Ngày 30-9, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Bình Thuận đã có công văn kiến nghị giải quyết, khắc phục những bất cập và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Qua thống kê trong 9 tháng năm 2024, trên hai tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây qua địa bàn tỉnh Bình Thuận đã xảy 16 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 10 người, bị thương 8 người. Trong đó, cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết xảy ra 13 vụ, làm chết 9 người, bị thương 8 người; cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây xảy ra 3 vụ, làm 1 người chết, không có người bị thương.
Riêng từ ngày 18-9 đến 24-9, trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết liên tiếp xảy ra 2 vụ TNGT rất nghiêm trọng liên quan đến xe khách đâm vào đuôi ô tô phía trước cùng chiều, làm chết 3 người và bị thương 13 người.
Nhằm hỗ trợ, giúp tỉnh Bình Thuận khắc phục những tồn tại trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông, giảm thiểu nguy cơ xảy ra TNGT trên các tuyến cao tốc qua địa bàn tỉnh, Ban ATGT Bình Thuận đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông - Bộ Công an chỉ đạo, kiến nghị giải quyết, khắc phục những bất cập và bảo đảm an toàn giao thông trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Cụ thể, đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo đơn vị bảo trì và cơ quan liên quan khẩn trương đưa vào hoạt động hệ thống đèn chiếu sáng tại các nút giao và hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại nút giao Ba Bàu (đường dẫn vào cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và cầu vượt).
Đề nghị Ban Quản lý dự án (BQLDA) Thăng Long đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng cầu vượt trên đường Quốc lộ 1 tại nút giao đường dẫn vào cao tốc với Quốc lộ 1 (Km 1717+593).
BQLDA 7 khẩn trương kiểm tra, rà soát, sửa chữa khắc phục, hoàn thiện các công trình hạ tầng cao tốc, hàng rào bảo vệ đường bộ cao tốc bị ngã đổ và các hạng mục phát sinh trên địa bàn các huyện,
Yêu cầu các BQLDA phối hợp với các địa phương di dời, hạ ngầm các đường điện trung thế, hạ thế và viễn thông đang treo tạm trên đường cao tốc.
Theo dõi, đôn đốc nhà đầu tư, BQLDA Thăng Long, BQLDA 7 phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và xây dựng các trạm dừng nghỉ trên 2 tuyến cao tốc.
Kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo sớm triển khai dự án xây dựng hệ thống camera giám sát giao thông, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên 2 tuyến cao tốc.
Chỉ đạo Sở GTVT các tỉnh, thành phố siết chặt quản lý hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ô tô, yêu cầu các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh vận tải trên địa bàn quản lý bắt buộc trang bị theo phương tiện biển báo hiệu nguy hiểm để cảnh báo khi dừng, đỗ xe.
Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải thường xuyên theo dõi, giám sát quá trình hoạt động của phương tiện và lái xe của đơn vị mình qua camera hành trình, thiết bị giám sát hành trình và các biện pháp khác; chấn chỉnh, nhắc nhở ngay đối với người lái xe khi phát hiện xe chạy quá tốc độ, quá thời gian lái xe liên tục, có biểu hiện mất tập trung, buồn ngủ,... trong quá trình lái xe.
Đề nghị Cục CSGT Bộ Công an chỉ đạo lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm tình trạng ô tô dừng, đỗ chiếm phần đường xe chạy nhưng không đặt biển báo hiệu cảnh báo nguy hiểm ở phía sau xe theo quy định (biển số W.247 QCVN41:2019/BGTVT).
Kịp thời yêu cầu cẩu kéo, giải tỏa các ô tô hư hỏng, bị sự cố dừng, đỗ dọc đường đến vị trí an toàn trên cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo -Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Các đơn vị cũng cần phối hợp cung cấp thông tin, trao đổi kịp thời với Thường trực Ban ATGT tỉnh Bình Thuận khi xảy ra các sự cố giao thông, các vụ TNGT gây hậu quả từ rất nghiêm trọng trở lên để phối hợp giải quyết, khắc phục nhanh chóng, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân…
Cao tốc Vĩnh Hảo-Phan Thiết có chiều dài 100,8 km có 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 – 5km/1 điểm, nền đường rộng 17 m, vận tốc tối đa 90 km/h.
Cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây có chiều dài 99 km, đoạn đi qua Bình Thuận dài 47,5 km và đoạn đi qua Đồng Nai dài 51,5 km, có 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp có chiều rộng từ 25–27m, tốc độ 120 km/h.
Cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo dài 78,5 km, đoạn qua Khánh Hòa dài 4,5 km, qua Ninh Thuận dài 63 km và đoạn đi qua Bình Thuận dài 11 km, có bề rộng nền đường 17m, thiết kế 4 làn xe không có làn dừng khẩn cấp, bố trí một số điểm dừng khẩn cấp cách quãng 4 – 5km/1 điểm, vận tốc 90 km/h.