GÓP Ý LUẬT TƯ PHÁP NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN - BÀI 4:

Đeo thiết bị giám sát điện tử cho người chưa thành niên phạm tội: Có khả thi?

(PLO)- Khi áp dụng các biện pháp ngăn chặn giám sát điện tử đối với người chưa thành niên, cần cân nhắc nguy cơ về sự kỳ thị có thể gây tâm lý mặc cảm, tác động xấu cũng như đi ngược với tinh thần giáo dục, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm của họ.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, TAND Tối cao đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc nhiều bộ, ngành soạn thảo và lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đây là lần đầu tiên một đạo luật riêng biệt về tư pháp cho người chưa thành niên được xây dựng với mục tiêu hướng đến công tác bảo vệ, giáo dục và giúp đỡ người chưa thành niên sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội; nhất là liên quan đến các hoạt động tố tụng đối với thế hệ tương lai của đất nước.

Về các biện pháp ngăn chặn, so với quy định tại BLTTHS 2015, dự thảo luật đã bổ sung 2 biện pháp mới là giám sát điện tử và giám sát tại nhà (điểm đ, e khoản 1 Điều 124 dự thảo); đồng thời, không áp dụng biện pháp ngăn chặn là bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh đối với người chưa thành niên.

Bổ sung chế tài đối với người giám sát

Có thể thấy, bên cạnh các nội dung về hình phạt thì các biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên phạm tội là vấn đề đáng quan tâm về tính khả thi.

người-chưa-thành-niên (3).png
Người chưa thành niên thực sự cần có một đạo luật riêng để quy định một cách thống nhất thay vì được đề cập đan xen trong nhiều Bộ luật và luật chung. Ảnh minh hoạ: AI

Đối với biện pháp giám sát tại nhà, dự thảo quy định áp dụng khi “người đại diện hợp pháp của người chưa thành niên đề nghị và cam kết thực hiện nhiệm vụ giám sát chặt chẽ họ” và công an cấp xã nơi người chưa thành niên cư trú có trách nhiệm theo dõi việc thực hiện biện pháp này.

Tuy nhiên, cần lưu ý ở khía cạnh gia đình, người đại diện hợp pháp thường: là cha, mẹ, ông, bà, người thân thích; không loại trừ khả năng họ có thể là một trong những nguyên nhân góp phần khiến người chưa thành niên có hành vi phạm tội.

Do đó, cần xem lại tính khả thi khi quy định họ là người “đề nghị và cam kết nhận trách nhiệm giám sát”; đồng thời cũng quy định họ có trách nhiệm “kịp thời thông báo và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời” khi người chưa thành niên phạm tội có dấu hiệu vi phạm khi áp dụng biện pháp giám sát tại nhà.

Bởi lẽ, hầu hết tâm lý của cha mẹ và người thân thường bao che cho con em mình hơn là tố giác với mục đích con em được giảm trách nhiệm hình sự.

Trong BLHS cũng quy định về người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh chị) không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm, trừ trường hợp đối với tội đặc biệt nghiêm trọng hoặc xâm phạm đến an ninh quốc gia.

Do đó, cần bổ sung vào dự thảo quy định về trách nhiệm cụ thể hơn của người được giao giám sát nhưng không đạt hiệu quả; hoặc có dấu hiệu làm cản trở, ảnh hưởng đến bản chất vụ việc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát của mình.

người-chưa-thành-niên (5).jpg
Tác giả - Luật sư Lê Ngô Trung, Đoàn Luật sư TP.HCM.

Cân nhắc yếu tố riêng tư

6 biện pháp ngăn chặn

Các biện pháp ngăn chặn áp dụng đối với người chưa thành niên bị buộc tội bao gồm:

- Giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

- Bắt trong trường hợp phạm tội quả tang, bị truy nã, để tạm giam.

- Tạm giữ.

- Tạm giam.

- Giám sát điện tử.

- Giám sát tại nhà.

(Khoản 1 Điều 124 dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên)

Đối với biện pháp giám sát điện tử, cần xem xét đến các yếu tố về sự riêng tư trong giám sát, sự kỳ thị của cộng đồng đối với người bị buộc phải đeo thiết bị này và điều kiện thực tế của địa phương khi trang bị thiết bị điện tử.

Trong trường hợp này, nếu thiết bị giám sát được gắn (hoặc đeo) trên cơ thể của người chưa thành niên thì vô tình dẫn đến sự không đồng nhất trong đường lối xây dựng các quy định pháp luật.

