Lỗ hổng trong kiểm soát DNNN

Vấn đề doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hết sức phức tạp cả về quản lý và cải cách. Hiện nay có sự lẫn lộn giữa đại diện chủ sở hữu và quản lý của Nhà nước. Kém hiệu quả, thất thoát là “căn bệnh cần điều trị khẩn cấp” của các DNNN, cần có “liều thuốc” pháp lý thông qua xây dựng văn bản về cơ chế thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu của Nhà nước đối với DNNN để xử lý mối quan hệ nội bộ giữa DN và sở hữu chủ; chấm dứt tình trạng thiếu căn cứ pháp lý để xử lý sự tùy tiện, kỷ luật tài chính không chặt chẽ tại DNNN. Cách phân cấp quản lý theo ngành, lĩnh vực dẫn đến thực trạng gây bức xúc dư luận là không có cơ quan nào có đầy đủ quyền và chịu trách nhiệm toàn bộ về hoạt động của các DNNN (như trong vụ Vinashin), chưa quan tâm đến cơ chế quản lý nhân sự trong tổ chức bộ máy của các DNNN.

Hiệu quả kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn, tài sản trong DNNN còn bị ảnh hưởng bởi tình trạng can thiệp hành chính của các bộ, ngành, địa phương. Pháp luật về quản lý DNNN đang thiếu nên chủ sở hữu thờ ơ hoặc không có động lực lợi ích quản lý phần được giao về vốn nhà nước trong DNNN.

Ngoài ra, chúng ta còn để ngỏ kẽ hở rất lớn cho tham nhũng là chưa kiểm soát được sự dịch chuyển tài sản. Tài sản, thu nhập dịch chuyển không được kê khai, kiểm soát kịp thời chính là kẽ hở của tham nhũng. Khi vụ việc bị phát hiện thì khối tài sản lớn của Nhà nước đã bị tẩu tán, chia cho người thân, con cái đứng tên. Cũng đã có nhiều cảnh báo hiện tượng dịch chuyển tài sản ra nước ngoài, cho người thân, con cái của những người tham nhũng đứng tên. Xác minh điều đó không khó, quan trọng là phải ngăn chặn từ gốc sự dịch chuyển, tẩu tán nên cần có cơ chế kiểm soát càng sớm càng tốt.

Quản lý nhà nước với DNNN và các DN khác cần có mẫu số chung chứ không nên quản lý theo hai sân chơi khác nhau. Nếu tồn tại hai sân chơi khác nhau thì DNNN mãi mãi vẫn rơi vào tình trạng “cha chung không ai khóc”, nhiều kẻ sẽ tha hồ tạo kẽ hở đục khoét!

Thiết nghĩ với trách nhiệm của mình, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc rà soát lại cơ chế, sửa đổi đồng bộ, tránh những lỗ hổng trong chính sách, cơ chế, đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cương quyết thực hiện quản lý chặt chẽ, bịt kín các lỗ hổng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới