Thực tế không như những gì được kể trong bộ phim nhiều tập Homeland nói về nữ điệp viên CIA đang chiếu trên truyền hình Mỹ…
Có đổi tình lấy tin không?
Trong bài viết trên The Daily Beast, cựu nữ điệp viên Valerie Wilson (từng bị tiết lộ vỏ bọc vào năm 2003 trong scandal liên quan đổng lý văn phòng Nhà Trắng Karl Rove thời George W. Bush) thuật rằng không biết bao nhiêu lần bà gặp các câu hỏi đại loại có chấp nhận “mua” nguồn tin bằng cách trao đổi thân xác không, bà có luôn mang theo súng hoặc từng giết người chưa, rằng có phải CIA sử dụng điệp viên nữ như những bình hoa trang điểm cho cơ quan này…
Tuy nhiên, ngay từ những năm đầu lịch sử, tình báo Mỹ đã không thiếu các gương mặt nữ hoạt động điệp vụ với sự lì lợm và gan góc không thua đồng nghiệp nam. Huyền thoại Virginia Hall là một ví dụ. Từng học ĐH Radcliffe và ĐH Barnard, Hall còn học thêm tại Pháp, Đức, Áo và sau đó làm thư ký cho tòa đại sứ Mỹ tại Warsaw (Ba Lan). Năm 1932, Hall gặp tai nạn bởi bị súng “cướp cò” bắn vào chân trái trong khi đi săn tại Thổ Nhĩ Kỳ. Thế chiến thứ hai bùng nổ, Hall gia nhập Vụ Tình báo chiến lược Hoa Kỳ (OSS, tiền thân CIA). Với cái chân giả, Hall vẫn nhảy dù xuống Pháp, bắt liên lạc với lực lượng kháng chiến nước này. Không chỉ vẽ bản đồ, lập cơ sở an toàn, Hall còn trực tiếp huấn luyện ba tiểu đoàn kháng chiến. Bà tỏ ra đáng sợ đến mức Gestapo đánh giá Hall là “một trong những điệp viên nguy hiểm nhất phe Đồng minh” và rằng “chúng ta phải tìm và giết mụ ấy bằng bất cứ giá nào”. Có lần bà suýt chết trong gang tấc khi thoát được mẻ lưới bủa vây tại vùng núi Pyrénées. Không chùn bước, nhóm của bà liên tục tổ chức nhiều cuộc tấn công, phá cầu đường, chặt dây điện thoại và thực hiện các cuộc đánh du kích… Sau chiến tranh, Hall được vinh danh như một trong những người hùng nổi bật, không chỉ với làng tình báo Mỹ…
Cựu điệp viên CIA lừng danh Lindsay Moran.
Thời hiện đại, CIA vẫn không thiếu gương mặt nữ gan lì. Melissa Boyle Mahle chẳng hạn - tác giả quyển hồi ký tự thuật Denial and Deception: An Insider’s View of the CIA From Iran-Contra to 9/11 (Sự phủ nhận và lường gạt - một cái nhìn từ bên trong về CIA từ sự kiện Iran-Contra đến vụ khủng bố 11-9). Tốt nghiệp cử nhân Cận Đông học ĐH California-Berkeley rồi lấy bằng thạc sĩ quốc tế vụ thuộc Trường công vụ quốc tế Columbia, Mahle dự tuyển vào CIA năm 1988, trở thành một trong những viên chức CIA hiếm hoi thành thục ngôn ngữ Arab. Sau thời gian đầu hoạt động với tư cách điệp viên, Mahle được bổ nhiệm làm chánh văn phòng CIA tại Jerusalem. Không chỉ xây dựng thành công mạng lưới cung cấp nguồn tin cho tình báo Mỹ, Mahle còn có vai trò quan trọng trong việc tổ chức công tác an ninh cho các cuộc gặp giữa Tổng thống Bill Clinton và lãnh đạo PLO Yasser Arafat…
Học nghề trong môi trường khắc nghiệt
Với các điệp viên nữ, sự khắc nghiệt trong môi trường tình báo đã thể hiện ngay ở thời gian “học nghề” tại “nông trại” - từ lóng chỉ trung tâm huấn luyện CIA. Trong Blowing My Cover - My Life as a CIA Spy (Phá vỡ lớp vỏ bọc - Đời làm điệp viên CIA của tôi) phát hành năm 2004, cựu nữ điệp viên Lindsay Moran đã tiết lộ một số chi tiết liên quan thời gian này. Trong một bài tập tình huống giả định, Moran bị bịt mắt, được đưa đến con đường vắng và bị tấn công. “Một nhóm lạ mặt từ đâu bất ngờ xuất hiện với gậy gộc đập túi bụi vào chiếc xe của tôi. Một tên trong bọn thậm chí mang AK47 và bắn chỉ thiên liên thanh…” - Moran kể. Việc của cô là phải làm thế nào tự tháo băng bịt mặt và lái xe chạy thoát.