Cụ thể, khi xét xử người chưa thành niên phạm tội thì áp dụng nguyên tắc xét xử kín để đảm bảo bí mật cá nhân và nhằm hạn chế sự kỳ thị; tuy nhiên quá trình điều tra và truy tố thì thiết bị giám sát lại trở thành công cụ “tố cáo và công khai” người chưa thành niên này đang trong giai đoạn bị xem xét, xử lý về mặt hình sự.

Điều này có thể dẫn đến sự kỳ thị của những người xung quanh, nguy cơ ảnh hưởng và gây tâm lý mặc cảm, tác động xấu cũng như đi ngược với tinh thần giáo dục, tạo cơ hội sửa chữa lỗi lầm của người chưa thành niên.

Ngoài ra, để đảm bảo sự riêng tư cho người được đeo-gắn thiết bị giám sát điện tử thì cần quy định cụ thể hơn về chức năng định vị, cập nhật lịch trình di chuyển của thiết bị điện tử này trước khi luật này được thông qua và áp dụng. Đồng thời, cần quy định chi tiết về việc giám sát thiết bị điện tử này, người được giao nhiệm vụ theo dõi; nhất là tại các địa phương khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nhân sự quản lý về mặt an ninh trật tự.

Người chưa thành niên thực sự cần có một đạo luật riêng để quy định một cách thống nhất thay vì được đề cập đan xen trong nhiều Bộ luật và luật chung. Trong đó, biện pháp ngăn chặn hướng đến việc giảm thiểu tác động tiêu cực lên tâm lý, tạo điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội có cơ hội được sửa chữa lỗi lầm. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả của hai biện pháp ngăn chặn giám sát điện tử và giám sát tại nhà, cần cân nhắc và xem xét một cách cụ thể hơn trong bối cảnh hiện nay về điều kiện giáo dục, phát triển của người chưa thành niên.

Để phát huy hiệu quả của hai biện pháp ngăn chặn giám sát điện tử và giám sát tại nhà, cần xem xét bối cảnh hiện nay về điều kiện giáo dục, phát triển của người chưa thành niên.

LS LÊ NGÔ TRUNG

Cân nhắc tính khả thi của biện pháp giám sát điện tử

người-chưa-thành-niên (4).jpg
PGS-TS Lê Huỳnh Tấn Duy

Liên quan đến chế định biện pháp ngăn chặn đối với người chưa thành niên, cơ quan soạn thảo cần xem xét lại các vấn đề sau:

Thứ nhất, trong dự thảo 2.2, cơ quan soạn thảo đã bỏ biện pháp ngăn chặn là bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh. Mặc dù bảo lĩnh và đặt tiền để đảm bảo ít khi được áp dụng trên thực tế nhưng vẫn cần thiết, tạo sự đa dạng về hệ thống các biện pháp ngăn chặn để người có thẩm quyền có thể lựa chọn, đảm bảo sự phù hợp với từng đối tượng, tình huống cụ thể.

Thứ hai, đối với biện pháp giám sát điện tử cần phải nghiên cứu chi tiết và đầy đủ mọi vấn đề liên quan trước khi quyết định có ghi nhận chính thức hay không. Những vấn đề này bao gồm sự ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người chưa thành niên bị áp dụng; chi phí mua sắm các thiết bị giám điện tử; cơ chế vận hành, phát hiện vi phạm và xử lý…

Giám sát điện tử được hiểu là công nghệ được sử dụng để xác định, theo dõi, ghi lại, hoặc giám sát vị trí của người chưa thành niên thông qua các phương tiện điện tử, được áp dụng kèm theo các biện pháp khác, ví dụ như giám sát tại nhà. Đây không phải là một biện pháp ngăn chặn độc lập. Xu hướng chung của một số quốc gia như Mỹ, Vương Quốc Anh là vẫn tiếp tục duy trì chế định này với những sửa đổi, bổ sung cả về phương diện lập pháp lẫn các yếu tố đảm bảo hiệu quả thực hiện.

Tuy nhiên, với rất nhiều sự khác biệt về truyền thống pháp luật, điều kiện kinh tế-xã hội, hệ thống tư pháp người chưa thành niên, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện… giữa Việt Nam và các quốc gia nêu trên, Ban soạn thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên rất cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách cẩn trọng về biện pháp giám sát điện tử.

PGS-TS LÊ HUỲNH TẤN DUY, Phó trưởng khoa Luật Hình sự Đại học Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm