Tiết lộ hoạt động mật của các người đẹp tình báo

Chỉ vài hôm sau vụ xả súng vào tòa soạn báo Charlie Hebdo, cơ quan tình báo thuộc hàng hùng mạnh nhất của Pháp với 6.000 nhân viên và kinh phí hoạt động 600 triệu euro mỗi năm đã mở cửa để PV Le Figaro gặp gỡ những điệp viên thuộc phái đẹp của họ.

Cuộc đời họ là những trang tiểu thuyết

Tại ngay nơi làm việc của mình, 15 nữ điệp viên Cơ quan tình báo hải ngoại Pháp (DGSE) đã kể cho PV ít nhiều về cuộc sống sinh hoạt của họ, trong công việc chuyên môn và trong gia đình. Hẳn nhiên tên của họ đã được thay đổi để bảo mật. Hình ảnh của họ cũng không được đăng tải. Đó là những phụ nữ đôi khi rất điềm đạm, thường rất nhã nhặn nhưng có thể dấn thân vào các điểm nóng khác nhau trong ngành tình báo trên phạm vi toàn cầu, để rồi khi trở về nhà vào buổi tối, họ quay lại với hình ảnh một người vợ và một người mẹ. Họ là những người học vấn cao, đã tốt nghiệp các trường nổi tiếng về quản lý, về quân sự và chính trị của Pháp.

Lise, 47 tuổi, thổ lộ: “Năm 24 tuổi, tôi đã đọc được một thông báo tuyển dụng khá lạ: Một cơ quan có quy mô lớn đang tìm kiếm những chuyên viên làm việc trong ngành quan hệ quốc tế. Tôi đã đăng ký dự tuyển. Mà tôi thì hẳn là chưa lần nào lật một trong những tiểu thuyết trinh thám để đọc, tôi mù tịt và đã được tuyển dụng vào DGSE lúc nào mà tôi cũng chẳng hề hay biết!”.

Còn hiện nay, muốn vào đó thì phải thi và được đào tạo với 500 đợt huấn luyện khác nhau như kỹ thuật cải trang nhanh chóng, thay đổi trang phục và đầu tóc trong chớp mắt trong một nhà vệ sinh công cộng của một quán ăn hay sân bay để cắt đuôi đối tượng đang theo dõi mình; kỹ thuật tự vệ; học bắn súng; học thêm một hoặc hai ngoại ngữ; sử dụng nhiều chiến thuật đánh đòn tâm lý khác nhau,…

Lise kể tiếp: “Chúng tôi được huấn luyện cách thuyết phục một người không quen biết mà mình gặp trong quán cà phê để họ có thể đưa cho mình chiếc ĐTDĐ của họ trong thời gian nhanh nhất có thể”. Còn Léonie, 41 tuổi, mang hàm trung tá, phụ trách khâu nhập cư bất hợp pháp thì đã tự thấy mình có khiếu diễn xuất rất đạt! Cô kể: “Có lần tôi phải theo dõi một người đàn ông bị tình nghi nhưng người này sau đó đã lủi mất trong một khách sạn. Thế là tôi phải vào vai một bà vợ đang đau khổ và than khóc đang đi tìm một ông chồng thích thói trăng hoa, hay thay lòng đổi dạ. Thế là thành công!”.

 Áp lực của sự bảo mật

Áp lực này là thách thức lớn nhất trong đời sống vợ chồng, vì nếu ông chồng mà biết bạn sáng nào cũng vô trụ sở DGSE, anh ấy chưa chắc đã thông cảm. Jeanne, 48 tuổi, nhấn mạnh: “Tôi buộc phải luôn tìm đề tài nào khác khi trò chuyện với chồng để tránh phải nói về công việc làm hằng ngày của mình. Cho nên tôi luôn kéo anh ấy vào niềm đam mê chung của hai vợ chồng chúng tôi là chụp ảnh, đề tài này rất phong phú nên hai vợ chồng luôn có nhiều chuyện để trao đổi suốt thời gian trò chuyện với nhau”.

Nhưng làm sao mà các chị có thể giữ được thái độ bình thản khi ra về nếu như công việc tại DGSE có lúc quá căng thẳng hay như khi đang giải quyết những tình huống phức tạp đầu óc? Corinne nói: “Buổi chiều, tôi tranh thủ vứt hết mọi công việc ra khỏi đầu càng nhanh càng tốt trên quãng đường khi lái xe từ cơ quan về nhà. Phải biết cố gắng tách bạch giữa đâu là việc ở cơ quan, đâu là việc ở nhà với chồng con thì mới thành công. Khi bị stress thì cuối tuần tôi chạy bộ”. Thế nhưng đối với điệp viên nữ thì hạnh phúc gia đình đôi khi rất mong manh, không ít trường hợp đã đổ vỡ.

