Thế nhưng “chiến dịch” qua đi, loại hình tệ nạn xã hội này lại nhanh chóng hồi sinh, kéo theo đó là hàng loạt bất ổn về an ninh trật tự.
TRÀN LAN QUÁN “XUẤT”
“Cà phê xuất”, “cà phê kích dục” hay “cà phê... đen thui” là những cụm từ tiếng lóng mà dân chơi thường đề cập để ám chỉ các quán cà phê chuyên kinh doanh “dịch vụ tươi mát”. Khách vào các quán này chẳng mấy bận tâm uống loại nước giải khát gì, chất lượng ra sao, mà chủ yếu là tiếp viên có bốc lửa, phục vụ tận tình, chu đáo hay không. Theo quan sát của chúng tôi, hiện trên trục đường Tỉnh lộ 10 thuộc địa bàn phường Tân Tạo, quận Bình Tân và xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh (TPHCM), những quán loại này đang thi nhau mọc lên nhan nhản.
Một quán cà phê mại dâm bị công an huyện Bình Chánh bắt quả tang
Không khó để nhận biết quán cà phê nào có “dịch vụ tươi mát”, vì như một quy luật bất thành văn, chỉ cần bố trí trước cửa quán mấy chậu dừa kiểng cành lá um tùm, đèn bên trong chớp nháy mờ ảo như có như không thì coi như đó đã là ám hiệu. Chủ những quán cà phê tươi mát và cả nhân viên, phần đông đều là dân các tỉnh miền Tây. Chẳng cần không gian rộng rãi hay trang trí cầu kỳ như cà phê máy lạnh, sân vườn, mở quán cà phê “em út” cực kỳ đơn giản. Một mặt bằng nhỏ chừng 30 - 40 mét vuông, mấy bộ bàn ghế nhựa, vài két nước ngọt cùng dăm ba em mắt xanh, môi đỏ có chút “tay nghề” là vô tư... hốt bạc. Làm chơi mà ăn thiệt, nói theo kiểu dân trong nghề là việc nhẹ nhưng lương cao.
Chiều 1-3-2013, chúng tôi ghé quán Diễm Hằng nằm ven Tỉnh lộ 10, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh. Trước quán lúc này dựng hai chiếc xe máy, trên chiếc bàn nhựa trong nhà cũng có hai ly nước đang uống dở nhưng chẳng thấy người đâu. Thấy khách vào, cô chủ quán còn khá trẻ, trang điểm rất diêm dúa, đang ngồi co chân trên ghế dựa giũa móng tay, hất hàm cho cô tiếp viên ăn mặc cực “hot” mấy câu gọn lỏn: “Tới lượt mày kìa”! Quơ vội mấy lá bài đang xem bói đặt lên quầy, cô gái bước đến bá cổ khách nũng nịu: “Anh uống gì để em lấy?”. Đem ra chai nước suối ướp lạnh theo yêu cầu, cô gái kéo ghế ngồi cạnh tôi mời mọc: “Vào trong mát-xa cho khỏe nghe anh”. Tôi vờ thắc mắc: “Ủa, quán cà phê mà cũng có mát-xa hả em?”. Nũng nịu bẹo yêu vào má khách, cô tiếp viên thì thào: “Thì đây là quán “cà phê xuất” mà. Em sẽ làm cho anh... lên chín tầng mây luôn, chịu không?”. Thấy khách liên tiếp lắc đầu, cô gái nguýt dài một tiếng rõ kêu rồi quay về chỗ cũ lấy bài bói tiếp. Có lẽ lần đầu tiên gặp khách vào quán mà không “đi tour”, cô chủ cùng hai nhân viên nữ ngồi cạnh trố mắt nhìn tôi như người ở hành tinh lạ. Lúc này, từ phía trong có hai khách nam còn khá trẻ bước ra, vừa đi vừa chỉnh lại trang phục. Cầm hai tờ một trăm ngàn của hai tiếp viên vừa phục vụ khách, cô chủ móc bóp thối cho mỗi cô năm mươi ngàn đồng. So với nhiều quán “cà phê xuất” mà tôi từng biết, quy mô của Diễm Hằng có thể xem là “khủng” nhất khi sử dụng đến “năm đào”.
