Lo ngay ngáy khi tiêm lại vắc xin Quinvaxem

Nhiều phụ huynh vẫn lo lắng phân vân khi cho con tiêm lại vắc xin Quinvaxem - Ảnh: Ngọc Thắng

Không tiêm cũng sợ mà tiêm xong cũng lo

   Thôi, cứ đành tin vào bác sĩ, bệnh viện, vắc xin tốt. Hy vọng các con của chúng ta đều khỏe mạnh các mẹ ạ     
Phụ huynh trên diễn đàn dành cho các bà mẹ trấn an



“Thiệt tình là rất lo khi có những trường hợp bé bị tử vong sau khi chích ngừa. Bây giờ con không được chích ngừa cũng lo ngay ngáy mà chích xong thì lại còn lo hơn”, chị Mai Ngọc Thủy (ngụ Lê Văn Sỹ, quận hú Nhuận, TP.HCM), có con ba tháng chia sẻ.

Trong khi đó, chị Hoàng Bảo Minh (quận 7, TP.HCM), cho biết “Nói thiệt, tôi cũng phân vân, lo lắng lắm! Nhưng không chích thì xem chừng cũng không ổn nên đành bấm bụng đưa con đi chích mà cứ phải lầm rầm khấn cầu trời phật phù hộ cho con bình an. Mỗi lần ẵm con đi chích ngừa về là cứ như ngồi trên đống lửa vậy”.

Cũng chính vì những lo lắng như thế mà nhiều phụ huynh có điều kiện hầu như đều quyết định cho con tiêm vắc xin dịch vụ ở các bệnh viện lớn. “Thà chịu mất tiền một chút (tiêm vắc xin dịch vụ) nhưng an toàn và yên tâm”, chị Thúy Nga (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nói.

Trong khi đó, ghi nhận tại một số trung tâm y tế phường thì hầu như đều rất cẩn trọng trong việc tổ chức tiêm ngừa lại vắc xin “5 trong 1”.

Tại Trạm Y tế phường Tân Phú, quận 7, một nhân viên y tế cho biết thay vì trạm chỉ tiêm ngừa vào ngày 15 hằng tháng nhưng nay do vắc xin Quinvaxem tạm ngưng lâu, lượng trẻ phải tiêm ngừa dồn lại nhiều nên để tránh quá tải, trạm y tế sẽ chích ngừa từ ngày mùng 1 - 4 mỗi tháng. Làm như vậy để giãn số lượng trẻ tiêm mỗi buổi, có thời gian cho bác sĩ khám và dễ theo dõi, xử lý hơn.

Thế nào là quy trình tiêm chuẩn?

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, quy trình tiêm chủng an toàn được quy định là: Bác sĩ tiếp nhận trẻ phải cân đo, khám sàng lọc trước. Trước khi tiêm xem trẻ có sốt, có đang bệnh gì không, hỏi kỹ tiền sử bệnh và dị ứng của trẻ. Trẻ sẽ bị hoãn tiêm nếu đang sốt, không tiêm nếu tiền sử có phản ứng mạnh với vắc xin cùng loại tiêm trước. Sau đó, bác sĩ mới đưa chỉ định tiêm, rồi tiêm cho trẻ. Đặc biệt, sau khi tiêm, trẻ phải được ở lại chỗ tiêm theo dõi phản ứng sau tiêm 30 phút và tiếp tục theo dõi ở nhà 24 giờ.

Tuy nhiên, hiện nay, ghi nhận tại các trạm y tế có thể thấy rằng quy trình chủng ngừa hầu như đã bị “rút gọn”. Trẻ đến tiêm chỉ được hỏi tên, tuổi, có bệnh gì không một cách qua loa. Sau đó trẻ được tiêm. Còn việc có ngồi lại theo dõi 30 phút sau tiêm hay không thì cũng tùy ý phụ huynh.

Chị Trần Hồng Ngọc (quận 7, TP.HCM) cho biết sau mũi tiêm đầu của con, chị không cho con đi tiêm ở trạm y tế nữa. “Lúc chích, trẻ đông nên hầu như khi vô chích, bác sĩ không khám gì, chỉ hỏi vài câu tên tuổi, cháu có bị bệnh gì không rồi chỉ định chích thôi. Không biết cô y tá tiêm chích làm sao mà chỗ chích bị áp xe, làm con mình đau quá khóc suốt... xót cả ruột”, chị Ngọc kể.

Chị Ngọc kể, lần sau đó, đưa con đi tiêm ngừa tại một bệnh viện lớn mới biết là bé phải được khám, đo nhiệt độ trước khi tiêm và phải ngồi chờ theo dõi sau tiêm 30 phút.

Được biết, trước khi tái sử dụng vắc xin Quinvaxem, ngành y tế TP.HCM đã đồng loạt kiểm tra điều kiện an toàn tại các cơ sở y tế tiêm ngừa cho trẻ. Đồng thời, yêu cầu thực hiện đúng quy trình tiêm chủng, bảo quản vắc xin, chuẩn bị sẵn sàng thuốc chống sốc và phương tiện cấp cứu.

Bên cạnh đó, Sở Y tế TP.HCM cũng cho phép các trạm y tế phường xã có mặt bằng chật hẹp được tăng thêm buổi tiêm chủng trong tháng. Các phường, xã có số trẻ đông, sẽ được hỗ trợ thêm nhân viên y tế.

Đồng thời, tất cả các đơn vị tiêm chủng không được tiêm cho quá 50 trẻ trong một buổi.

Các phản ứng phụ nào có thể xảy ra sau khi tiêm vắc xin Quinvaxem?

Trước đợt tiêm chủng trở lại, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết phản ứng phụ khi tiêm ngừa tất nhiên phải có, với biểu hiện tùy cơ địa của trẻ. Tuy nhiên, những phản ứng nguy hiểm rất hiếm khi xảy ra.

“Các phải ứng nặng, trầm trọng thường xảy ra trong vòng 30 phút sau tiêm. Vì vậy, phụ huynh cần chủ động cùng trẻ ở lại cơ sở y tế 30 phút để theo dõi và được can thiệp y tế ngay khi có các phản ứng này”, bác sĩ Thọ nhắc nhở phụ huynh.

Cụ thể các biểu hiện là: nổi ban, mề đay; sưng mội, phù mắt; khó thở, thở khò khè; mất tri giác.

Ngoài ra, khi về nhà, phụ huynh cũng cần theo dõi phản ứng của trẻ ít nhất 24 giờ. Các phản ứng phổ biến có thể gặp ở dạng nhẹ là: đau nơi tiêm, sốt, cáu kỉnh, biếng ăn, nổi ban, đau nhức, nhức đầu.

“Các phản ứng này kéo dài trong vòng 48 giờ và tự khỏi mà không cần can thiệp y tế”, bác sĩ Thọ nói.

Các phản ứng nặng thường là: sốt cao trên 39o C, co giật, khóc thét kéo dài, tím da, khó thở hoặc các biểu hiện bất thường.

Bác sĩ Thọ khuyến cáo, khi gặp các biểu hiện này, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện sớm.


Theo Nguyên Mi (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới