp lực” - bà Nguyên nói và kỳ vọng nghị quyết mới sẽ giúp xã gỡ khó, giảm tải áp lực cho cán bộ, đồng thời giữ chân họ ở lại làm việc lâu dài.
Theo bà Nguyên, một nội dung đáng chú ý trong nghị quyết mới là UBND huyện và phường, xã, thị trấn được tăng từ hai lên ba phó chủ tịch. “Đây là cơ chế rất thiết thực, giúp gỡ nhiều điểm nghẽn để có thể phục vụ người dân tốt hơn” - bà Nguyên nói.
Lần đầu có một nghị quyết khá đầy đủ
Cử tri Nguyễn Hữu Châu (quận 3) nhìn nhận nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới đột phá, đặc biệt là cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính - ngân sách, bởi suy cho cùng TP.HCM muốn phát triển thì phải có tiền. Ông cho rằng những cơ chế mới sẽ giúp TP giải quyết các khó khăn lâu nay về hạ tầng, giao thông, đô thị, giúp thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Đáng chú ý, cử tri Châu bày tỏ vui mừng khi nghị quyết mới đã trao quyền cho TP.HCM chủ động về biên chế phường, xã phù hợp với dân số, khối lượng công việc… và có chính sách đặc biệt cho TP Thủ Đức. “Đây là điều TP.HCM rất cần, rất trông mong lúc này” - ông Châu nói và đánh giá đây là lần đầu tiên có một nghị quyết khá đầy đủ giúp cho TP.HCM phát triển nhưng không chỉ vì TP mà còn vì sự phát triển chung của vùng, của cả nước.
Góp ý cho chính quyền TP.HCM trong triển khai thực hiện nghị quyết, ông Nguyễn Hữu Châu cho rằng con người là khâu quan trọng hàng đầu. Ông đề nghị cần làm tốt công tác cán bộ, phải tránh cho được tình trạng bè cánh, phe nhóm, đặc biệt cán bộ phải đủ trình độ vì nếu không sẽ dễ mắc sai lầm, tiêu cực, suy thoái...
Cử tri Trần Việt Trung (TP Thủ Đức) cũng đánh giá nghị quyết mới được thông qua đã cởi trói và mở ra cho TP.HCM nhiều cơ hội phát triển. Theo ông, yêu cầu đặt ra là đội ngũ cán bộ phải dám quyết, dám làm. Điều quan trọng nhất là từng sở, ngành cần có sự chủ động trong công việc, cởi mở hơn với doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp cùng tham gia thực hiện nghị quyết mới. “Khi cộng đồng doanh nghiệp cùng vào cuộc, tâm thế và nguồn lực của chúng ta cũng sẽ mạnh hơn” - ông Trung nói.
Ông Trung cũng cho rằng nghị quyết mới đã có những cơ chế thông thoáng để thúc đẩy việc phát triển TP Thủ Đức. Bởi khi chính quyền được chủ động về nhân sự sẽ phần nào giải quyết được vấn đề quá tải công việc, thiếu nhân lực.
Một vấn đề khác cần giải quyết của TP Thủ Đức là hạ tầng giao thông. Các tuyến đường tại địa bàn là huyết mạch kết nối với các vùng lân cận để phát triển các cảng, hệ thống logistics… Do đó, cơ chế mới giúp TP Thủ Đức thu hút được nhiều nhà đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông… góp phần vào sự phát triển chung của TP.HCM.
Còn cử tri Nguyễn Tấn Phước (TP Thủ Đức) kỳ vọng TP.HCM và TP Thủ Đức sẽ sử dụng cơ chế được trao quyền trong nghị quyết mới để giải quyết những tồn tại đang hiện hữu. Ông cũng mong muốn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức - những người trực tiếp thực thi có đủ tâm, đủ tài, sâu sát và lắng nghe những phản ánh của người dân trong quá trình thực hiện nghị quyết mới.
Ông Ngô Văn Hồng (quận 12) bày tỏ mong muốn TP tăng cường công tác cán bộ, có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm; có cơ chế giao quyền để người dân giám sát việc thực hiện các chính sách, dự án. Ông đề nghị các đại biểu - người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân khi biểu quyết thông qua một dự án, chính sách nào thì cần xem xét kỹ lưỡng và phải xuất phát từ lợi ích của người dân.
BT, BOT được gỡ, nhiều dự án cấp bách được thông
Tôi rất đồng tình và ủng hộ những chính sách về quản lý đầu tư trong nghị quyết mới cho TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua, nhất là việc được áp dụng loại hợp đồng BT và BOT.
Đối với việc được áp dụng loại hợp đồng BT, theo tôi biết trước đây chỉ sử dụng tài sản công để thanh toán, tuy nhiên việc xác định giá trị quỹ đất để thanh toán có nhiều khó khăn, vướng mắc. Với cơ chế mới là thí điểm sử dụng tiền ngân sách để thanh toán sẽ tạo điều kiện cho TP huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện các dự án giao thống cấp bách.
|
Dự án cầu Tân Kỳ, Tân Quý do vướng pháp lý nên không thực hiện theo hình thức BOT, được phải chuyển sang đầu tư từ ngân sách. Ảnh: LINH PHƯƠNG |
Từ đó, nhiều dự án sẽ được triển khai thực hiện, giúp kết nối giao thông, đi lại của người dân được thuận lợi hơn, thương mại dịch vụ cũng phát triển, đời sống của người dân được nâng cao.
Đối với các dự án BOT, trước đây chỉ thực hiện với các dự án xây dựng mới, nay mở rộng với dự án nâng cấp, mở rộng cũng giúp tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông. Qua đó, TP sẽ huy động được nhiều nguồn lực hơn để thực hiện dự án, nhiều tuyến đường được nâng cấp, mở rộng, giải quyết cơ bản tình trạng kẹt xe.
Chẳng hạn, trên địa bàn quận Bình Tân có dự án cầu Tân Kỳ, Tân Quý do vướng pháp lý nên không thực hiện theo hình thức BOT được phải chuyển sang đầu tư từ ngân sách, khiến dự án chậm trễ hơn năm năm.
Do vậy, tôi mong các chủ trương và chính sách được TP triển khai một cách cụ thể, hiệu quả, nhanh chóng và đúng kế hoạch, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển cũng như đảm bảo lợi ích của người dân…
Cử tri BÙI QUANG KHƯƠNG, quận Bình Tân