Theo thống kê của sở này, chỉ sau hai tháng sáp nhập, mỗi tháng cơ quan này nhận được 9.000 hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận của người dân 24 quận, huyện. Sở TN&MT phải cử ra ba phó giám đốc phụ trách ký giấy chứng nhận nhưng vẫn không xuể. Hồ sơ cấp giấy chứng nhận vẫn ùn tắc, trễ hẹn, người dân vẫn phải đi lên đi xuống rất nhiều lần và dài cổ chờ đợi. Đến thời điểm này, không chỉ người dân mà không ít lãnh đạo các quận, huyện khi trao đổi với chúng tôi cũng phải than trời vì dân kêu nhiều quá!
Ngay từ khi triển khai thực hiện mô hình văn phòng đăng ký đất đai một cấp, những vướng mắc phát sinh đã được TP.HCM phát hiện kịp thời và đã có văn bản kiến nghị trung ương tháo gỡ. Tuy nhiên, đến nay những kiến nghị này vẫn còn chưa được xử lý, trong khi người dân có nhu cầu cấp giấy chứng nhận vẫn “như đứng đống lửa, như ngồi đống than” vì điệp khúc… chờ và chờ.
Có thể thấy mục tiêu của việc áp dụng mô hình văn phòng đăng ký một cấp theo Bộ TN&MT là tiến bộ và để phù hợp với xu hướng của thế giới, mang lại lợi ích về lâu về dài cho công tác quản lý đất đai. Khi xây dựng quy định này các nhà soạn thảo cũng kỳ vọng sẽ tăng cường tính chuyên nghiệp, giải quyết nhanh hồ sơ và để giảm bớt phiền hà cho người dân. Một chủ trương tốt đẹp như thế, có lẽ không người dân nào không ủng hộ. Tuy nhiên, hiệu quả của các chủ trương, chính sách sẽ phải được đo lường bằng thực tiễn triển khai, áp dụng, cụ thể là hiệu quả của nó đến với mỗi người dân.
Đặc biệt, đối với người dân, nhà đất là tài sản vô cùng lớn. Với một TP lớn như TP.HCM, giao dịch về nhà đất cũng là nhu cầu cấp bách, diễn ra từng ngày, từng giờ, vì việc cấp đổi giấy tờ nhà đất liên quan đến việc mua bán, thế chấp, tính toán làm ăn, hay chỉ đơn giản để yên tâm sau khi tạo lập được căn nhà mới… Điều người dân quan tâm nhất hiện nay là đến bao giờ các điểm kẹt này sẽ tháo gỡ để việc làm giấy tờ được thuận lợi, nhanh chóng, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình. Bắt dân phải mỏi mòn chờ đợi, mất rất nhiều thời gian, công sức và chi phí cơ hội, dù với bất kỳ lý do gì, thì đó vẫn là điều hết sức đáng trách.
Đã gần nửa năm, TP.HCM vẫn phải gồng mình trước một lượng hồ sơ nhà đất “khủng” hằng tháng, vẫn phải sốt ruột chờ phán quyết của trung ương, vừa phải loay hoay tìm đủ cách (chẳng hạn như vận động người dân đăng ký biến động thay vì cấp mới giấy chứng nhận) để tháo điểm nghẽn này.
Hiệu quả của việc tổ chức lại văn phòng đăng ký đất đai đến đâu thì nay chưa rõ nhưng rõ ràng với những vướng mắc, thiệt hại mà người dân đang phải “cố chịu” thì các cấp có thẩm quyền tháo trong gỡ chuyện này cần phải xem lại trách nhiệm của mình.