Hôm ấy, vào một buổi trưa cuối năm 1995, thằng con trai ông làm việc trên huyện ủy vừa về đến cổng đã reo to: “Cả nhà ơi! Ba được phong Anh hùng đây này!”. Nó chạy thẳng ra vườn, nơi ông đang làm cỏ càphê, giở tờ báo Quân đội Nhân dân ra đọc to cho ông nghe. Sững sờ, không tin đó là sự thật, ông bỏ cuốc vào nhà lấy kính để đọc. Đúng rồi! Đúng cả họ tên lẫn quê quán… Chỉ vài ngày sau, lúc ấy là cuối năm 1995, ông nhận được quyết định và giấy mời về tỉnh nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Một niềm vui quá bất ngờ, quá lớn mà ông chưa bao giờ nghĩ tới trong cuộc đời làm cách mạng của mình khi ông đã bước sang tuổi 70.
Tên ông là Trần Dũng, quê ở xã Đức Chánh, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trú quán thôn 7, xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum. Trong 21 năm của hai cuộc kháng chiến gian khổ cùng dân tộc, từ năm 1954 đến năm 1975, ông đã làm giao liên trong rừng sâu núi cao giữa bạt ngàn rừng núi Tây Nguyên với những câu chuyện như trong huyền thoại.
Trước khi về hưu năm 1979, ông là Trưởng ty Bưu điện tỉnh Gia Lai - Kon Tum. Làm đến Trưởng ty mà đến lúc về hưu, tài sản của ông chỉ vỏn vẹn một chiếc balô. Cầm quyết định nghỉ hưu trên tay, ông dời nơi làm việc. Cùng với người vợ là Y Nây (người dân tộc Xơ Đăng), vợ cõng một thằng, chồng dắt một đứa, đi bộ hơn 30 cây số từ thị xã Kon Tum về xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà. Từ đấy, vợ chồng ông bắt đầu khai cơ lập nghiệp giữa thâm u núi rừng. Ông nghĩ cuộc đời mình đã toại nguyện lắm rồi, thời trai trẻ dấn thân, hiến dâng cho cách mạng, bây giờ nghỉ hưu phải có trách nhiệm gầy dựng cuộc sống cho gia đình. Ông không bao giờ nghĩ mình lại trở thành anh hùng.
Xông pha một thời trai trẻ
Hồi đầu mới tham gia cách mạng, Trần Dũng là chiến sĩ trinh sát, sau đó được giao nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Tỉnh ủy Kon Tum và làm công tác giao thông liên lạc. Công việc chính của ông là soi đường, dẫn lối đưa tin tức từ tỉnh đến cơ sở và báo cáo lại với tỉnh.
Là một thanh niên to lớn, khỏe mạnh, đoạn đường rừng núi giữa đại ngàn Tây Nguyên khi ấy từ trạm này sang trạm khác, anh em trong đơn vị đi hết một ngày thì ông đi chỉ non một buổi. Đi khỏe nên ăn cũng khỏe. Một bữa, Trần Dũng ở nhà nấu 7 lon gạo cho cả tổ ăn. Nhưng anh em không ai về, thế là một mình Trần Dũng ăn sạch cả nồi. Từ đó anh em gọi đùa là Bảy (tức là 7 lon gạo), rồi gắn với vóc người cao lớn mà thành danh “Bảy Cao” từ ấy. Đến bây giờ, nếu gọi Trần Dũng thì rất ít người biết, còn tên Bảy Cao thì cả huyện đều quen.
Đã có hàng trăm chiến công của người chiến sĩ giao liên này lập nên, sao mà nói hết được. Từ năm 1955 đến 1959, ngoài công việc giao bưu của tỉnh, Bảy Cao còn được phụ trách đường dây của Trung ương đi qua tỉnh Kon Tum. Trên địa bàn Kon Tum, từ phía Nam giáp với tỉnh Gia Lai đến phía Bắc giáp tỉnh Quảng Nam, Bảy Cao lập 6 trạm thông tin liên lạc (Đăk Pét, Đăk Xơ Hó, Tu Than, Kon Chôn, Kon Plin, Kon Biên) dài trên chặng đường trên 200 cây số. Ngày ngày, ông đi lại như con thoi, mang tin tức liên lạc giữa các trạm phục vụ chiến trường.
Vào đầu mùa mưa năm 1959, đồng chí Trần Kiên (nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Trung ương - đã mất) - lúc ấy là người chỉ huy - gọi Bảy Cao lên giao nhiệm vụ phải về Khu ủy Khu 5 đóng ở huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam để nhận một chuyến hàng đặc biệt của tỉnh. Sau hai ngày băng rừng lội suối, Bảy Cao về đến điểm hẹn.
