Chính phủ vừa ban hành Nghị định (NĐ) 139/2017 có hiệu lực thi hành từ 15-1-2018, trong đó đáng chú ý là nội dung quy định xử phạt về quản lý sử dụng nhà chung cư (NCC). Quy định này tuy chỉ gói gọn trong Điều 66 nhưng được cho là đã gỡ đi nút thắt khó chịu lâu nay, nguồn gốc của mọi xung đột, bức xúc giữa chủ đầu tư (CĐT), ban quản trị (BQT) và cư dân.
Phạt đến 300 triệu đồng nếu tính sai diện tích
NĐ 139 phạt nặng CĐT về các hành vi được cho là một trong những nguyên nhân đang gây mâu thuẫn căng thẳng giữa cư dân và CĐT hiện nay. Phạt 100-150 triệu đồng đối với CĐT khi không tổ chức hội nghị NCC lần đầu theo quy định.
CĐT không bàn giao hoặc bàn giao không đúng thời hạn hồ sơ NCC cho BQT NCC theo quy định; lựa chọn đơn vị quản lý vận hành NCC không đủ điều kiện, năng lực theo quy định; tự ý bán, cho thuê chỗ để ô tô trong NCC không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 80 đến 90 triệu đồng.
Đặc biệt, NĐ 139 quy định xử phạt đến 300 triệu đồng đối với CĐT không bố trí diện tích để làm nhà sinh hoạt cộng đồng, tính sai diện tích căn hộ hoặc phần diện tích khác trong NCC thuộc sở hữu riêng. Phạt tiền 250-300 triệu đồng nếu CĐT tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung hoặc tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần diện tích không phải để ở trong NCC có mục đích hỗn hợp.
Chung cư Bảy Hiền (quận Tân Bình, TP.HCM) từng bị cưỡng chế tháo dỡ các hạng mục xây dựng sai công năng so với thiết kế được duyệt. Ảnh: HOÀNG GIANG
BQT quản tiền không đúng cũng phạt nặng
Cụ thể, phạt tiền 30-40 triệu đồng nếu tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng của NCC; sử dụng căn hộ vào mục đích không phải để ở; sử dụng phần diện tích và các trang thiết bị thuộc quyền sở hữu, sử dụng chung vào sử dụng riêng.
10-20 triệu đồng là khoản phạt cho một trong các hành vi: Gây thấm, dột cho căn hộ; hoạt động kinh doanh tại phần diện tích không dùng để kinh doanh hoặc hoạt động nhà hàng, karaoke, quán bar tại phần diện tích dùng để kinh doanh nhưng không đảm bảo yêu cầu về cách âm, phòng, chống cháy, nổ hoặc nơi thoát hiểm.
Đối với các hành vi lấn chiếm không gian xung quanh, lấn chiếm các phần thuộc sở hữu chung hoặc các phần thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu khác hoặc kinh doanh vũ trường bị phạt 40-50 triệu đồng.
Mức phạt 40-50 triệu đồng cũng dành cho hành vi không thành lập BQT NCC theo quy định. Các sai phạm của BQT nhà chung cư được nhấn mạnh.
Cụ thể, phạt tiền 50-60 triệu đồng nếu vi phạm lỗi quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung không đúng quy định; tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung; tự quyết định mức giá dịch vụ quản lý vận hành chung cư hoặc tự quyết định lựa chọn đơn vị để ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành chung cư mà không thông qua hội nghị NCC.
Mức phạt quy định tại NĐ này áp dụng đối với tổ chức (trừ một số trường hợp), với cá nhân cùng một hành vi vi phạm mức phạt sẽ bằng 1/2. Mỗi lỗi vi phạm nêu trên đều đi kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả cụ thể như: trả lại hiện trạng ban đầu, hoàn trả tiền tính sai, buộc hủy bỏ quy định tính phí không đúng quy định…
Cư dân đỡ hẳn nỗi lo Ở NCC phụ thuộc rất lớn vào CĐT và BQT, nếu họ làm ăn không đàng hoàng cả ngàn người sẽ ảnh hưởng theo. Chúng tôi chờ quy định này lâu lắm rồi. ĐỖ THÙY DUNG(Chung cư ở quận 2) 10 đơn vị CĐT thì có đến bảy đơn vị thiếu trách nhiệm, bán nhà xong là thay đổi ngay những thỏa thuận ban đầu. Có chế tài chắc họ sẽ giữ chữ tín hơn. HUỲNH THIÊN PHÚC(Chung cư ở quận 9) NĐ mới hướng đến cả cá nhân là cư dân và tổ chức, rất thiết thực, hữu ích trong bối cảnh hiện nay. NGÔ PHỤNG(Chung cư ở quận 5) |