Rời quán Diễm Hằng, chúng tôi tiếp tục ghé quán cà phê giải khát máy lạnh Dạ Khúc chỉ cách đấy chưa đầy 200 mét. Bảng hiệu để vậy cho sang chứ thực tế chủ quán không bật máy lạnh mà mở hai chiếc quạt treo tường đều đã bung nắp bảo vệ an toàn, cũ mốc đến mức không thể cũ hơn. Trong quán chỉ đặt ba bộ bàn ghế nhựa dù mặt bằng tương đối rộng. Càng nghèo nàn hơn nữa khi ở đây chỉ có một thứ nước giải khát duy nhất cho khách dùng, đó là C2. Lúc chúng tôi vào, một thanh niên đi xe máy biển số Tây Ninh vừa tính tiền xong. Quán này chỉ có hai tiếp viên nữ, một cô vừa tiếp khách xong đi tắm, cô còn lại tên Tuyền, tóc nhuộm vàng khè, miệng phì phèo khói thuốc, đang ngả ngớn, bỡn cợt và có những động tác khiêu khích với một ông khách tuổi có lẽ đã ngoài 60. Lấy nước dùng và khăn lạnh cho tôi xong, Tuyền đon đả mời mọc vào phía trong “vui vẻ”. Nhìn hai căn phòng “hành lạc” được che sơ sài bằng ván ép, cửa chỉ là chiếc rèm bông cũ sì, dưới nền gạch đặt tấm nệm mỏng bề ngang nhỉnh hơn nửa thước, mặt trên nệm cùng chiếc áo gối lâu ngày ngả màu đen xỉn, không biết đã có bao nhiêu lượt khách ra vào nhưng chủ quán cứ để vậy không đem giặt. Vậy nên vừa bước chân vào phòng là nghe mùi ngai ngái, ẩm mốc bốc lên nồng nặc rất khó ngửi. Viện cớ mất hứng, chúng tôi kêu tính tiền rồi lên xe vọt lẹ.
Bên trong một quán “cà phê xuất”
Tuy sinh sau đẻ muộn nhưng quy mô đầu tư xem ra bài bản hơn cả là quán cà phê Nhạc Trẻ ở số 1284 Tỉnh lộ 10. Mặc dù vậy, quán này cũng chỉ có hai tiếp viên và một phòng xây kín bằng tường gạch. Nếu có hai khách vào cùng lúc, đôi bên chỉ ngăn cách bởi một tấm ri đô mỏng, người bên này có thể nghe rõ hơi thở của người bên kia.
Ngoài ba quán trên, dọc theo Tỉnh lộ 10 còn hàng chục quán khác với tên gọi rất mỹ miều cũng có kiểu kinh doanh tương tự. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hầu hết các quán này đều tính giá như nhau. Nếu khách chỉ uống nước, bất kể loại gì cũng 20.000 đồng, còn có em út phục vụ thì trọn gói 100.000 đồng, số tiền này chủ quán và nhân viên cưa đôi.
BẢO KÊ VÀ HỆ LỤY KHÓ LƯỜNG
Hoạt động rầm rộ của các quán cà phê tươi mát trên không chỉ làm mất an ninh trật tự địa bàn mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân, nhất là giới trẻ. Họ luôn chứng kiến cảnh chửi bới lẫn nhau do tranh giành khách giữa nhân viên của các quán, khách đánh lộn vì tranh giành em út... Có những tiếp viên không làm vừa lòng khách, bị đánh đến ngất xỉu nhưng chủ quán đành ngậm bồ hòn làm ngọt, không dám báo chính quyền vì sợ ảnh hưởng đến việc kinh doanh. Đội ngũ tiếp viên phần nhiều đều là những người có thâm niên trong nghề nên nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm rất cao.
Các đối tượng bảo kê bị bắt giữ
Ăn theo các quán “cà phê xuất” còn có những băng nhóm giang hồ bảo kê. Sự cạnh tranh giữa các thế lực ngầm này tuy âm thầm nhưng cực kỳ tàn khốc, quyết liệt. Trước Tết Nguyên đán Quý Tỵ, qua công tác nắm tình hình, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội CAQ Bình Tân đã bắt gọn một băng chuyên vòi tiền bảo kê các quán. Cầm đầu băng cưỡng đoạt tài sản này là Trần Văn Sung (tự Khánh, SN 1984, quê Sóc Trăng) và Lê Minh Tú (SN 1985, quê Vĩnh Long). Dưới trướng hai tên này có các trợ thủ như Phùng Quang Thoại (SN 1989, quê An Giang), Lê Văn Dư (SN 1991, ngụ Trà Vinh), Phùng Thanh Tâm (SN 1991, HKTT Vĩnh Long). Bọn chúng đến một số quán cà phê như: Lan Anh ở 1737 Tỉnh lộ 10, quán 668 ở số 1669/2 Tỉnh lộ 10, quán Diễm Hằng... đòi bảo kê với giá mỗi tháng hai triệu đồng. Chủ quán nào bất tuân, không đồng ý “làm luật” đóng tiền hụi chết, chúng nhiều lần kiếm chuyện đập phá quán tanh bành. Nhóm này vừa xộ khám, băng khác đã nhảy vào thế chân.
Nhiều người dân sinh sống gần Tỉnh lộ 10 đã bức xúc phản ánh cùng chúng tôi rằng, các quán cà phê tươi mát tại đây hoạt động công khai, không chỉ gây mất an ninh trật tự mà còn làm băng hoại đạo đức xã hội, tác hại không nhỏ, vì sao chính quyền địa phương không chịu dẹp tận gốc? Cổ nhân có nói “làm không được và không chịu làm là hai điều hoàn toàn khác nhau”. Rõ ràng, để xóa sổ hoàn toàn các quán cà phê kích dục không phải là vấn đề nan giải, nếu như các cơ quan chức năng hạ quyết tâm. Phải chăng một vài cá nhân nào đấy trong bộ máy công quyền vì lợi ích cá nhân đã dung dưỡng, ngó lơ cho tệ nạn này hoạt động?
Theo THÁI NGỌC SƠN (CATP)