Tại cơ quan điều tra, Phát khai nhận đã hành nghề chữa bệnh theo cách này từ đầu tháng 9-2015 đến nay. Hằng ngày có 70-100 người đến trị bệnh với phương thức chủ yếu là dùng bông chấm nước huơ lên huơ xuống khắp người bệnh nhân, sau đó cho họ uống nước lã được múc từ sông lên.
Thượng úy Trương Văn Nguyên, Trưởng Công an xã Vĩnh Hội Đông, cho biết tại thời điểm phục kích bắt Phát thì tại nhà Phát còn có hai người giúp sức cho y chữa bệnh là bà Võ Thị Hiền (30 tuổi, ngụ thị trấn Long Bình, huyện An Phú, An Giang) và ông Phan Văn Quới (34 tuổi, ngụ xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang).
Phát thì xoa và cho người bệnh uống nước lã, còn Hiền đang đứng
"chữa bệnh" bằng tay cho nhiều người."Hiền và Quới lên đồng rồi cho người bệnh uống nước lã và nói sẽ chữa hết bá bệnh nên tụ tập rất đông người ngoài địa phương. Chúng tôi đã mời hai người này lên làm việc và cho làm cam kết không tái phạm. Nếu không sẽ xử lý đúng pháp luật về hành nghề không giấy phép và mê tín dị đoan gây mất an ninh trật tự khu vực” - ông Nguyên nói.
Chiều tối cùng ngày, Thiếu tá Nguyễn Quang Kỳ, Đội An ninh của Công an huyện An Phú, cho biết đây là lần thứ hai Phát bị mời lên làm cam kết không hành nghề mê tín dị đoan. Trước kia, Phát theo học ngành công nghệ thông tin ở TP.HCM nhưng do hoàn cảnh riêng nên đã nghỉ học rồi về địa phương hành nghề mê tín dị đoan.
Công an huyện An Phú cũng cho biết trước đó cũng đã có nhiều đối tượng hành nghề mê tín dị đoan ở địa phương bị mời làm việc như vụ thầy Năm thổi hơi chữa bệnh ở xã Khánh Bình, Phước Hưng, Vĩnh Hậu… đa số đối tượng này đều có hình thức tương tự nhau là dùng nước lã chữa bệnh rồi lên đồng nhằm mê hoặc người dân.