Loạn các chương trình vinh danh DN: Không có nội lực, lại thích sơn phết!

Đáng sợ thật”, độc giả Hải Hà bình luận trên báo điện tử của báo Pháp Luật TP.HCM (http://www.plo.vn) sau khi đọc bài viết “Đóng tiền “mua” vinh dự” trên số ra ngày 4-3-2016 về tình trạng chào mời các doanh nghiệp “vinh danh”.

Ông Lý Trường Chiến, chuyên gia tư vấn quản trị chiến lược, Chủ tịch Tri Tri Group:

Dựa hơi người nổi tiếng để trục lợi

Vinh danh doanh nghiệp (DN) mà DN phải mua bằng tiền - Điều này thể hiện một số DN không đủ tự tin vào bản thân và chất lượng sản phẩm dịch vụ để khẳng định mình. Họ không đủ thực lực lẫn kiên nhẫn để xây dựng phát triển, muốn đi tắt cho nhanh nên dựa vào bên thứ ba để mua danh. Và bên thứ ba nắm được thóp này nên đã lợi dụng tổ chức ra các danh hiệu. Để thêm phần tin cậy cho việc làm không chân chính, để thu hút các DN nói trên tham gia, các đơn vị tổ chức mua bán danh hiệu thường tìm cách kéo những quan chức đương chức hoặc đã về hưu, cả giới showbiz… (nói chung, đó là những nhân vật có uy tín và ảnh hưởng với cộng đồng) trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia các sự kiện của họ.

Với những người nổi tiếng tham gia sự kiện, có người chỉ vô tư đến để chia sẻ nhưng cũng có người đồng lõa tư lợi với các tổ chức mua bán danh hiệu. Luật pháp và cơ chế quản lý cần có can thiệp để loại bỏ cái sai, bảo đảm môi trường kinh doanh công bằng và bảo vệ người tiêu dùng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO:

Cần nghiêm cấm việc đóng góp trước khi trao giải

Khi xã hội còn quá coi trọng về hình thức thì sẽ nhiều người chạy theo hư danh và sẽ còn nhiều nơi tận dụng cơ hội kinh doanh kiếm tiền bằng cách “bán” danh hiệu. Điều nguy hiểm ở chỗ cái danh hão ấy không phải chỉ để trang trí hay mua vui mà lại gây ảo tưởng cho người khác, thậm chí đánh lừa thiên hạ. Để những giải thưởng và sự vinh danh DN, doanh nhân thực sự có ý nghĩa ghi nhận những đóng góp, cống hiến của họ cho xã hội, cần quy định buộc phải công khai trên mạng thông tin cụ thể về giải thưởng hoặc cuộc vinh danh này, trong đó có từng khoản đóng góp trước khi trao giải. Thậm chí cần tính đến việc nghiêm cấm việc yêu cầu nộp tiền tham dự xét và trao giải thưởng dưới mọi hình thức (như chi phí, đóng góp, tài trợ, ủng hộ…). Quan chức cao cấp không được tùy tiện tham dự trao giải để tránh tiếp tay cho tình trạng đua nhau trao giải và lợi dụng vị thế.

PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam:

Muốn lừa mị khách hàng

Thật ra các danh hiệu được “mua” cũng là một kiểu làm ăn. Kiểu làm ăn này xuất phát từ một nhu cầu đang tồn tại trong cộng đồng các DN. Các DN này hay dính dáng đến địa hạt bán hàng đa cấp. Khi chưa được cộng đồng biết đến, người ta dễ dẫn tới tâm lý cần một danh hiệu cho dù là hão, thậm chí còn mạo danh cơ quan nhà nước. Nó là bằng cớ để treo ở văn phòng nhằm lừa mị khách hàng.

Bên cạnh đó còn có câu chuyện về đặt tên. Có nhiều đơn vị khi đặt tên DN, tổ chức của mình thường cố gắng đưa vào đó những chữ có vẻ mang tính quốc tế dù thực chất không có yếu tố quốc tế nào cả. Từ cái tên “quốc tế” như vậy, họ “đẻ” ra một danh hiệu thì danh hiệu đó cũng có yếu tố quốc tế kèm theo.

