Những nghệ sĩ lừng lẫy một thời - Bài 1

Lê Cung Bắc: Ẩn sĩ giữa đời thường

Hiện Lê Cung Bắc vẫn đang bận túi bụi với bộ phim điện ảnh Ba điều ước (Three Wishes) của hai hãng phim Việt hợp tác với Hàn Quốc. Anh là thường trực Hội đồng Nghệ thuật của Tập đoàn IMC (TodayTV) trong hơn ba năm qua. Mới đây, anh được mời tham gia ban thẩm định và duyệt phim dự án Hồ sơ lửa, dài 1.100 tập, vừa được phát 40 tập đầu trên một loạt kênh truyền hình những ngày qua.

Nơi tĩnh tâm sau khi rời phim trường

Bước vào nhà Lê Cung Bắc là bước vào một thế giới yên bình, không gian tĩnh lặng của một thiền sư. Không thấy dấu vết gì là nơi chốn trở về của một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng. Từ cổng vào, hai bên lối đi là những chậu nguyệt quế xanh mướt, tỏa hương ngào ngạt. Thay vì tiếp ở phòng khách, chủ nhân mời bạn cố tri đến một căn phòng biệt lập ở cuối nhà, có khung cửa hẹp nhìn ra một khoảnh sân nhỏ nhiều chậu hoa cảnh mà anh gọi là “Tĩnh tâm cốc”. Đập vào mắt tôi là mấy bức thư pháp chữ Hán. Thấy tôi có vẻ lơ ngơ, Lê Cung Bắc đọc, cố ý cho tôi nghe, phiên âm Hán Việt: “Sắc tức thị không/ Không tức thị sắc” - hai câu trong Bát-nhã Ba-la-mật-đa Tâm kinh của Phật giáo. Ở phía đối diện là hai câu thơ nổi tiếng của Thiền sư Mãn Giác: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”. Ở cuối phòng là hai câu thơ của Lý Bạch: “Xử thế nhược đại mộng/ Hồ vi lao kỳ sinh” (Cuộc đời như giấc chiêm bao. Làm chi mà phải lao đao một đời). Lê Cung Bắc bảo sau những ngày lặn lội đi quay ở các phim trường náo nhiệt, đây là nơi chốn mình trở về tĩnh tâm. Anh thấm nhuần và tâm đắc những lời Phật dạy như: “Sai lầm lớn nhất của đời người là đánh mất mình; Lễ vật lớn nhất của đời người là lòng khoan dung; Món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm…”. Lê Cung Bắc tự nhủ sẽ cố gắng không đánh mất mình, luôn sống với lòng khoan dung và cố gắng trang trải tất cả món nợ tình trong cuộc đời theo một ý nghĩa cao đẹp nhất. Thể hiện rõ nhất qua việc anh sống chan hòa tình cảm với mọi người, thường xuyên âm thầm đi quyên góp từ các mạnh thường quân và bản thân cũng đóng góp tiền bạc để hỗ trợ cho những nghệ sĩ cao tuổi khó khăn, neo đơn, bệnh tật…

Đạo diễn Lê Cung Bắc (phải) chụp ảnh lưu niệm với các diễn viên trong giờ giải lao ở phim trường.

Thạc sĩ kinh tế đi làm phim

Lê Cung Bắc là một trường hợp khá đặc biệt trong giới điện ảnh và truyền hình Việt Nam: Không xuất thân từ một trường điện ảnh, kịch nghệ nào mà từ một trường đại học (ĐH) kinh tế. Anh tốt nghiệp cao học (tức thạc sĩ) quản trị kinh doanh nhưng vốn rất mê kịch nghệ, nên ngay từ khi còn học ĐH cho đến khi ra trường Lê Cung Bắc thường xuyên tham gia kịch nghệ hơn là kinh doanh. Trong thời gian học ở ĐH Đà Lạt, Lê Cung Bắc đã đứng ra thành lập ban kịch Thụ Nhân. Anh vừa biên kịch vừa đạo diễn kiêm diễn viên, dàn dựng nhiều vở kịch nổi tiếng với đối tượng khán giả hầu hết là trí thức, sinh viên như Thành Cát Tư Hãn, Những người không chịu chết của Vũ Khắc Khoan; Người viễn khách thứ mười của Nghiêm Xuân Hồng

Sau khi tốt nghiệp ĐH năm 1970, Lê Cung Bắc về Sài Gòn học cao học, vừa viết báo vừa tham gia diễn kịch cho Đài Truyền hình Sài Gòn. Ban kịch Thụ Nhân ở Đà Lạt để lại cho các bạn lớp sau, trong đó có Phạm Thùy Nhân - sau này là nhà biên kịch nổi tiếng, hợp tác với Lê Cung Bắc trong hầu hết phim mà anh đạo diễn. Sau năm 1975, Lê Cung Bắc tiếp tục hoạt động một thời gian ở Sân khấu kịch Bông Hồng rồi chuyển hẳn sang hoạt động điện ảnh. Một số phim nhựa mà Lê Cung Bắc đóng vai chính đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng khán giả như vai Trí trong phim Con thú tật nguyền, vai Trung tá Bửu trong phim Hồi chuông màu da cam, Lê Chiêu Thống trong phim Thăng Long đệ nhất kiếm, Đại tá Trần Hiền trong phim Đằng sau một số phận, Lão cùi trong phim Dấu ấn của quỷ… Nhưng chỉ từ khi Lê Cung Bắc đổi vị trí từ trước ra sau ống kính (từ diễn viên chuyển sang đạo diễn) ở độ tuổi đủ “chín” cùng vốn sống và đặc biệt vốn kiến thức phong phú, anh như lột xác, phát huy được tiềm năng và tư duy nghệ thuật.