Sau hàng loạt các thủ tục mật mã, đến tối, một người không rõ mặt giao cho một cục hàng lớn. Bảy Cao không biết là hàng gì mà chỉ nghĩ trong bụng: “Đó là hàng đặc biệt”. Thế là lại hơn 2 ngày một mình vượt rừng, ông đã đưa được chuyến hàng đặc biệt ấy về đến Tỉnh ủy Kon Tum an toàn. Mãi sau này, ông mới biết, trong thùng đó là 30kg vàng và rất nhiều tiền của Khu ủy cấp cho tỉnh, tiếp viện cho chiến trường Kon Tum.
Đã biết bao nhiêu lần ông nhận trách nhiệm đưa đường dẫn các đồng chí lãnh đạo cao cấp, các đoàn công tác của Trung ương, Khu ủy và Tỉnh ủy đi công tác an toàn trong những ngày kháng chiến gian khổ. Ông nhớ có một lần đưa đoàn cán bộ trên 50 người đi qua vùng kiểm soát gắt gao của địch, trong đó có các đồng chí Võ Chí Công (cố Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, khi ấy là Bí thư Khu ủy Khu 5), Bùi San (khi ấy là Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum)… Lúc ấy, địa hình phức tạp và an ninh nguy hiểm - thường được gọi là “vùng trắng”, cây rừng rậm rạp, nếu chừng ấy người đi sẽ để lại dấu vết, địch phát hiện là rất nguy hiểm. Bảy Cao đã nghĩ ra một kế nhằm xóa dấu vết, ông nhờ một ông già là người dân tộc thiểu số quen đường chỉ lối. Gà gáy lần đầu, Bảy Cao dẫn đoàn người đi qua “vùng trắng”. Tất cả đều được quán triệt không được bẻ cây cối dọc đường đi và không được chống gậy sâu. Đoàn vừa đi qua, ông già người dân tộc huy động trên 100 con trâu của tất cả các làng xung quanh lùa theo để xóa dấu vết. Thế là thành công!
Trở về với buôn làng
Lần cuối cùng, tôi gặp lại Anh hùng Trần Dũng khi ông đã bước sang tuổi 78, còn nay ông đã mất cách đây vài năm. Khi ấy, ông tâm sự: “Từ ngày được phong Anh hùng đến giờ, mình thường xuyên phải đi họp, kể ra cũng mệt lắm, nhưng nghĩ đến cái tình, cái nghĩa nên cũng gắng đi”. Cuộc họp mặt truyền thống nào ở huyện, ở tỉnh, có khi cả toàn quốc nữa, ông cũng được mời dự. Xe ôtô đón đi lại đưa về, nhưng ông không thích bằng ở nhà, hai vợ chồng chăm sóc vườn cây càphê, nuôi heo và thả cá.
Ngôi nhà cấp bốn của vợ chồng ông nằm trên sườn núi thuộc xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà xem ra cũng thoáng mát, sạch sẽ lắm. Ông bà trồng được 600 cây càphê đã cho thu hoạch; 2,5 sào lúa nước mỗi năm thu được hơn 3 tấn, còn thêm 9 con heo và gần 500 con cá… Tổng thu của gia đình ông được trên 100 triệu đồng mỗi năm, gọi là đủ ăn. Được cái bà vợ người dân tộc Xơ Đăng của ông cũng chịu thương chịu khó, nhất mực thương chồng, chăm chút cho ông những lúc trở trời cũng như khi cơn đau tim của ông rình rập.
Trước đây, chính quyền huyện Đak Hà đã làm cho ông ngôi nhà tình nghĩa khang trang lắm ở trên phố huyện. Ông bảo: “Mình ở đâu mà chả được, suốt đời gắn bó với cái rừng, cái rẫy, với bà con Xơ Đăng rồi, bây giờ lên phố huyện ở thì nhớ lắm. Thôi, mình vẫn ở đây với bà con Đăk Ui vậy!”.
Nắm chặt tay ông lúc chia tay, đêm về trên vùng cao xã Đăk Ui, ánh sáng điện tỏa sáng mọi nhà. Trên ngọn cây Kơ Nia ở đầu làng, chiếc loa truyền thanh vang lên bài hát “Đường tôi đi dài theo đất nước’’ của nhạc sĩ Vũ Trọng Hối vang lên: “Đời tôi như những con thoi… Đời tôi như cánh chim bay… Dẫu thác lũ băng băng, dẫu bão núi giông rừng. Dù đường trơn trời nghiêng hề chi, đường Trường Sơn từng qua nhịp đi, những bước chân coi khinh gian nguy…”. Càng nghe, tôi càng khâm phục và kính trọng một con người - Anh hùng Trần Dũng.
Theo NGUYỄN NGỌC DIỄM (Lao Động)