Hoạt động rầm rộ của loại hình tệ nạn này không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân nơi đây.
Sẵn sàng... tới bến
Quốc lộ 50 là một trong những trục đường chính nối TP.HCM với Long An. Vì thế mỗi ngày đêm, cung đường này có rất đông người xe qua lại. Đây là điều kiện thuận lợi để các quán cà phê trá hình hoạt động xôm tụ. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ trên đoạn đường ngắn chừng 300 mét gần dốc cầu Ông Thìn, giáp ranh hai xã Đa Phước và Qui Đức - huyện Bình Chánh, hiện tồn tại hơn chục quán cà phê có “chân dài” phục vụ. Hầu hết quán xá ở đây đều xập xệ, tồi tàn.
Điểm dễ nhận biết là quán nào cũng đặt một vài chậu cây kiểng phía trước để làm ám hiệu, bên trong kê mấy bộ bàn ghế bằng nhựa cũ kỹ, vào sâu hơn là những căn buồng tồi tàn, diện tích khoảng 4 - 6 mét vuông được quây bằng ván ép hoặc các loại vật liệu tạm bợ. Đây là không gian riêng để tiếp viên và khách có thể thoải mái mua vui. Điều khá đặc biệt, các quán cà phê loại này không bao giờ mở nhạc, cũng chẳng bán cà phê mà chỉ toàn nước giải khát đóng chai, nhưng số lượng và chủng loại rất khiêm tốn, nghèo nàn.
Khu vực này tập trung nhiều quán cà phê tệ nạn.
Trưa 20/12/2013, chúng tôi đến quán Hồng Vân (ở ấp 4, xã Đa Phước). Đang ngồi vắt chân chữ ngũ giũa móng tay, canh chừng xe cho khách, thấy tôi vào, cô chủ quán trạc ngoài 30 tuổi, mặt trét dày son phấn nở nụ cười cầu tài, vồn vã như gặp người thân đi xa về. Chẳng cần hỏi khách uống gì, cô ta vào trong khui một chai Number One và ly đá đặt xuống bàn. “Ủa, anh uống cà phê mà”. Nghe tôi phàn nàn, cô gái quàng vai tôi nũng nịu: “Anh thông cảm, quán em... hổng có cà phê, chỉ có thứ này không hà”. Lúc này ở gian buồng phía trong, vị khách quê Long An và cô tiếp viên của quán cũng vừa “hành sự” xong đi ra. Cầm tờ bạc 100.000 đồng của nhân viên đưa, bà chủ móc túi thối lại 50.000 đồng. Hỏi thêm vài câu xã giao cho có lệ, cô gái ngồi cùng tôi nắm tay nài nỉ: “Vào trong mát-xa cho khỏe đi anh”. “Mát-xa gì?”. Nghe tôi hỏi, cô chủ bật cười khanh khách rồi thản nhiên trả lời: “Anh thích mát chỗ nào em cũng chiều hết, được chưa?”.
Rời quán Hồng Vân, chúng tôi tiếp tục ghé quán Ngọc Trinh chỉ cách đấy chừng hơn 100 mét. Xét về quy mô, mặt bằng quán này rộng rãi hơn nhiều và “quậy” cũng bạo hơn. Thấy tôi đậu xe trước sân, cô chủ quán tên Trang bước ra đon đả: “Anh chạy xe vào trong nhà luôn cho an toàn”. Lấy nước và khăn lạnh cho khách xong, Trang cứ luôn miệng nài nỉ: “Mát-xa nghe anh, em chỉ tính 80 ngàn thôi. Sáng giờ ế quá, ủng hộ dùm em đi mà. Hay anh muốn... tới bến cũng được, hai trăm chớ mấy, tới luôn đi anh”. “Lỡ công an kiểm tra thì sao?”. “Anh yên tâm đi, em đóng cửa lại, khóa trong, làm sao biết được. Mà có kiểm tra đi nữa, em sẽ mở cửa hậu để anh ra phía sau nhà ngồi nhậu với ông già em. Ai hỏi thì em nói anh là người thân ghé thăm, họ cũng chẳng làm gì được đâu”. Nghe những lời trấn an của Trang, tôi chỉ biết lắc đầu.