Các nữ điệp viên thường phải đợi cho các con đến tuổi vị thành niên thì mới nói cho chúng nghe công việc mình đang làm. Clothilde, 49 tuổi, một chuyên viên phân tích về mảng chống khủng bố, kể lại: “Tôi đã phải giấu đứa con trai của tôi vì sợ nó nói cho bạn bè trong lớp nghe thì khổ nhưng khi nó 15 tuổi thì tôi nói. Khi đó, nó nhảy dựng lên: “Không phải như vậy, mẹ nói dối!”. Nhưng rồi nó cũng hiểu ra chuyện”. Lise nhớ đến chuyện có một cặp vợ chồng điệp báo viên đã sững sờ trước một tình huống khó ngờ khi ba người con vị thành niên của họ phá lên cười vì không thể nào tin được một ông bụng phệ, chẳng có vóc dáng bảnh bao như một James Bond mà lại được người ta cho làm điệp viên!

Một nhân thân ẩn

DGSE hiện có khoảng 400 đến 500 nhân viên được triển khai trên khắp thế giới và được định vị qua GPS. Các nữ điệp viên phải đối đầu với nguy hiểm khi được phái đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài, họ không thể đem gia đình theo nên đã nghiễm nhiên trở thành những phụ nữ “độc thân tại chỗ” và đảm nhiệm nhiều ngành nghề giả khác nhau! Chẳng hạn, Nathalie đã vào vai một người chế tác và kinh doanh đồ trang sức tại một nước châu Á bị nghi là đang nghiên cứu sản xuất vũ khí hóa học, rồi một lần khác cô lại trở thành giám đốc một tổ chức phi chính phủ (cũng là giả) để thâm nhập thực tế nhằm tìm hiểu một nhóm nhỏ lính đánh thuê tại Nam Âu.

Một vài nữ điệp viên còn phải sống nhiều năm dưới một vỏ bọc khác, như trường hợp Camille, 40 tuổi. Trong sứ mạng đi tìm hiểu việc phát triển sản xuất các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, cô đã hoạt động tại nhiều khu vực lãnh thổ ở châu Á và Trung Đông. Cô kể: “Trong vòng năm năm, tôi đã là một thương gia thực thụ, có một văn phòng làm việc hẳn hoi với những hợp đồng kinh doanh được ký nhưng tất cả thứ ấy đều là ảo, là tấm bình phong cho công việc thu thập tin tức của tôi. Và tôi cũng có những nhân viên và đồng nghiệp làm ăn hoàn toàn không nghi ngờ gì về nhân thân của tôi cả. Nhưng khác với James Bond, tôi không bao giờ hành xử một cách ngẫu hứng. Tôi luôn hoạt động một cách có phương pháp, có bài bản, có quy trình. Nhưng đôi khi tình huống cũng khiến tim tôi như nhảy ra khỏi lồng ngực!”.

Camille đã “bám đuôi” được nhiều nguồn đối tượng khác nhau: Viên chức cao cấp trong chính phủ có, doanh nhân có, các nhà khoa học có để thu thập được nhiều tài liệu thuộc loại tuyệt mật có liên quan đến các xưởng chế tạo vũ khí. Trước khi hành động, điệp viên phải dành nhiều thời gian để tìm hiểu đối tượng trên tất cả các mặt: Giao tiếp xã hội, quan hệ công việc, gia đình và nhất là những điểm yếu của đối tượng. Sau đó là giăng bẫy: Dùng chiêu bài “tiền bạc đi trước”, quan sát chiều hướng thay đổi suy nghĩ của đối tượng có phù hợp chưa, đánh mạnh vào tình cảm cái tôi của đối tượng hoặc lôi kéo và thu phục “con mồi”.

Gồng mình nằm chung giường với... đàn ông lạ

Aude là sếp điều hành một đội gồm 400 người. 50 tuổi và có bề dày 30 năm kinh nghiệm, cô đã không ít lần gặp tình huống trớ trêu buồn cười. Cô nhớ lại có một lần đang nhận sứ mạng thu thập thông tin ở nước ngoài: Theo dõi một chính trị gia trong một khách sạn như sau: “Lúc đó có thêm một nam quân nhân được phái theo hỗ trợ tôi trong đợt săn tin này. Tôi và quân nhân đó đến khách sạn đã chọn và thuê phòng ngay bên cạnh phòng của chính trị gia mà chúng tôi đang bám theo. Chúng tôi phải đóng giả làm một cặp vợ chồng. Thế nhưng không thể yêu cầu khách sạn đặt cho hai chiếc giường riêng trong cùng một phòng vì làm như thế thì kế hoạch của chúng tôi sẽ bị bại lộ mất! Rốt cuộc, chính tôi phải gồng mình ngủ chung bốn đêm liền bên cạnh một người đàn ông không quen biết! Tôi là người thích một chiếc giường rộng để lăn qua lăn lại cho thoải mái nhưng suốt bốn đêm ngủ chung với nam quân nhân đó, tôi phải nằm chết trân trên giường mà không dám cựa quậy một chút xíu nào cả”.

Internet làm đảo lộn công việc của tình báo

Mấy năm gần đây, Internet đã làm đảo lộn không ít hoạt động. Aude nhận định: “Làm sao mà bạn lại có thể dễ dàng lần theo dấu một thủ lĩnh của một đường dây khủng bố khi hắn đang ở Pakistan mà ra lệnh cho các đàn em tại Yemen để chúng triển khai hành động tại Paris hay Brussels? Đúng là Internet bây giờ khiến nhiệm vụ của chúng tôi càng thêm rối rắm hơn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm