Chiều 30-7-2011, Sài Gòn ướt át bởi cái đuôi cơn bão Top-ten quét qua. Tôi hẹn gặp ông Len Aldis lúc 16 giờ tại khách sạn Hương Sen, đường Đồng Khởi, quận 1. Đúng giờ, ông xuất hiện, nụ cười hiền lành trên môi.
“Nếu là bạn, bạn cũng sẽ như thế thôi…”
Ông Len - theo cách gọi thân mật của tôi vừa bay nửa vòng Trái đất từ nước Anh xa xôi đến Việt Nam. Tôi biết ông đã chuẩn bị hơn nửa năm trời cho chuyến trở lại Việt Nam lần này, nhân sự kiện 50 năm ngày quân đội Mỹ rải chất độc da cam/dioxin xuống Việt Nam (10-8-1961 – 10-8-2011). Trên sổ tay của ông, lịch làm việc những ngày tới dày đặc. Đó là các cuộc gặp gỡ, tọa đàm, thăm viếng, tặng quà cho nạn nhân da cam... Một tuần sau ông sẽ bay ra Hà Nội chuẩn bị cho một hội nghị quốc tế về nạn nhân da cam.
Ông Len đã bước qua cái tuổi 80 nhưng vẫn hăm hở với công việc như ở tuổi thanh niên, hẳn phải có điều gì thôi thúc ông. Ông kể cách đây 22 năm (thời điểm năm 2011), lần đầu tiên đến Việt Nam, được tận mắt chứng kiến những di hại của chất độc da cam trên con người, ông về không ngủ được. Đó là những quái thai còn lưu giữ trong Bảo tàng chứng tích chiến tranh Việt Nam. Đó là những trẻ dị dạng ở làng Hòa Bình - BV Từ Dũ TP.HCM. Đó là cặp song sinh Việt-Đức được nhiều người biết đến qua ca mổ tách đôi đầy tình người… Những hình ảnh ấy cứ ám ảnh ông. “Nếu là bạn, bạn cũng sẽ như thế thôi, bạn cần phải làm một điều gì đó để góp phần xoa dịu nỗi đau này” - ông nói.
Sau lần đó ông quyết định trở lại Việt Nam và đều đặn như thế gần như mỗi năm. Lặn lội vào những xóm làng xa xôi từ Bắc chí Nam để tiếp cận với cuộc sống hằng ngày của các nạn nhân da cam, ông gặp ở đó nhiều nghịch cảnh đau đớn, khổ cực, mất mát không gì có thể bù đắp được. Ông tự hỏi tại sao họ - những thường dân vô tội phải chịu hình phạt này? Năm 1992, ông thành lập Hội hữu nghị Anh-Việt (Britain-Vietnam Friendship Society - BVFS) nhằm hỗ trợ các hoạt động nhân đạo và tổ chức đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân da cam Việt Nam.
Ông Len Aldis lần gặp năm 2011 khi trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: TNT
Những bạn nhỏ Việt Nam
Sau nhiều lần đến Việt Nam, ông Len có nhiều bạn ở xứ sở này. Đó là những trẻ em nhiễm chất độc da cam. Ông nói: “Những người bạn của tôi còn quá nhỏ, như mầm cây mới nhú. Đáng lẽ chúng phải được học hành, sống hồn nhiên như bao trẻ bình thường khác trên Trái đất này. Vậy mà từng ngày, từng giờ chúng sống với nỗi đau thân xác dày vò. Thế giới của chúng chỉ quanh cái giường nằm, căn phòng nhỏ đầy những tiếng thở dài và những giọt nước mắt của người thân, của cha mẹ. Tương lai của chúng thật mờ mịt” - ông nói.
Lần trở lại đó, ông đã đi thăm những bạn nhỏ ở Thanh Hóa. Và những em thiếu nhi da cam ở làng Hòa Bình - BV Từ Dũ. Chúng luôn ngóng chờ ông, như bao đứa trẻ da cam khác trên đất nước này chờ ông. Trong đó, có cô gái tên Hoàng Loan mà ông đã từng ấn tượng trong một lần đi về Đồng Nai tìm hiểu về ảnh hưởng của chất độc da cam. Cô gái ngồi xe lăn, thân thể gầy gò quặt quẹo. Cô hầu như không thể điều khiển được đôi chân và đôi tay dị dạng của mình. Vậy mà cha cô cho biết cô đã cố gắng rất nhiều tập viết trên máy tính với sự giúp sức của bạn bè cô. Giờ đây Hoàng Loan đã có thể viết ra được những ước mơ của mình dưới những câu thơ. Một trong những bài thơ có tựa là Giọt lệ da cam:
Ðôi mắt buồn long lanh đôi giọt lệ
Hỏi là ai đã cướp nát những giấc mơ
Bao hạnh phúc bình thường giản dị
Và tấm thân lành lặn vẹn toàn
Tôi mơ ước được học hành, ca hát
Ngắm trời mây, biển cả rộng mênh mông
Ðược e ấp nói lời thương nhớ
Ước mơ yêu của tuổi mộng xuân thì
Nhưng mơ ước chỉ là đôi giọt lệ
Chiến tranh buồn chất độc da cam
Ðã cướp mất của tôi bao mơ ước
Từng cơn đau co giật tấm thân gầy
Ðôi tay yếu đôi bàn chân cong vẹo
Ðến bao giờ xóa hết những nỗi đau
Nỗi đau đó tôi mang từng giọt lệ
Giọt lệ buồn, giọt lệ sắc da cam.