Nhu cầu được vinh danh là nhu cầu có thật trong xã hội, người ta muốn khẳng định mình, muốn vôi ve, kẻ vẽ, quần áo xúng xính cho dù thân thể gầy guộc không vừa với cái áo ấy. Tâm lý cho việc đục nước béo cò, ăn xổi ở thì, lừa mị đang rất phát triển. Chúng ta đang rất sính hình thức, cần sự sơn phết bên ngoài mà không chú ý đến khâu nội lực.

Đa số các danh hiệu theo tôi là sự nương tựa lẫn nhau giữa các bên. Danh hiệu không thực chất có tính chất ăn xổi ở thì, là phụ gia của cuộc chơi bất chính. Nếu nhìn về thực chất của sự phát triển thì nó sẽ bị đào thải, đến một lúc nào đó những danh hiệu ấy không còn là thiêng liêng nữa, bởi vì cộng đồng xã hội người ta cần thực chất hơn.

Vậy hiện tượng này chúng ta có cần can thiệp hay để nó phát triển tự nhiên và xã hội sẽ đào thải? Xét một cách khách quan thì sự vận động xã hội vẫn sẽ đưa những hiện tượng này về đúng với vị trí của nó, có điều phải trả giá về thời gian. Bởi vậy, chúng ta vẫn cần phải can thiệp về quản lý, quản lý tốt hơn sự phát triển đi kèm với sự khen thưởng và kỷ luật đúng nghĩa.

Ông Hoàng Anh Tú, phụ trách truyền thông chuỗi nhà hàng Hải Sản 3 Yêu Tinh và Thai Deli:

Nhận ra ngay nhóm trục lợi

Cứ 8-3 hay các dịp lễ lớn, tôi hay phải nhận qua điện thoại hoặc email những lời mời tham gia hội chợ, mà thường thì hội chợ nào cũng sẽ có màn trao cúp hoặc bằng chứng nhận cho top 100 nhà hàng xuất sắc. Mức “ủng hộ” là 3 triệu đến 5 triệu đồng. Có nhiều kiểu mời. Có kiểu mời thẳng tưng theo kiểu đưa ra báo giá luôn. Nhưng nhiều nhất là kiểu em thuộc… Bộ Công an (?), tổ chức chương trình abc - xyz mời nhà hàng tham dự. Tôi truy ra đến cùng thì chẳng liên quan gì đến Bộ Công an. Bên cạnh đó, cánh nhà hàng còn cực mệt với “các loại hội”, nào tiêu dùng, nào an toàn thực phẩm… Rất nhiều danh nghĩa được trưng dụng. Ngoài ra, có nhiều đối tượng mượn danh các tòa soạn lớn để mời chào xuất hiện trên banner - viết bài PR nhưng vì tôi cũng từng làm báo nên phát hiện ra ngay. Không mặn mà với các giải thưởng nên tôi luôn từ chối, nhất là những giải thưởng mà bản thân mình chẳng có tí đóng góp nào.

Lê Thị Thanh Lâm, Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM Saigon Food:

Không quan tâm giải thưởng kiểu này

Chúng tôi thường xuyên nhận được email mời tham gia vinh danh các danh hiệu dành cho DN. Các mức phí dành cho danh hiệu cá nhân và DN từ 15 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Dù các đơn vị tổ chức không nói thẳng là đóng phí “mua danh”, chỉ đề cập là phí để đánh giá chứng nhận, phí tổ chức truyền thông… nhưng chúng tôi không quan tâm những giải thưởng kiểu này. Thật ra cộng đồng DN đều biết những giải thưởng nào thật sự tôn vinh DN, giải thưởng nào là mua mà có. Vấn đề là người tiêu dùng làm sao biết danh hiệu nào do bản thân DN nỗ lực phấn đấu, danh hiệu nào do bỏ tiền ra mua. Mặt khác, việc tràn lan các chương trình vinh danh DN sẽ làm giảm giá trị của các giải thưởng thật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới