Lập 2 loại chốt kiểm dịch ở Gò Vấp, kiểm soát theo xác suất

Chiều 1-6, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã có buổi làm việc với lãnh đạo quận Gò Vấp nhằm tháo gỡ khó khăn trong áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng về giãn cách xã hội trên địa bàn quận.

“Không hoàn thành nhiệm vụ, mắc cỡ với dân lắm”

Ông Sử Ngọc Anh, Bí thư Quận ủy Gò Vấp, cho biết khó khăn lớn nhất của quận hiện nay là tại các chốt kiểm dịch, do số lượng người qua lại rất đông gây ùn ứ. Từ đó, ông mong muốn UBND TP có hướng dẫn cụ thể để quận áp dụng Chỉ thị 16.

Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Trí Dũng cũng cho biết khi UBND TP ra văn bản áp dụng Chỉ thị 16, vì là vấn đề mới, khó và chưa có tiền lệ khiến quận gặp khó khăn, lúng túng.

“Việc lập chốt phong tỏa là để người dân ý thức cao hơn. Còn nếu để người dân đi lại tự do, mọi người sẽ lại đổ ra đường. Lực lượng quận chỉ có 4.000 người, rất khó quản lý gần 700.000 dân tại quận và thêm khoảng 300.000 dân qua lại quận” - ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, mỗi ngày xét nghiệm, quận Gò Vấp lại tăng thêm ca nhiễm COVID-19. “Nếu dịch không kiềm chế được thì rất nặng nề. Nhiệm vụ TP giao thực hiện bài toán phong tỏa, giãn cách không được thì không hoàn thành với cấp trên, mà mắc cỡ với dân lắm!” - ông Dũng nói và mong muốn chính quyền TP.HCM gỡ vướng cho quận.

Binh chủng Hóa học phun khử khuẩn nhiều tuyến đường ở quận Gò Vấp chiều 1-6. Ảnh: NGUYỆT NHI

Đi qua Gò Vấp mà dừng lại, xử phạt nghiêm

Trước khó khăn này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đồng tình với vấn đề lớn nhất của quận Gò Vấp hiện nay là lưu thông và quản lý người ra vào. Với việc lập 10 chốt kiểm dịch hai ngày qua, quận liên tục gặp khó khăn khi đến giờ cao điểm, lượng xe lưu thông nhiều khiến tất cả chốt này đều ùn ứ.

Theo ông Đức, mục tiêu của cách ly xã hội là nhằm không để dịch lây lan. Trong Chỉ thị 16, việc lưu thông là không cấm nhưng các phương tiện lưu thông qua địa bàn áp dụng chỉ thị này thì không được dừng, đỗ, thả/nhận khách.

Tuy nhiên, với tình trạng chốt kiểm dịch ở quận Gò Vấp khiến hàng ngàn người lưu thông bị ùn ứ như hai ngày qua, ông Dương Anh Đức cho rằng “không đạt được mục đích là không làm lây lan dịch bệnh”. Vì khi ùn ứ, xe máy tụ lại với nhau thì còn lây lan nguy hiểm hơn là chạy ngang qua đường.

Về phương án lập chốt, ông Đức nêu thực trạng lực lượng chức năng chặn giữa đường một chiều khiến các phương tiện khi bị chặn lại không quay ra được, vì nếu quay lại sẽ vi phạm luật giao thông. Do vậy, ông yêu cầu các đơn vị phải hỗ trợ quận Gò Vấp chặn từ xa. Còn hiện nay quận Gò Vấp đang tự gồng mình giải quyết, thiếu sự phối hợp.

Ông cũng khẳng định việc lập chốt là việc phải làm nhưng cần triển khai thế nào cho hiệu quả. Ông gợi ý quận có thể lập hai loại chốt - chốt lớn và chốt nhỏ, có cấp độ quản lý khác nhau. Chốt lớn ở cửa ngõ và chốt nhỏ ở các khu vực có nguy cơ, trong đó các chốt nhỏ cần làm nghiêm hơn.

Đối với các chốt lớn, cần ban hành quy định trong đó nêu rõ vào giờ cao điểm, khi lượng phương tiện quá đông thì kiểm tra theo xác suất. Khi ít người lưu thông thì tăng tỉ lệ kiểm soát lên 100%. “Quan trọng nhất là không cho các phương tiện đi ngang qua dừng lại tại quận Gò Vấp, phải xử phạt nghiêm khắc, kể cả phạt nguội qua camera giao thông để răn đe” - ông Đức nói.

Ông đề nghị quận Gò Vấp phải phối hợp, thảo luận với các địa phương lân cận để cân nhắc vị trí đặt chốt phù hợp. Chốt trên địa bàn nào sẽ do địa phương đó chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, ông Đức cũng đề nghị quận Gò Vấp cụ thể hóa văn bản của UBND TP và làm danh mục các loại hình được phép hoạt động. Quận có thể nghiên cứu làm thẻ cho những ngành nghề được hoạt động để người dân trình thẻ khi ra, vào quận nhằm tăng tính hiệu quả.

Binh chủng Hóa học phun khử khuẩn nhiều tuyến đường ở 
quận Gò Vấp chiều 1-6. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Binh chủng Hóa học phun khử khuẩn nhiều tuyến đường

Chiều 1-6, Trung tâm ứng cứu sự cố hóa học, sinh học, phóng xạ hạt nhân thuộc Binh chủng Hóa học, Bộ Quốc phòng đã xịt khử khuẩn nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Gò Vấp. Đại tá Từ Minh Sơn, Trưởng phòng Hóa học Quân khu 7, cho biết đã huy động 2.000 kg chất Cloramin B để xịt khuẩn. Đây là chất hóa học được pha với nước theo tỉ lệ 0,5%, không gây nguy hiểm cho người, vật nuôi khi dính vào da hay hít phải.

Xe chuyên dụng kèm máy bơm, vòi phun có mặt, phun xịt khử khuẩn ở con hẻm nơi sinh hoạt của Hội thánh truyền giáo Phục hưng (415/8/4 Nguyễn Văn Công, phường 15, quận Gò Vấp) vào chiều cùng ngày.

Một số người dân khu vực con hẻm nơi xuất phát của chuỗi ca nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục hưng cho biết họ vui mừng trước việc được phun xịt khử khuẩn và hy vọng tình hình sớm ổn định để được dỡ bỏ cách ly, quay lại cuộc sống bình thường như trước.

Cùng thời điểm, trên đường Quang Trung, hai trong nhiều xe đặc chủng liên tục phun xịt trên cả tuyến đường. Trong ngày 2-6, lực lượng xịt khuẩn sẽ tiến hành phun xịt khử khuẩn ở phường Thạnh Lộc, quận 12 và huyện Hóc Môn.

• Sáng 1-6, UBND TP.HCM có văn bản khẩn về việc tạm dừng hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.

Theo đó, tạm dừng hoạt động của các chốt, trạm kiểm dịch phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM tại Quyết định số 1677/QĐ-BCĐ ngày 14-5-2021 của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP kể từ 17 giờ ngày 1-6.

NGUYỄN TÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm