Mang “cơn sốt” đất về làng
Xã Ngọc Vân, nơi từng được coi là “tâm bão”, là “rốn ma túy” một thời của tỉnh Bắc Giang, cũng là một trong những mảnh đất nổi tiếng gắn với độ ăn chơi của những đại gia lắm tiền, nhiều của. Thời hoàng kim, nơi đây đã chứng kiến sự thể hiện của không ít đại gia với những thú vui “tiêu tiền như giấy”, “vàng chất thành núi”... khét tiếng.
Nhiều biệt thự liên tiếp mọc lên, trong đó có những căn biệt thự được so sánh với cung điện của bậc vương giả thời xưa. Điển hình phải kể đến là ngôi biệt thự của trùm ma túy Nguyễn Văn Thi. Đây là một quần thể kiến trúc biệt thự hiện đại, tọa lạc trên diện tích 7.000m2 đất, được thiết kế cầu kỳ. Bao bọc bên ngoài là bờ tường dây thép gai có gắn xung điện giống lối kiến trúc của Vạn lý trường thành ở Trung Quốc. Bức tường cao dày, có lối đi bên trên và người canh gác, bên trong lại được bố trí những đường hầm bí ẩn. Tuy nhiên, từ khi ông trùm ma túy này bị bắt, không còn ai dám lai vãng đến ngôi biệt thự... Tiếng tăm giàu có, độ chịu chơi của đại gia ma túy Ngọc Vân thời đó, không ai là không biết.
Đặc biệt, từng có một thời, chính những đại gia của ngôi làng gieo rắc cái chết trắng này đã làm bùng phát cơn sốt đất, vốn chưa từng xuất hiện tại một số làng quê ven xã Ngọc Vân. Cho tới tận giờ, dù chủ nhân của những thửa đất “nóng” năm nào, có người đã ngồi trong nhà giam thụ án, có người đã mất vì gieo rắc “cái chết trắng”, những mảnh đất “vàng” nằm trơ trọi, không rõ chủ, nhưng ông Nguyễn Văn Thụ (một cao niên tại thôn Ngọc Thành 2, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, Bắc Giang) vẫn còn nhớ như in chuyện 4 - 5 năm về trước.
Mảnh đất quê thuần nông Ngọc Thành 2 vốn yên ả, bỗng chốc bị xáo trộn và trở thành tâm điểm của cơn sốt đất khi xuất hiện bóng dáng của những đại gia sẵn tiền tìm về mua. “Đất làng quê vốn có thể xin cho, bỗng nhiên trở nên có giá hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng một mét vuông nên người dân ai nấy đều ngạc nhiên”, ông Thụ cho biết.
Ông Thụ kể tiếp, đầu tiên, trong làng xuất hiện một số xe hơi lạ, có cả biển số Hà Nội, Bắc Giang tụ tập ở một số tuyến đường ven tỉnh lộ. Hỏi ra, nhiều người làng biết được họ là dân có tiền nên muốn về quê tậu đất, làm nơi nghỉ dưỡng. “Dân trong làng mừng lắm, nhiều người may mắn bỗng chốc đổi đời, khi có mảnh đất lọt vào mắt xanh của đại gia”, ông Thụ nói thêm.
Đôi rồng chầu trong biệt thự của trùm ma túy Nguyễn Văn Thi, hiện vẫn được đặt ở sân nhà. |
Điều đáng nói, khi mua đất, họ không hề hỏi chuyện giá cả, mà chỉ cần bán là họ mua, không hề kì kèo. Nghĩ là họ nhiều tiền nên nhiều người chỉ biết bán đất chứ cũng không quan tâm xem họ là ai. Chỉ đến khi một vài người dân trong làng đi xa mới biết chuyện, những đại gia về làng mua đất không phải ai xa lạ mà chính là những người hàng xóm giàu có ở làng bên - xã Ngọc Vân. Nhiều người khi đó mới ngã ngửa.
Tiếng là hai xã khác huyện, nhưng xã Ngọc Sơn và xã Ngọc Vân lại có vị trí liền kề, chỉ cách nhau mấy bờ ruộng. Hơn nữa, chạy qua địa phận xã Ngọc Sơn là một số tuyến đường tỉnh 295, 298 phục vụ các khu công nghiệp tại các huyện Hiệp Hòa, Tân Yên; tương lai, Ngọc Sơn rất giàu tiềm năng phát triển. Sẵn tiền, nhiều đại gia tại Ngọc Vân ùn ùn kéo về đầu cơ, làm nóng cơn “sốt” đất, vốn chưa từng xuất hiện tại làng quê thuần nông này.
Bi kịch của “làng” triệu phú
Từng là một trong số ít địa phương có nhiều đại gia với những kiểu tiêu tiền không giống ai, thế nhưng, khi “cơn lốc” buôn bán ma túy bị càn quét, nhiều “đại gia” ma túy sa lưới pháp luật, để lại phía sau đó là những tấn bi kịch... Về Ngọc Vân, chứng kiến những cảnh đời mẹ góa, con côi, ông bà tần tảo nuôi cháu vì con cái đã ở tù... không phải là hiếm gặp.