Cùng kiểu hoạt động trá hình như hai quán trên, khu vực này còn hàng loạt quán khác với những tên gọi khá mỹ miều như: Hồng Thúy, Thảo My, Ngọc Dung, Kiều Ngân... Theo tìm hiểu, hầu hết những tiếp viên ở các quán này đều có mối liên hệ, khi quán này có khách vào đông, họ có thể gọi điện để chi viện lẫn nhau.
Chú Mười To, một người dân địa phương sinh sống lâu năm ở đây, bức xúc: “Từ hồi mọc lên mấy cái quán cà phê kích dục, an ninh trật tự ở vùng quê nghèo này cũng phức tạp hẳn. Người lớn còn hư nói gì đến thanh niên mới lớn. Quán nào cũng hoạt động công khai, vậy mà hổng hiểu sao mấy ổng không dẹp được cho bà con đỡ lo”.
Chính quyền địa phương nói gì?
Ông Phạm Thanh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Đa Phước, cho biết: "Theo kết quả khảo sát của địa phương, thời điểm trước đây trên địa bàn xã tập trung gần 30 quán cà phê có biểu hiện hoạt động kích dục, trong số này nhiều quán kinh doanh không có giấy phép. Trước thực trạng trên, UBND xã đã xây dựng kế hoạch tấn công, triệt phá, đặc biệt tập trung kiểm tra, chấn chỉnh các nhóm nghề kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh tệ nạn xã hội như nhà hàng, quán ăn, karaoke, quán cà phê...
Song song với công tác kiểm tra hành chính, công an xã đã mời các chủ quán làm việc, ký cam kết đảm bảo về an ninh trật tự, không tổ chức, chứa chấp tệ nạn. Chỉ tính trong năm 2013, Tổ kiểm tra liên ngành văn hóa xã hội của xã đã kiểm tra 79 lượt quán cà phê giải khát, nhắc nhở 31 lượt quán và đề xuất Chủ tịch UBND xã ra quyết định xử phạt 48 lượt quán với tổng số tiền 34.400.000 đồng, thu giữ hàng trăm bộ bàn ghế, bảng hiệu. Đề xuất UBND huyện ra quyết định xử phạt quán cà phê Thủy Ngân 15.400.000 đồng về các hành vi không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dùng đèn không đủ ánh sáng, sử dụng tiếp viên không ký hợp đồng, hoạt động kích dục".
Từ những biện pháp mạnh tay trên, theo đánh giá của ông Hùng, các quán cà phê trá hình đã có sự chuyển biến đáng kể, hiện trên địa bàn chỉ còn khoảng chục quán và nhiều quán trong số này chỉ hoạt động cầm chừng. Khó khăn lớn nhất hiện nay theo ông Hùng, một số quán đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của Sở Kế hoạch - Đầu tư thành phố, hoạt động theo luật doanh nghiệp nên chính quyền địa phương rất khó kiểm tra. Ngoài ra, một số quán còn sử dụng chiêu thay tên đổi chủ nhằm đối phó, lẩn tránh việc đóng phạt...
Nói về phương hướng sắp tới, ông Nguyễn Thanh Bạch, Bí thư xã Đa Phước, khẳng định: "Nhất quyết phải triệt xóa hoàn toàn các điểm đen tệ nạn này. Song song với việc kiểm tra liên tục, UBND xã sẽ bố trí lực lượng chốt chặn cạnh những quán cà phê có biểu hiện hoạt động kích dục".
Hy vọng với quyết tâm và sự nỗ lực của chính quyền địa phương xã Đa Phước, thời gian tới loại hình “cà phê tươi mát” tại địa bàn này sẽ bị triệt tiêu nhằm trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.
Theo Công An TP.HCM