Ngay bộ phim đầu tay Lê Cung Bắc đạo diễn Trên cả hận thù (năm 1992), anh đã muốn thể hiện khuynh hướng nghệ thuật của anh. Vốn là một Phật tử thuần thành, quan điểm Lê Cung Bắc rất rõ ràng: Xóa bỏ hận thù, một kiểu “lập ngôn” dựa trên tinh thần Phật giáo. Anh cho rằng ở đời ai cũng có lúc sai lầm, có thể do sự ham muốn nhất thời hoặc do sự mê muội, mờ mịt ám chướng nào đó mà hành xử không đúng. Người nghệ sĩ - ở đây là đạo diễn - khi làm phim cần phải trải lòng ra, chuyển tải tâm thức, mang cái đẹp đến người xem.

Lê Cung Bắc là đạo diễn bộ phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của hãng phim truyền hình TP.HCM (TFS) hơn 20 năm trước, Người đẹp Tây đô đã đưa tên tuổi Việt Trinh và Hồng Ánh sáng chói. Sau đó anh tiếp tục cộng tác với TFS trình làng hàng loạt phim tạo dấu ấn trong lòng khán giả. Có thể kể: Không thể rẽ trái (huy chương vàng Liên hoan phim Việt Nam năm 1996), Cõi tình (giải B Hội Điện ảnh Việt Nam năm 1998), Dòng đời, Xóm cũ, Nơi trái tim ở lại. Đặc biệt, bộ phim sử thi Vó ngựa trời Nam đoạt huy chương vàng Liên hoan phim truyền hình và Cánh diều bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2010. Riêng Lê Cung Bắc đoạt Cánh diều vàng Đạo diễn xuất sắc nhất.

“Thà để người phụ chớ không phụ người”

Mấy năm gần đây, nhiều lần Lê Cung Bắc được mời tham gia ban giám khảo các giải thưởng như Bông sen của Cục Điện ảnh hay Cánh diều của Hội Điện ảnh Việt Nam, cũng như ban giám khảo các liên hoan phim truyền hình toàn quốc và giải Ngôi sao xanh hàng năm của Tập đoàn IMC.

Lê Cung Bắc tính tình bộc trực, thẳng thắn, vui vẻ, dễ gần gũi, được bạn bè và anh em trong giới đánh giá là một nghệ sĩ nghiêm túc cả trong công việc cũng như quan hệ bạn bè, đồng nghiệp. Mặc dù anh là một nghệ sĩ rất đa tình, lãng mạn nhưng với anh, gia đình, vợ con vẫn là số một. Lê Cung Bắc sống nội tâm, dễ xúc động và rất dễ rơi vào cô đơn. Anh thường tụng kinh Phật, đọc sách triết học Phật giáo và văn học Pháp.

Với Lê Cung Bắc, sống là phải làm việc để chứng tỏ sự hiện diện của mình trong cuộc đời nhưng tất cả việc làm đó không phải chỉ để mang hạnh phúc cho riêng mình mà còn phải mang lại hạnh phúc cho người khác. Bắc là người rất hăng say trong công việc nhưng chưa bao giờ anh tranh giành với một ai. Anh thường né tránh những xung đột về quyền lợi với người khác và thường nói đùa với bạn bè: “Ngày xưa Tào Tháo phụ người chớ không để người phụ, còn tôi thì ngược lại, thà để người phụ chớ không phụ người”.

Những ngày không bận rộn với công việc, anh thường ngồi tĩnh lặng một mình trong Phù Vân Các trên sân thượng rợp bóng cây cảnh. Đó là những lúc anh trở về với chính mình, quên đi tất cả xao động của cuộc sống. Anh rất thích và thường hay ngâm nga mấy câu thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ. Người khôn người đến chốn lao xao… Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp. Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao”. Anh cũng thuộc rất nhiều thơ Đường và thơ Pháp nên mỗi khi gặp bạn bè đối ẩm, anh lại cảm hứng đọc như một cách bộc lộ tâm tình.

Xem phim Lê Cung Bắc, từ phim truyện nhựa cô đọng, sâu lắng, đầy chất nghệ thuật đến các bộ phim truyền hình nhiều tập có tính sử thi, lịch sử cận đại… hầu hết vẫn bàng bạc tính nhân văn, hướng tới chân - thiện - mỹ. Lê Cung Bắc quan niệm dù làm phim thuộc thể loại nào cũng phải thu hút người xem.

Anh nói: “Làm văn học nghệ thuật, muốn gửi gắm thông điệp gì thì đầu tiên phải có người xem, người nghe, người đọc trước đã”. Thông điệp của hầu hết phim Lê Cung Bắc là đưa người thưởng ngoạn đến với Cái Đẹp. Cái Đẹp viết hoa. Lê Cung Bắc rất tâm đắc một câu của văn hào Dostoievski: “Chỉ có Cái Đẹp mới cứu chuộc được thế giới”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm