Theo các nhóm hoạt động môi trường, khi nhu cầu ăn sầu riêng của người Trung Quốc ngày một tăng cao, một số khu rừng tại khu vực Raub (bang Pahang ở Malaysia) đang được chặt bỏ để trồng sầu riêng, The Guardian đưa tin.
Khu vực này nổi tiếng với những "tour du lịch sầu riêng", nơi thu hút đa phần khách du lịch từ Trung Quốc và Singapore. Tuy nhiên, những cánh rừng ở đây cũng là nơi trú ngụ của loài hổ Malayan đang trên bờ tuyệt chủng. Theo thống kê của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF), hiện chỉ còn khoảng 300 cá thể của loài này đang sống trong tự nhiên ở khu vực phía Nam của bán đảo Malaysia.
Việc phá hơn 1.000 ha rừng ở huyện Raub (bang Pahang ở Malaysia) khiến loài hổ Malayan ở khu vực này có nguy cơ "mất nhà". Ảnh: AP
Bà Siti Zuraidah Abidin, nhân viên của Tổ chức WWF Malaysia, cho biết khu vực Hulu Sempam của huyện Raub, nơi các đồn điền sầu riêng đang được xây dựng, nằm ngay sát khu bảo tồn hổ Malayan. Hơn 1.000 ha rừng ở đây sẽ bị chặt bỏ và điều này làm ảnh hưởng đến khả năng di chuyển của các động vật hoang dã, trong đó có loài hổ.
Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở Trung Quốc ngày một tăng khiến giá thành loại trái cây này tăng mạnh. Để phục vụ thị trường đông dân nhất thế giới, những đồn điền sầu riêng đã mọc lên với số lượng lớn tại Malaysia, sầu riêng thậm chí còn được dự đoán sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của nước này, thay thế cho dầu cọ.
Nhưng cũng giống như việc các đồn điền trồng cọ ở Indonesia đe dọa môi trường sống của đười ươi hoang dã, các đồn điền sầu riêng mới được xây dựng ở Malaysia được cho là sẽ có tác động tiêu cực đến loài hổ đang nguy cấp của nước này.
Trong vòng một thập niên qua, giá trị nhập khẩu sầu riêng của Trung Quốc tăng trung bình 26%/năm, đạt mốc 1,1 tỉ USD vào năm 2016 và chưa có dấu hiệu sẽ giảm đi.
Quốc gia xuất khẩu sầu riêng lớn nhất thế giới hiện nay là Thái Lan, mỗi năm nước này xuất khẩu 402.661 tấn sầu riêng, trị giá 495 triệu USD, trong đó có 303.430 tấn (trị giá 394 triệu USD) được xuất sang Trung Quốc.