Lần khác, “tôi bị vây kín gần như bốn bề, trừ phía trước, nơi hai chiếc xe đậu ngang thành hàng rào chỉ chừa lối đi hẹp. Một tên bắt đầu đập cửa sau và định bò vào trong bóp cổ tôi. Trong tình huống như vậy, dù biết là giả định, tôi vẫn hoảng hốt thật sự. Bản năng sinh tồn đã giúp tôi đạp mạnh chân ga lao thẳng về phía trước. Tôi chỉ kịp nhìn thấy hai chiếc xe rào chắn bị đụng bẹp móp bên sườn…”. Bài tập về trực nghiệm tù binh gây cho Moran cũng như các học viên nữ khác cảm giác sợ hãi tột độ, thậm chí kinh khủng hơn. Sau khi bị “bỏ lạc” trong rừng nhiều ngày, nhóm Moran bị “bắt” và bị giam trong xà lim bê tông tối bưng như hũ nút. Những gì xảy ra tiếp theo là các tình huống hệt như thật: họ bị tra tấn, hỏi cung, hù dọa…
Một cô trong nhóm Moran bị thương nặng từ chương trình huấn luyện này đến mức đã dọa kiện CIA…
Bị đuổi việc vì yêu
Hè năm 2004, tại một văn phòng luật trung tâm Washington, D.C., 10 phụ nữ cùng hẹn có mặt để thuê luật sư kiện CIA. Trong tay mỗi người là bộ lý lịch dày cộm cùng đơn tố cáo thói quan liêu và “văn hóa” ngược đãi nhân viên nữ của ban lãnh đạo CIA. Trong số họ có người là nhân viên mới tuyển dụng nhưng cũng có nhân vật là viên chức kinh nghiệm và thậm chí được tặng huy chương. Tất cả đều có điểm chung: Bị tống khỏi CIA bởi tội quan hệ tình cảm với người nước ngoài (tại quốc gia sở tại mà họ làm việc), điều mà đồng nghiệp nam của họ chẳng mảy may bị khiển trách.
Thử xem một trường hợp. Norris (tên giả) là thế hệ điệp viên mới của làng tình báo Mỹ. Tốt nghiệp ĐH Boston, Norris ghi danh thi tuyển CIA năm 1996. Sau thời gian làm chuyên gia phân tích ảnh tình báo, Norris được bổ nhiệm làm điệp viên hoạt động nước ngoài (với vỏ bọc nhân viên sứ quán). Trong một buổi tiệc, Norris gặp một nhà ngoại giao Trung Đông rồi hai người yêu nhau. Gần như tất cả chi tiết trong quan hệ tình cảm riêng đều được Norris báo cáo đầy đủ cho cấp trên (như cam kết bắt buộc). Tuy nhiên, đã là CIA thì chẳng yêu đương gì cả, đặc biệt với nữ. Đó là nguyên tắc bất thành văn. Vậy là Norris bị yêu cầu chấm dứt quan hệ, đồng thời bị triệu hồi về Mỹ. Hè năm 2002, khi người tình của cô đến Mỹ, CIA gây sức ép với đề nghị chỉ được chọn một trong hai - sự nghiệp hay tình yêu. Norris đã chọn sự nghiệp. Vấn đề chưa kết thúc. Tại phòng An ninh CIA, Norris vẫn bị hỏi cung nhiều giờ, bị kiểm tra bằng máy phát hiện nói dối, bị yêu cầu đưa thanh tra nội bộ CIA đến nhà tải tất cả thông tin lưu trong ổ cứng máy tính. Cuộc điều tra kéo dài một năm và cuối cùng Norris bị… sa thải với lời “nhắc nhở” rằng không được hé môi chuyện trên cho bất kỳ người nào…
Nữ điệp viên Lora Griffith là một ví dụ khác. Sau thời gian làm ở phòng Chống khủng bố thuộc Lầu Năm Góc, Griffith gia nhập CIA năm 1987. Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của cô là theo dõi các chuyến chở vũ khí Liên Xô cho lực lượng Sandinista tại Nicaragua. Muốn được công tác nước ngoài, Griffith học tiếng Farsi (ngôn ngữ Iran). Sau đó, cô được phân công theo dõi các mục tiêu Trung Đông ở Tây Âu và Nam Á.
Trong những ngày sau vụ khủng bố 11-9-2001, Griffith được chỉ định phối hợp làm việc với một viên chức tình báo thuộc đồng minh Mỹ tại châu Âu. Thế rồi “chúng tôi trở thành bạn thân” - Griffith kể - “Anh ấy đến nhà và thân thiện với đám con chúng tôi”. Trong lần trở về Mỹ năm 2003, Griffith bị thanh tra nội bộ “hỏi thăm sức khỏe” trước sự bất ngờ của cô. CIA cho rằng cô quan hệ thân với viên chức tình báo kia quá mức cho phép, rằng cô đã tiết lộ không ít bí mật… Ngày kia, cô được yêu cầu đến phòng An ninh nội bộ. Tại đó, một nhân viên nữ ngồi ở chiếc bàn tròn yêu cầu Griffith trao lại huy hiệu hành nghề! Thế là sau 19 năm làm việc cho CIA, Griffith bị sa thải với tội danh không rõ ràng và bằng chứng mơ hồ!...
Chi 1 triệu USD/năm cho các vụ kiện của nữ điệp viên Chỉ trong năm 1995, CIA đã chi gần 1 triệu USD cho hơn 400 (cựu) nữ nhân viên tiền bồi thường trong các vụ kiện hình sự liên quan đủ loại, từ quấy rối tình dục, “trù dập”, “ghen ăn tức ở” (từ đồng nghiệp nam), không thăng chức theo đúng quy trình, giao sứ mạng nguy hiểm… Gây chú ý nhiều nhất là vụ bồi thường 410.000 USD cho Janine Brookner, viên chức từng làm việc cho CIA 25 năm, trong vụ án liên quan quấy rối tình dục. (Brookner là gương mặt nữ đầu tiên lịch sử CIA được bổ nhiệm chánh văn phòng CIA tại Mỹ Latin; từng được điều phối đến Philippines và trà trộn vào đảng Cộng sản nước này cuối thập niên 1960; và cũng chính là người từng báo động về Aldrich Ames vào 10 năm trước khi đương sự bị FBI thộp tội làm điệp viên cho KGB của Liên Xô.) |