Từ quy hoạch đến xây dựng các công trình cầu, đường… người ta có thể chủ động đặt ra những cái tên phù hợp. Đó là những cái tên mang tầm vóc văn hóa, lịch sử, mỹ thuật…
Ánh Sao - tên cầu có trước khi xây
Cầu Ánh Sao (Starlight Bridge) tọa lạc ở khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7, bắc qua rạch Thầy Tiêu, nối khu Hồ Bán Nguyệt (The Crescent) với khu kênh Đào - Công viên Hồ Bán Nguyệt. Đây là cầu chỉ dành cho người đi bộ để ngắm cảnh hiện đại đầu tiên ở Việt Nam. Gọi là cầu Ánh Sao vì trên bề mặt cầu được thiết kế những ánh đèn Led chiếu ngược lên. Ngoài ra, hai bên hông cầu ánh sáng bảy màu liên tục thay đổi theo nhịp lên, xuống của các vòi phun nước. Về đêm, việc chiếu sáng bằng pin thu năng lượng mặt trời được lắp bên hông thành cầu tạo cho người đi trên cầu có cảm giác như đang bước đi trên muôn ngàn vì sao.
Điều đặc sắc của quần thể cầu-hồ-công viên này là nó được xây dựng, cải tạo từ vùng đất trũng Nhà Bè xưa. Trong đó, một đoạn rạch Thầy Tiêu được khoét rộng ra để tạo thành một nửa vầng trăng bên đầu phía bờ đông của cầu và bước sang bên phía bờ tây là cụm kênh đào, công viên được thiết kế như một vườn tiên cảnh… Thế nhưng đặc sắc hơn cả là cách chủ động đặt tên cho cầu là Ánh Sao trước khi xây dựng đi liền với giải pháp kỹ thuật chiếu sáng. Nhìn lại ở hai cây cầu cùng băng qua rạch Thầy Tiêu ở đường Nguyễn Văn Linh và Trần Văn Trà, các nhà quản lý xây dựng giao thông, đô thị vẫn không thoát được thói quen lấy tên rạch đặt cho cầu là cầu Thầy Tiêu và cầu Thầy Tiêu 2.
Cũng vì những ý tưởng độc đáo từ quy hoạch, đặt tên rồi mới đến xây dựng nên đến nay cầu Ánh Sao - Hồ Bán Nguyệt trở thành một không gian kiến trúc - giao thông đáng tham quan, một nơi hò hẹn lý tưởng cho những người đang yêu.
Cầu Bà Chiêm 2 trên đường Nguyễn Hữu Thọ qua xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè.
Xong cầu, thay địa danh
Đầu tháng 2-2013, người dân đi trên đường Cộng Hòa hướng vào nội đô phấn khởi trước những tấm băng rôn đỏ rực thông tin sẽ xây cầu vượt bằng thép ở vòng xoay Lăng Cha Cả. Đến cuối tháng 4-2013, người đi đường ngỡ ngàng thấy những tấm băng rôn khác màu xanh, chữ trắng thông báo: “Ngày 27-4, thông xe cầu vượt nút giao Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa”. Vậy là địa danh vòng xoay và tên gọi cầu vượt Lăng Cha Cả đổi rồi!
Theo các nguồn tư liệu, khu vực mang địa danh Lăng Cha Cả do trước kia ở nơi này có khu lăng mộ rộng khoảng 2.000 m2 của giám mục Bá Đa Lộc, tục gọi là Cha Cả. Năm 1980-1983, khu lăng mộ được chính quyền TP cho giải tỏa, hài cốt giám mục được giao lại cho Tổng Lãnh sự Pháp đưa về Pháp. Sau đó giao lộ các đường Trường Sơn - Lê Văn Sỹ - Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa được mở rộng thành vòng xoay nhưng vẫn mang tên Lăng Cha Cả.
Một cán bộ hưu trí kể, đem thắc mắc về chuyện đổi địa danh trên đi hỏi thì được một bác giao thông trả lời: “Chúng em đâu có thay địa danh Lăng Cha Cả. Nó vẫn sống trong lòng dân, trong lòng các bác đấy chứ! Chúng em phải dùng tên cầu vượt Hoàng Văn Thụ - Cộng Hòa, dù biết là dài ngoằng, khó nhớ nhưng vì nó có từ khi làm dự án. Giờ vẫn phải giữ để còn thanh, quyết toán!”.
Theo một nhà văn hóa, chuyện đổi tên đường, tên đất, đặt tên mới cho một công trình để phù hợp với một giai đoạn lịch sử là bình thường nhưng tên gọi một vùng đất không chỉ liên quan tới cư dân, cộng đồng trong khu vực mà còn là những vấn đề về văn hóa, lịch sử.
Cầu Bà Bướm trên đường Đào Trí, quận 7.
