Lộ trình phê duyệt dự án đường bộ kết nối Khánh Hòa, Lâm Đồng và Ninh Thuận

(PLO)- Tỉnh Khánh Hòa dự kiến hoàn thành công tác phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường bộ kết nối với tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận trong năm 2023.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong báo cáo Quốc hội về tiến độ dự án Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận, Bộ KH&ĐT cho biết dự án này vẫn đang quá trình triển khai theo quy định.

Cụ thể, ngay sau khi Quốc hội cho chủ trương đầu tư dự án vào tháng 6, sau đó 30 ngày, Chính phủ đã ban hành văn bản chỉ đạo triển khai dự án.

Ngày 20-7, UBND tỉnh Khánh Hòa giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư dự án. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị liên quan tích cực, khẩn trương phối hợp triển khai thực hiện nghị quyết của Quốc hội.

Hiện Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Khánh Hòa đang tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần xây lắp và hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Theo kế hoạch, đến 31-12 sẽ hoàn thành công tác phê duyệt hai báo cáo trên.

Về công tác trồng rừng, dự án có tổng diện tích trồng rừng thay thế trên 223 ha. Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Khánh Hòa đăng ký trồng rừng thay thế cho dự án.

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Bộ Tư lệnh vùng 4 - Quân chủng Hải Quân kiểm tra, rà soát diện tích đất chưa có rừng trong phạm vi quản lý, đủ điều kiện thực hiện trồng rừng thay thế để đảm bảo đủ diện tích trồng rừng thay thế cho dự án.

Theo kế hoạch đề ra, tỉnh Khánh Hòa dự kiến hoàn thành công tác lập, thẩm định phê duyệt phương án trồng rừng thay thế trước ngày 31-12 năm nay; hoàn thành công tác trồng rừng thay thế (theo thời vụ) trước tháng 12-2024 và tiếp tục chăm sóc trong các năm tiếp theo.

Dự án Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa kết nối với tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận dài 56,9 km, với tổng mức đầu tư 1.930 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương khoảng 1.000 tỉ đồng, ngân sách địa phương 930 tỉ đồng.

Dự án được thiết kế với tốc độ chạy xe 60km/h, đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc được thiết kế 40km/h. Thời gian thực hiện từ năm 2023 đến hết năm 2027.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm