Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận ba con heo nhốt trong chuồng không có giấy chứng nhận kiểm dịch. Sau khi xét nghiệm nhanh, đoàn ghi nhận số heo nói trên không nhiễm bệnh nên yêu cầu chủ hàng mang đến cơ sở Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM) giết mổ.
Ông Nguyễn Duy An, công chức kinh tế và môi trường UBND phường 15, cho biết ông phải ngồi ở quán cà phê gần đó khá lâu để tìm cơ hội vào được lò mổ heo lậu nói trên. “Những người giết mổ heo lậu hầu như quen mặt nhân viên làm trong UBND phường nên họ đánh động và canh chừng rất kỹ khi thoáng thấy từ xa” - ông An cho hay.
Quả thật trong năm 2018, lò mổ heo lậu 2/24 Tô Ngọc Vân bị UBND phường 15 phạt hai lần. Lần đầu là phạt ông Hà Quang Hữu, lần thứ hai phạt ông Nguyễn Văn Công và lần này là bà Nguyễn Thị Kim Liên.
Thành viên đoàn kiểm tra liên ngành quận Gò Vấp, TP.HCM lấy mẫu nước tiểu heo xét nghiệm. Ảnh: TRẦN NGỌC
Tương tự, lò mổ heo lậu ở địa chỉ 114/94 Tô Ngọc Vân, phường 15 cũng bị UBND phường này phạt… năm lần vào năm 2018. Lần đầu ông Đào Xuân Đoàn nhận “tội”, tiếp theo là phạt ông Nguyễn Trường Giang, kế đến là ông Lê Văn Nhạc, lần thứ tư là ông Nguyễn Văn Hiệp, lần thứ năm là ông Lê Văn Nhạc.
Đầu năm 2019, lò mổ heo lậu này cũng bị UBND phường 15 ra quyết định phạt. Tuy nhiên, lần này người bị phạt là ông Nguyễn Duy Nam.
Theo ông An, ngoài tìm cách đối phó, những người mổ heo lậu cũng rất dữ dằn. “Có lần tôi và một nhân viên thú y bắt quả tang heo sống đang nhốt trong một lò giết mổ lậu. Chủ lô heo nhanh tay lùa heo ra khỏi chuồng để phi tang. Tôi và nhân viên thú y lùa heo vô lại chuồng liền bị chủ lô heo khóa cổng nhốt lại. Chúng tôi phải trèo rào thoát thân” - ông An kể.
Ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM, cho biết do lợi nhuận cao và mối mang khá nhiều nên người mổ heo lậu khó bỏ nghề. Cứ bị phạt hôm nay thì hôm sau họ lại cạo lông heo tiếp.
“Có lần tôi xử lý một vụ mổ heo lậu nên thu giữ toàn bộ heo đã giết mổ. Lát sau, chủ hàng kêu vợ ra chợ đầu mối Bình Điền mua thịt heo để kịp giao cho mối. Ông này còn nói với vợ là “làm gì thì làm nhưng đừng để mất mối mang”. Bị phạt hôm nay, hai ngày sau lại thấy ông này mổ heo lậu tiếp” - ông Phát nói.
Ông Phát còn cho biết người mổ heo lậu tìm đủ cách để qua mặt cơ quan thú y. “Trong quá trình vận chuyển heo lậu, họ sử dụng lại giấy chứng nhận kiểm dịch của lô heo trước đó. Khi bị bắt, cơ quan thú y chỉ có thể phạt họ hành vi chở heo tới địa chỉ không đúng như trong giấy kiểm dịch. Với hành vi này, họ bị phạt ít hơn so với việc chở heo không có giấy kiểm dịch” - ông Phát nói thêm.