Cầu Bà Bướm trên quốc lộ 51 đi Vũng Tàu. Ảnh trong bài: LĐ
Liên thông với tên đường
Tên cầu có thể là tên những nhân vật lịch sử, nhà văn hóa, nhà khoa học... có công lao, được nhân dân kính trọng; những địa danh lịch sử, văn hóa nổi tiếng của đất nước, của các vùng miền… TP có nhiều sông, rạch, cầu, đường nên tên cầu có thể liên thông với tên đường…
Từ đó, có không ít câu hỏi: “Sao không là….?”. Sao khi đặt tên đường Phạm Văn Đồng, người ta không đặt luôn tên cầu là Thiên Ấn để gợi nhớ về ngọn núi nơi quê hương thủ tướng. Lại nữa, đứng từ trên cầu Bình Triệu nhìn ngược lên thì kết cấu vòm cong với màu sơn đỏ rực của cầu tạo ra hình tượng một chiếc ấn đỏ của trời đang in trên sông Sài Gòn… Vậy vì sao người ta phải “ăn theo” gọi tên cầu ấy là cầu Bình Lợi mới?
Tương tự, sau khi đặt tên đường Nguyễn Hữu Cảnh người ta không đặt tên cầu là Quảng Bình để nhớ về quê hương ông hoặc đặt là cầu Ông Chưởng như cách người dân Nam Bộ vẫn tôn kính, gọi ông từ cả trăm năm trước… mà phải đặt hai cây cầu trên tuyến là Thị Nghè 2 và Văn Thánh 2…? Hoặc sau khi làm xong cầu Sài Gòn 2 người ta không đổi luôn tên cũ cầu Sài Gòn sang là cầu Hà Nội để “nối thông” với xa lộ Hà Nội đã có trước đó và tạo ra “vòng tay lớn nối” Hà Nội - Sài Gòn? Ở chiều ngược lại từ trong nội thành ra, sao không dùng tên cầu là Sài Gòn để hướng về Hà Nội? Với cặp đường Hoàng Sa - Trường Sa, sao không lấy tên các đảo thuộc hai quần đảo này như Đá Đông, Đá Tây, Song Tử… để đặt tên cho cầu mà phải đánh số?
Với các câu hỏi “Sao không là…?” ấy, ông Bùi Xuân Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT, bảo: “Khó lắm!”. Bởi lẽ muốn chủ động có những cái tên đẹp đặt cho cầu, phù hợp với đường, không gian đô thị - giao thông, có ý nghĩa và giá trị bền vững… thì phải có một “hội đồng đặt tên cầu”… “Theo Sở GTVT, muốn có một cái tên đẹp đặt cho một cây cầu, con đường từ khi nó còn là dự án trên giấy thì phải được sự thống nhất của ba, bốn sở khác như quy hoạch, xây dựng, tài chính, kế hoạch-đầu tư… để có thể trở thành các kế hoạch đầu tư, xây dựng. Đến khi đường xây xong thì phải có cả một hội đồng, thêm bốn, năm sở nữa và dưới sự chủ trì của TP thì mới “quyết” được cái tên mới. Đường đã thế thì cầu cũng phải thế thôi!” - ông Cường nói.
LƯU ĐỨC - HOÀNG TUYÊN
Tục hay không tục? Sài Gòn có nhiều tên cầu mà khi nghe tới nhiều người bảo… tục nhưng thực ra không phải vậy. Trên đường Nguyễn Hữu Thọ qua xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè để xuống Khu công nghiệp Hiệp Phước có cầu Bà Chiêm 1 và 2. Theo ông Vũ Kiến Thiết, Giám đốc Khu Quản lý giao thông đô thị số 2, khoảng những năm 1980, khi đi khảo sát mở tuyến đường này thì trên bản đồ giang thuyền của chính quyền Sài Gòn và trên thực địa cầu gỗ cũ ấy ghi là Bà Chim. Khi cầu mới bằng bê tông cốt thép xây xong thì lại gọi là Bà Chiêm. Chuyện kể rằng anh chỉ huy xây dựng hai cây cầu này vốn quê ở vùng chiêm trũng Bắc Bộ nên khi thi công đã gọi chệch đi cho đỡ tiếu lâm và đỡ nhớ về miền quê chiêm trũng của mình. Đi từ nội thành qua đến đường Huỳnh Tấn Phát, quận 7, vòng qua vòng xoay dưới chân đường dẫn trên cao của cầu Phú Mỹ, quẹo trái sang đường Nguyễn Văn Quỳ để xuống cảng Lotus thì gặp đường Đào Trí, quẹo phải là vào ngay đầu cầu Bà Bướm. Đó là cây cầu nằm ở phường Phú Thuận Bắc ngang rạch cùng tên chảy ra sông Sài Gòn. Tên rạch Bà Bướm đã có từ năm 1902 lận. Những cái tên Chiêm (hoặc gốc là Chim), Bướm… là tục chăng? Theo nhiều nhà nghiên cứu văn hóa thì hoàn toàn không. Những cái tên như thế phần nào phản ánh tín ngưỡng phồn thực bình dân và tâm lý dễ gọi thì dễ nuôi. Điều này chính là hình thái đơn giản của tín ngưỡng phồn thực và nó phổ biến ở hầu hết các nền văn hóa nông nghiệp trên thế giới. |