Trong xúc động, ông Len đã dịch bài thơ trên ra tiếng Anh The oranged tears.
Ông Len kể năm 2009, ông gửi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama lá thư đòi hỏi có sự công bằng trong việc đối xử với các nạn nhân da cam. Tại sao những người lính Mỹ gây ra chiến tranh Việt Nam lại được hưởng trợ cấp sức khỏe, còn thường dân Việt Nam lại không?
Trong lá thư, ông đề nghị ngài tổng thống Mỹ thu xếp đến Việt Nam và thăm các nạn nhân da cam lấy một lần. “Lúc đó, tôi tin ngài tổng thống sẽ thay đổi nhận thức về vấn đề da cam Việt Nam. Và tự lương tâm ngài sẽ muốn làm một điều gì đó để góp phần làm dịu nỗi đau mà quân đội nước ngài đã gây ra”.
Ông Len Aldis từng có nhiều năm hoạt động giúp đỡ các nạn nhân nhiễm chất độc da cam Việt Nam. Ảnh: EASTLONDON-NEWS
Nỗi đau của thời gian
Nỗi đau da cam đã được nhắc tới nhiều, đã từng gây ám ảnh cho nhiều người. Nhưng với ông, đó không chỉ là nỗi đau của thể xác, của tâm hồn mà còn là nỗi đau của thời gian. Ông kể một lần đến thăm một gia đình nạn nhân da cam ở Thanh Hóa, ba đứa con với hình hài quặt quẹo. Chúng lớn dần cùng nỗi đau theo năm tháng. Người cha, một cựu chiến binh, tâm sự: “Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi rồi, trong người tôi cũng mang đầy thương tích chiến tranh, lúc trái gió trở trời lại đau nhức không thể nào ngủ được”. Và điều ông lo sợ nhất là sẽ không có ai chăm sóc chúng khi ông chết. Nỗi đau da cam nối tiếp qua nhiều thế hệ. Nỗi đau của thời gian chắc sẽ còn dài.
Cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân da cam Việt Nam nhiều năm qua đã bước đầu có kết quả nhất định. Ngày 25-7-2011, dân biểu Bob Filner (California, Mỹ), Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề cựu binh của Hạ viện Mỹ, đã đệ trình dự luật H.R.2634 lần đầu tiên đề cập đến việc hỗ trợ các nạn nhân da cam. Đặc biệt, dự luật nhấn mạnh đến việc chăm sóc y tế cho các nạn nhân da cam cả người Việt lẫn cựu binh Mỹ.
“Vụ kiện không phải là cuộc chiến đấu một ngày, một tháng hay một năm mà phải liên tục nhiều năm. Tôi và các cộng sự sẽ tiếp tục thu thập chữ ký. Giờ chúng tôi có gần một triệu chữ ký ủng hộ vụ kiện” - ông Len nói dứt khoát.
Ông cho biết tại hội nghị quốc tế nạn nhân chất độc da cam lần thứ hai diễn ra tại Hà Nội ngày 8 và 9-8-2011, những tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế sẽ đưa ra một kiến nghị kiện những cá nhân sản xuất và rải chất độc da cam tại Việt Nam lên Tòa án La Haye (Tòa án Hình sự Quốc tế - ICC).
“Tôi và BVFS đã kêu gọi các nghị sĩ Nghị viện châu Âu vận động chính phủ Anh đề nghị Liên Hiệp Quốc lấy ngày 10-8 hằng năm là ngày Quốc tế các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” - ông Len cho biết.
Hôm sau ông bay ra Hà Nội để chuẩn bị cho sự kiện 50 năm thảm họa da cam ở Việt Nam. Những năm sau, chúng tôi thường xuyên mail thăm hỏi công việc và tình hình sức khỏe của nhau. Ông thường lên Yahoo Messenger chat với chúng tôi. Rồi gần đây không thấy ông trên Yahoo Messenger, tôi cứ nghĩ ông bận việc, ai ngờ… Xin bày tỏ lòng ngưỡng mộ và thương nhớ đến ông. Xin cám ơn những công việc ông đã làm cho các nạn nhân da cam Việt Nam. Mong ông an lạc ở cõi vĩnh hằng.
Ông Len Aldis, Tổng Thư ký Hội Hữu nghị Anh-Việt, vừa qua đời hôm 27-11-2015 tại Anh quốc, thọ 85 tuổi. Kể từ lần đầu tiên tới Việt Nam vào năm 1989, Len Aldis đã có hơn 30 chuyến viếng thăm tới Việt Nam, tham gia các hoạt động để giúp các nạn nhân chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là các nạn nhân da cam. Năm 1992, ông là người sáng lập và trở thành thư ký Hiệp hội Hữu nghị Anh-Việt ở London. Ông là một người bạn lớn của Việt Nam, đã có nhiều năm vận động đòi công lý cho nạn nhân da cam. Sự ra đi của ông gây xúc động và nuối tiếc cho nhiều người Việt Nam. Tôi quen ông Len Aldis từ năm 2010. Tháng 7-2011, ông Len Aldis sang Việt Nam dự lễ sự kiện 50 năm thảm họa da cam (10-8-1961 – 10-8-2011) và hẹn gặp tôi ở TP.HCM. Tuy là lần đầu gặp nhau nhưng tôi có cảm tưởng đã quen ông lâu lắm rồi. Tôi ghi lại cuộc chuyện trò như nén hương tưởng nhớ đến ông. |