Xã Ngọc Vân từ lâu đã trở thành trạm trung chuyển ma túy lớn nhất miền Bắc. Từ đây, ma túy được tập kết và vận chuyển lên Lạng Sơn để đưa sang nước ngoài hoặc đưa từ bên ngoài vào phát tán trong nước. Nhớ lại thời điểm đó, ông Thân Nhân Hoành - Chủ tịch UBND xã Ngọc Vân - không giấu nổi nỗi xót xa: Ở Ngọc Vân, cứ nhà nào có người đi tù thì tới 90% là do án ma túy. Nói về ma lực của cái nghề gieo rắc “cái chết trắng”, theo ông Hoàng, nhiều đối tượng khi bị bắt không hề giấu giếm cho biết, với mỗi bánh heroin chuyển từ khu vực cửa khẩu phía Bắc về Bắc Giang, các đối tượng lãi hàng chục triệu đồng, thậm chí là tính bằng tiền đô. “Lợi như vậy nên nhiều người sáng mắt mà quên đi những bản án khắc nghiệt dành cho kẻ gieo rắc “cái chết trắng” và họ cũng quên luôn cả những người thân, gia đình, họ hàng”, ông Hoành nói thêm.
Gia cảnh khó khăn của chị Nguyễn Thị Thủy - vợ của tử tù Thân Nhân Thịnh. |
Xót xa hơn, theo ông Nguyễn Hữu Túc - một cao niên trong làng từng chứng kiến những đổi thay ở Ngọc Vân qua hai thế kỷ, ở làng, chuyện lĩnh án tử hình hay chung thân từ thế hệ cha ông đến con cháu không phải chuyện hiếm. Một thập kỷ trở lại đây, năm nào Ngọc Vân cũng có người bị tuyên án tử hình vì ma túy. Ông Túc cũng cho biết, nếu hỏi ai là người đã đem cái chết trắng về làng đầu tiên thì nhiều người không nhớ, nhưng nếu hỏi những ai đã bị cuốn vào con đường tội lỗi này, mọi người đều kể vanh vách. “Vào thời điểm cao nhất, toàn xã có tới gần 200 đối tượng chuyên buôn bán ma túy. Người lạ vào làng lúc đó, nhìn đâu cũng như thấy tội phạm”, ông Túc cho hay.
Vừa nói, giọng ông lão trùng lại rồi ông thở dài như than trách. Ông bảo, người Ngọc Vân vốn lành lắm, quanh năm chỉ biết có đồng ruộng, nào biết việc buôn bán. Trước khi con bão ma túy cuốn qua làng, cả làng hầu như không có tệ nạn gì. “Khởi nguồn cái nghề này là từ một người phụ nữ tên Ca quê ở Bắc Ninh lấy chồng về Ngọc Vân, chứ bản chất người Ngọc Vân vốn thật thà lắm”, ông lão nói như phân trần.
Giờ đây, chỉ riêng việc người Ngọc Vân đi đến đâu cũng bị những ánh mắt xoi mói, nhòm ngó, thậm chí là bị phân biệt, đối xử cũng đủ để khiến cho những người dân tại làng thấy nghẹn ngào, tủi hổ. Không thiếu người đã phải thoát ly, bỏ cả gia đình, người thân dính đến ma túy mà đi nơi khác để mong rửa sạch quá khứ. Người ngoài, chẳng ai muốn liên quan đến Ngọc Vân. Vô hình, Ngọc Vân bị cô lập và bị coi là “ốc đảo ma túy”, mà hễ nhắc đến, người ta lại tránh như một thứ dịch bệnh lây lan.
Từ nỗi đau chung, không ít gia đình tại Ngọc Vân vẫn khắc khoải với nỗi đau mất chồng, mất vợ, mất con, mà thủ phạm không ai khác chính là “cơn ác mộng” ma túy. Có người đã gục ngã, hoặc trượt dài vì không thể vượt bóng ma ma túy. Như trường hợp gia đình Hồ Viết Liên đang phải đi cải tạo cả nhà vì buôn ma túy quy mô lớn; các con của đối tượng Dương Ngô Vân cũng nối gót bố mẹ, rẽ theo con đường buôn bán ma túy...
Nhưng vẫn có những kết thúc có hậu với những thân nhân của tội phạm ma túy. Điển hình như trường hợp gia đình tử tù dính án ma túy Nguyễn Thị Mai, chồng chịu án chung thân, nhưng hai người con, dưới sự yêu thương của ông bà, đã vững vàng bước tiếp, vượt qua mặc cảm. Ngôi nhà cấp 4 lụp xụp của tử tù Thân Nhân Thịnh là nơi ở của chị Nguyễn Thị Thủy - vợ đối tượng - và các con. Từ ngày chồng dính án ma túy, rồi bỏ đi biệt xứ cho tới khi chồng mất, chị vẫn gắng gượng làm thuê, nuôi các con khôn lớn...
Dứt câu chuyện với chúng tôi, vị chủ tịch xã Ngọc Vân buông tiếng thở dài: "Tình trạng buôn bán ma túy ở Ngọc Vân giảm rồi, nhưng an ninh trong xã vẫn luôn đặt trong tình trạng đặc biệt, đề phòng “dịch” buôn bán ma túy có thể bùng phát".
Theo BÌNH MINH (Lao Động)