Trong những ngày này ở làng nghề lồng đèn Phú Bình (Lạc Long Quân, phường 5, quận 11, TP.HCM) đâu đâu cũng thấy tất bật để kịp làm hàng cung cấp cho thị trường dịp Trung thu.
Các nghệ nhân miệt mài bên đống tre nứa và khung lồng đèn đủ kiểu dáng.
Tỉ mỉ gắn từng mảnh giấy màu lên đèn trung thu.
Khâu đầu tiên khi làm lồng đèn giấy là tạo khuôn. Đây là khâu đòi hỏi sự sáng tạo, khéo léo của các nghệ nhân để tạo nên hình thù của lồng đèn.
Nguyên liệu làm khung là những thanh tre được chuốt mỏng.
“Tôi làm lồng đèn mấy chục năm nay rồi, mấy năm nay lồng đèn bán được lắm, có khi chưa tới Trung thu mà không còn hàng để bán. Tôi làm lồng đèn giấy vừa để kiếm thêm thu nhập, vừa muốn làm một chút gì đó để góp vui cho trẻ em dịp tết Trung thu” - ông T. chia sẻ.
Sau khi có những khuôn hình độc đáo, các nghệ nhân bắt tay vào công đoạn dán giấy kính và trang trí lồng đèn. Ở khâu này, người làm lồng đèn phải hết sức tỉ mỉ, công phu để có thể cho ra các sản phẩm với những hình ảnh, màu sắc độc đáo, phong phú.
Một sản phẩm sau khi hoàn thiện rất bắt mắt...
Lồng đèn cá chép ngộ nghĩnh nhiều màu.
Đèn bươm bướm sặc sỡ, dễ thương.
Đèn ông sao là một mẫu lồng đèn tuy không mới nhưng không thể thiếu dịp tết Trung thu.
Đèn hình chiếc thuyền được nhiều người ưa chuộng.
Theo người bán, những chiếc đèn lồng này thể hiện tinh thần yêu biển đảo, quê hương, Tổ quốc.
Những chiếc lồng đèn chờ ngày xuất xưởng.
Là làng nghề có tuổi đời trên 50 năm, những nghệ nhân Phú Bình vẫn luôn duy trì và phát huy nghề làm lồng đèn truyền thống của mình qua các thế hệ. Mặc dù có một thời gian khủng hoảng nhưng rất nhiều nghệ nhân vẫn tâm huyết với nghề.