Trong buổi làm việc với đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) ngày 29-6, bà Ngô Thị Kim Vân, chủ mái ấm Hạnh Phúc, bày tỏ lo lắng: “Các em đã thiệt thòi rồi, việc thay đổi môi trường sợ các em không thích nghi được. Các em nói hoặc là ở đây với mẹ Vân hoặc về với gia đình chứ không vô trung tâm bảo trợ xã hội (TTBTXH). Mà về với gia đình sợ các em bỏ bê việc học”.
Dù các ngành chức năng thuyết phục các em sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng trong môi trường tốt nhất tại các TTBTXH đạt chuẩn nhưng tinh thần của các em vẫn rất bất an.
Các em sẽ có một gia đình khác?
Chiều 1-7, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Đặng Thị Hường, Giám đốc làng SOS Gò Vấp, TP.HCM, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận các em từ 14 tuổi trở xuống ở mái ấm Hạnh Phúc về đây để nuôi dưỡng. Tôi cũng đã trao đổi ý kiến này với Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Chánh. Ở đây điều kiện nuôi dạy, giáo dục các em là rất tốt. Các em gái sẽ được về ở trong các gia đình nhỏ, mỗi gia đình có một người mẹ nuôi dạy, giáo dục. Các em trai sẽ được ở lưu xá thanh niên. Đã có bảy em ở đây học lên thạc sĩ, nhiều em tốt nghiệp đại học và các bậc học khác. Các em sẽ có cơ hội hòa nhập xã hội tốt”.
Về tin vui này, bà Phan Thị Tuyết Mai, Phó trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Chánh, cho biết bà sẽ xin ý kiến chỉ đạo của Sở. Bà cũng rất phấn khởi vì xã hội đã tạo cho các em thêm nhiều cơ hội mới.
Một độc giả cũng đã liên hệ với Pháp Luật TP.HCM chia sẻ sự quan tâm và cho rằng sẽ cân nhắc khả năng xin đưa các em về nhà mình chăm sóc trong thời gian chủ mái ấm hoàn tất thủ tục để được cấp phép. Nhà của chị khá rộng rãi và đáp ứng đủ yêu cầu về diện tích, khả năng tài chính. Với thông tin này, bà Tuyết Mai khẳng định: “Nếu chị ấy muốn nhận nuôi trẻ cũng phải xin cấp phép. Nếu đã đủ điều kiện và được vợ chồng chị Vân đồng ý, chúng tôi sẽ hướng dẫn làm thủ tục xin phép để chăm sóc các em. Bất cứ cá nhân, tổ chức nào muốn nhận nuôi trẻ cũng phải đáp ứng yêu cầu này”.
Sinh hoạt của các em tại nhà Hạnh Phúc. Ảnh: HỒNG MINH
Đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ
Ngày 30-6, Bộ LĐ-TB&XH đã gửi văn bản đề nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, làm rõ lý do việc chính quyền địa phương yêu cầu dừng hoạt động nhà Hạnh Phúc.Bộ cho rằng UBND TP.HCM cần có giải pháp để đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, học tập của các trẻ ở nhà Hạnh Phúc không bị gián đoạn và sớm ổn định tinh thần, tình cảm của các em. Bộ cũng yêu cầu TP báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Bộ trước ngày 3-7 về phương án của TP trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng đối với trẻ em ở đây nếu nhà Hạnh Phúc phải dừng hoạt động.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH TP.HCM gửi UBND TP, Cục BTXH, Bộ LĐ-TB&XH, trong thời gian này Sở sẽ phối hợp với UBND huyện Bình Chánh để có hướng xử lý theo quy định. Trường hợp mái ấm Hạnh Phúc bị chấm dứt hoạt động thì mọi quyền lợi và lợi ích của trẻ vẫn sẽ được đảm bảo, trẻ vẫn sẽ được tiếp tục học văn hóa, học nghề, sinh hoạt thể chất... Đối với trẻ có gia đình, nếu gia đình có điều kiện thì cho nhận về nhà, nếu không thì các em sẽ được đưa vào nuôi dưỡng tại các cơ sở BTXH.
Phòng LĐ-TB&XH huyện Bình Chánh cho biết mái ấm Hạnh Phúc do vợ chồng ông Nguyễn Văn Hoàng và bà Ngô Thị Kim Vân làm chủ. Khu vực này đã có quy hoạch năm 2004, vợ chồng ông Hoàng đến mua năm 2006 nên không thể làm được giấy chủ quyền. Cơ sở này là căn nhà cấp 4 có diện tích 110 m2 và có thêm phần đất trống lợp mái tôn kế bên nhà với diện tích 100 m2 được thuê từ năm 2011 đến nay.
Tháng 11-2013, UBND xã Bình Hưng kiểm tra và xét thấy cơ sở này chưa có giấy phép hoạt động theo đúng quy định của pháp luật và yêu cầu vợ chồng ông Hoàng ngưng hoạt động nuôi giữ trẻ không phép và giao trả các trẻ về với gia đình. Vợ chồng ông Hoàng xin gia hạn nhiều lần và đến nay vẫn tiếp tục xin gia hạn.
Thời gian qua, Sở chỉ đạo thực hiện kiểm tra hoạt động các cơ sở BTXH ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM Theo đó, đối với những cơ sở đủ điều kiện hoạt động nhưng chưa thực hiện thủ tục cấp phép, Sở hướng dẫn thực hiện thủ tục theo quy định. Đối với những cơ sở không đủ điều kiện, Sở đã kiến nghị UBND TP đề nghị chấm dứt hoạt động. Cụ thể, một số cơ sở đã bị chấm dứt hoạt động vì không đủ điều kiện như Công ty TNHH Nhà hộ sinh Thiện Phước, quận 9 và giải quyết đưa 12 trẻ vào Làng Thiếu niên Thủ Đức. Cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ có hoàn cảnh khó khăn tại ấp Xóm Chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi, giải quyết hồi gia 10 trẻ và chuyển hai trẻ chưa có gia đình đến nhận vào cơ sở BTXH Thiện Duyên. Cơ sở nuôi dưỡng đối tượng khuyết tật và trẻ em tại chùa Pháp Bình, huyện Bình Chánh, giải quyết chuyển ba trẻ vào Trung tâm Nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Tam Bình. |