Lầu Năm Góc đề nghị Thượng viện cho phép mua động cơ tên lửa đẩy Nga
Sau khi các công ty hàng không-vũ trụ tư nhân Mỹ vẫn tiếp tục được mua tên lửa đẩy của Nga, nhằm phục vụ cho các chuyến bay vũ trụ dân sự, đến lượt Bộ quốc phòng nước này đòi hỏi họ cũng phải được mua tên lửa đẩy của Nga, bất chấp lệnh trừng phạt kinh tế Nga của chính quyền Obama.
Ngày 13-5 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và Giám đốc tình báo của Mỹ James Clapper đã đệ trình kiến nghị lên Thượng viện Hoa Kỳ, cho phép quân đội nước này mua động cơ tên lửa đã đặt mua của Nga trước khi sát nhập Crimea - theo DW.
Người đứng đầu Lầu Năm Góc và Giám đốc tình báo Mỹ đã yêu cầu Thượng viện tháo dỡ hạn chế về cung cấp động cơ tên lửa RD-180 của công ty "Energomash"/Nga vì Mỹ gặp "những thách thức lớn" trong lĩnh vực phóng thiết bị không gian vì mục đích quốc phòng và tình báo.
Lầu Năm Góc đã đặt mua tất cả 18 động cơ RD-180 theo hợp đồng được ký kết trước khi bán đảo Crimea sát nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga. Do các hạn chế bởi lệnh trừng phạt Nga do Thượng viện nước này đặt ra, phía quân đội chỉ được phép mua 5 động cơ.
Người đứng đầu Ủy ban Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ John McCain đã bày tỏ thái độ không đồng tình với yêu cầu của Bộ quốc phòng Mỹ vì sợ sẽ xảy ra tiền lệ xấu cho những lần sau.
Tên lửa đẩy vũ trụ Antares của Orbital Sciences sử dụng động cơ RD-180 của Nga
Theo ông, ngân sách quân sự không thể chấp nhận chi tới 300 triệu USD từ nguồn lực quốc phòng quý giá của Mỹ để “trợ cấp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin và ngành vũ khí Nga" phát triển vượt qua khó khăn.
Hiện Ủy ban Quân vụ của Thượng viện Mỹ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, trong trường hợp Thượng viện Mỹ chấp thuận đề nghị của Lầu Năm Góc thì họ cũng sẽ phải chờ sự đồng ý của Điện Kremlin, bởi phía Nga hiện mới chỉ cung cấp các tên lửa này cho mục đích dân dụng.
Được biết, vào ngày 12-12-2014, Thượng viện Mỹ đã phê chuẩn dự toán ngân sách quốc phòng bổ sung trong năm tài khoá 2015, trong đó có quy định cấm mua động cơ tên lửa RD-180 của Nga lắp trên tên lửa đẩy Atlas-5 (thường được dùng để phóng vệ tinh quân sự lên quỹ đạo).
Nỗ lực “thoát Nga” bất thành của ngành hàng không vũ trụ Mỹ
Tháng 3 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã quyết định chấp thuận cho Tổ hợp chế tạo Energomash và Tập đoàn tên lửa-vũ trụ hợp nhất (URKC) nối lại việc xuất khẩu động cơ tên lửa RD-180 cho tập đoàn Mỹ Orbital Sciences lắp trên tên lửa đẩy vũ trụ Antares.
Tổng giám đốc URKC, Vladimir Solsev cho biết, Nga sẽ chỉ cung cấp động cơ tên lửa cho các chương trình phóng vệ tinh phi thương mại của Orbital Sciences - tập đoàn tên lửa vũ trụ tư nhân hàng đầu của Mỹ với dòng tên lửa đẩy Antares và Cygnus.
Hợp đồng cũng cấp 60 động cơ tên lửa đẩy và hỗ trợ công tác huấn luyện, bảo trì và lắp đặt động cơ vào tên lửa, có trị giá hơn 1 tỷ USD được 2 bên được ký kết vào tháng 12-2014. Cả 2 bên Nga và Mỹ đều hài lòng với sự hợp tác lâu dài trong khoảng thời gian 15-25 năm tới.
Cận cảnh xưởng sản xuất động cơ tên lửa đẩy RD-180 của Energomash/Nga
Tuy nhiên, cũng trong tháng 12-2014, Bộ quốc phòng vẫn Mỹ tiếp tục phóng tên lửa Atlas 5 bằng động cơ khởi tốc giai đoạn đầu RD-180 của Nga, đưa vệ tinh NROL-35 lên quỹ đạo, bất chấp lệnh cấm sử dụng loại động cơ này của Quốc hội Mỹ.
Vụ phóng vệ tinh từ căn cứ quân sự Vandenberg ở California đã bị Quốc hội Mỹ phê phán kịch liệt, bởi vệ tinh NROL-35 sẽ được nước này sử dụng phục vụ Cơ quan Tình báo Quốc gia.
Ngày 11-3 vừa qua, Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ NASA vừa thử thành công một loại tên lửa đẩy nhiên liệu rắn Space Launch System (SLS). SLS có chiều dài 54m, tải trọng lên tới 130 tấn, tạo ra lực đẩy 1.630 tấn và sản sinh nhiệt độ cao lên tới 2.500 độ C.
Tuy nhiên, Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energomashhồi cuối tháng 1-2015 cũng đã tuyên bố, từ khâu thử nghiệm cho đến khi sản xuất thành công là khoảng thời gian rất dài, Mỹ sẽ cần trên 3 tỷ USD và khoảng thời gian 10 năm để sản xuất thay thế các động cơ Nga.
Việc Lầu Năm Góc “nài nỉ” Thượng viện cho phép mua động cơ tên lửa lần này tiếp tục khẳng định sự phụ thuộc của Mỹ vào tên lửa đẩy của Nga. Nó cho thấy nhận định của Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energomashlà chính xác, Washington còn cần thời gian rất lâu để “thoát Nga”.
Theo Nguyễn NgọcTổng hợp (ANTĐ)